Hiệu quả từ Mô hình “Dân vận khéo” ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre
(ĐCSVN) – Từ cách làm linh hoạt. mềm dẻo, lắng nghe và đối thoại với người dân, mô hình “Dân vận khéo” vận động nhân dân giải phóng mặt bằng tuyến đường, đê bao Bắc - Nam giai đoạn 2 tại xã Thạnh Trị nối liền các huyện ven biển Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã cùng địa phương vận động nhân dân bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.
Một tuyến đường tại huyện Bình Đại hoàn thành khi người dân đồng thuận bài giao mặt bằng. |
Năm 2021, Ban Dân vận Huyện ủy Bình Đại, tỉnh Bến Tre xây dựng Kế hoạch số 43-KH/BDVHU, ngày 20/5/2021 đăng ký thi đua thực hiện mô hình “Dân vận khéo” vận động nhân dân giải phóng mặt bằng tuyến đường, đê bao Bắc - Nam giai đoạn 2 tại xã Thạnh Trị nối liền các huyện ven biển Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre; tổng chiều dài toàn tuyến 3.500 m, chiều ngang mặt đường 7,5 m, công trình dự án đi qua có 32.258,9 m² diện tích đất của 189 hộ dân bị ảnh hưởng cần phải giải tỏa.
Ban Dân vận Huyện ủy Bình Đại đã phối hợp cùng Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện, UBND, Khối vận xã Thạnh Trị tổ chức quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan với đời sống và sinh hoạt của cộng đồng dân cư các tổ Nhân Dân tự quản số 5, 6, 7, 8, 10, 11 thuộc ấp Bình Thạnh 3, trong đó có 189 hộ dân có đất đai, cây ăn trái, hoa màu vật kiến trúc… bị thiệt hại khi công trình thi công; nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc tham gia cùng chính quyền đia phương thực hiện bàn giao mặt bằng công trình xây dựng đê bao ngăn mặn, kết hợp đường giao thông Bắc - Nam giai đoạn 2 tại xã Thạnh Trị cho đơn vị thi công đảm bảo đúng thời gian.
Trên cơ sở xác định mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu thực hiện thi đua mô hình “Dân vận khéo”, Ban Dân vận Huyện ủy đã có nhiều biện pháp, giải pháp triển khai thực hiện qua các bước như sau: Bước 1: Ban Dân vận Huyện ủy thành lập tổ vận động của mô hình “Dân vận khéo” do đồng chí Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy làm tổ trưởng, phân công các đồng chí chuyên viên trong cơ quan Ban Dân vận Huyện ủy và mời đại diện Mặt trận, đoàn thể, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện, Phòng Tài Nguyên - Môi Trường; UBND, Khối vận xã Thạnh Trị, chi bộ ấp 3 tham gia làm thành viên tổ vận động để phối hợp trong việc tổ chức họp dân, vận động, đối thoại, giám sát nội dung cho từng vụ việc có liên quan đến triển khai thực hiện công trình giải phóng mặt bằng tuyến đường, đê bao Bắc-Nam giai đoạn 2.
Bước 2: Tổ vận động mô hình “Dân vận khéo” Ban Dân vận Huyện ủy phối hợp với Đảng ủy, UBND Xã Thạnh Trị tổ chức nhiều cuộc họp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội của xã để lấy ý kiến cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân trong cộng đồng dân cư với hình thức tọa đàm, sinh hoạt các chi hội đoàn thể và nhóm zalo các tổ nhân dân tự quản số 5, 6, 7, 8, 10, 11 có công trình đi qua, tổng số 22 cuộc với 1045 lượt người dân trên địa bàn ấp Bình Thạnh 3 tham dự. Ngoài ra, tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên đài tuyền thanh 3 lần/tuần, nêu bật ý nghĩa của công trình tuyến đường, đê bao để mọi người dân đồng thuận với chủ trương của huyện.
Bước 3: Tổ vận động mô hình “Dân vận khéo” huyện phối hợp các ngành chức năng huyện và cấp ủy UBND xã Thạnh Trị tiến hành khảo sát thực tế công trình dự án tuyến đường, đê bao Bắc - Nam có 32.258,9 m² đất bị ảnh hưởng cần giải tỏa. Tổ vận động tiếp xúc tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh của từng hộ gia đình để có giải pháp vận động riêng lẽ, có trọng tâm. Qua khảo sát tổ vận động mô hình “Dân vận khéo” huyện phát hiện có 43/189 hộ chưa ký hồ sơ xác nhận giá trị đất, tài sản trên đất qua kiểm điếm, do đi làm ăn xa và không phải người sinh sống ở tại địa phương. Tổ vận động mô hình “Dân vận khéo” huyện phối hợp UBND xã Thạnh Trị thông qua các hộ là chủ đất liền kề để liên lạc trao đổi, vận động có 43/43 hộ dân đồng thuận đến ký xác nhận hồ sơ kiểm đếm.
Bước 4: Sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chỉ số K về giá hỗ trợ; tổ vận động mô hình “Dân vận khéo” huyện đã tổ chức nhiều buổi họp dân công khai giá hỗ trợ đất, tài sản trên đất. Qua công khai, tiếp tục phát sinh có 35/189 hộ đã được phê duyệt phương án bồi thường nhưng chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với lý do chưa làm hồ sơ thừa kế quyền sử dụng đất, chủ sử dụng đất sinh sống ở khác địa phương chưa về kịp, hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn đang thế chấp ngân hàng. Tổ vận động phối hợp các ngành chức năng thống nhất hướng dẫn lập hồ sơ tạo điều kiện cho 35/189 hộ được nhận tiền theo qui định pháp luật.
Huyện Bình Đại, Bến Tre là địa phương phát triển mạnh nghề nuôi tôm công nghệ cao. |
Ngoài ra, có 25/189 hộ chưa đồng thuận với chính sách hỗ trợ bồi thường. Tổ vận động mô hình phối hợp với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện tổ chức đối thoại trực tiếp từng hộ chưa đồng thuận để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người dân. Qua đối thoại lần 1 có 16/25 hộ đồng thuận (có 12.138 hộ trực tiếp, 03 hộ sống tại TP Hồ Chí Minh và 01 hộ định cư ở nước ngoài tổ vận động đối thoại qua zalo máy điện thoại người thân). Tổ vận động đối thoại lần 2 có 02/09 hộ tiếp tục đồng thuận; đồng thời, Tổ vận động mô hình “Dân vận khéo” tiếp tục đối thoại lần 4,5,6,7 riêng lẽ 07 hộ dân qua nhiều lần vận động, kiên quyết không thống nhất giá hỗ trợ; trong quá trình vận động có 04 hộ có đơn kiến nghị đã được UBND huyện trả lời bằng văn bản và được Trưởng ban Dân vận Huyện ủy hỗ trợ vận động có 03/07 hộ đồng thuận. Còn 04 hộ tổ vận động kiến nghị UBND huyện được đồng chí Phó chủ tịch và Chủ tịch UBND huyện tham gia trực tiếp đối thoại vận động đã đồng thuận giao mặt bằng. Kết quả, qua các bước vận động có 175/189 hộ dân đã nhận tiền hỗ trợ với số tiền gần 34 tỷ đồng. Số còn lại chưa nhận tiền do chưa làm hồ sơ thừa kế quyền sử dụng đất và chủ sử dụng đất sinh sống ở khác địa phương chưa về kịp nhưng đã đồng thuận bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đúng thời gian qui định.
Từ quá trình thực hiện Tổ vận động mô hình “Dân vận khéo” đã rút ra một số kinh nghiệm, đó là: phải kiên trì làm từng bước, chặt chẽ từ khảo sát, thu thập thông tin về tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị phản ánh của người dân để xác định nội dung cần vận động giải thích; không nóng vội; kiên quyết không để phát sinh mâu thuẫn, dẫn đến điểm nóng khiếu kiện đông người khi triển khai thực hiện công trình. Công tác vận động thuyết phục, phải vừa mềm dẻo vừa linh hoạt đảm bảo đúng nguyên tắc quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cấp có thẩm quyền có quyết định cơ chế chính sách về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho người dân kịp thời; thỏa đáng trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, trường hợp có nhiều hộ dân phản đối hoặc chưa đồng thuận thì cần rà soát xem lại cơ chế chính sách, nếu chưa phù hợp tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết từng trường hợp cụ thể.
Đây là một trong những mô hình "Dân vận khéo" tiêu biểu của tỉnh Bến Tre được Ban Dân vận Trung ương ghi nhận và đánh giá cao./.