Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Sáu, 28/10/2022 07:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN)- Trong những năm qua, huyện Tuyên Hóa đã triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc. Trong đó, chú trọng vào chính sách hỗ trợ nhà ở cho người dân. Hằng trăm ngôi nhà của bà con dân tộc thiểu số ở huyện Tuyên Hóa được xây dựng mới từ nguồn vốn của các Chương trình, Dự án của Chính phủ, Bộ ngành và chính quyền địa phương các cấp đã góp phần làm cho bản làng từng bước khởi sắc, bà con yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao cuộc sống.

Đến thăm ngôi nhà của chị Cao Thị Nam, ở bản Chuối – xã Lâm Hoá, đứng trong ngôi nhà khang trang mà bấy lâu chị mơ ước giờ đã thành hiện thực, chị xúc động chia sẻ, tôi lập gia đình và làm nhà ở riêng từ năm 2016, cuộc sống làm nương rẫy là chính, kinh tế khó khăn nên không thể tích luỹ để sửa chữa căn nhà của gia đình, nhiều năm nay, cả nhà 3 thành viên sống trong căn nhà gỗ lụp xụp, diện tích chật hẹp, không đảm bảo an toàn mỗi khi mùa mưa bão về. Phấn khởi khi được Đảng và Nhà nước quan tâm xây nhà mới, đến nay ngôi nhà đã hoàn thiện, gia đình chị Nam được dọn về nơi ở mới. 

Lễ khánh thành và bàn giao nhà Đại Đoàn Kết cho các hộ gia đình tại xã Lâm Hóa, xã Thanh Hóa 

Chị Cao Thị Nam – Bản chuối – xã Lâm Hoá chia sẻ: Bao năm gia đình tôi ở trong ngôi nhà tạm, giờ được hỗ trợ làm nhà mới, không sợ mưa dột, nhà ổn định rồi, tôi chỉ biết cảm ơn Đảng và Nhà nước, Mặt trận các cấp đã quan tâm cho những hộ nghèo như chúng tôi, bây giờ không phải lo về chỗ ở nữa, chỉ lo làm ăn cho no ấm thôi.

Gia đình chị Cao Thị Nam là một trong 22 hộ gia đình đồng bào dân tộc Chứt có nhà ở xuống cấp và vừa tách hộ chưa có nhà ở được huyện Tuyên Hóa huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng mới trong năm 2021, gồm xã Lâm Hóa 12 nhà, xã Thanh Hóa 10 nhà. Tổng vốn đầu tư trên 2,45 tỷ đồng, trong đó quỹ cứu trợ của tỉnh 1,98 tỷ đồng; từ các nguồn xã hội hóa của Ủy ban MTTQ huyện Tuyên Hóa trên 473 triệu đồng. Đến nay, các ngôi nhà đã hoàn thiện, được đưa vào sử dụng đảm bảo cho người dân dọn về nơi ở mới trước khi tết đến xuân về.

Toàn cảnh Bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình 

Đồng chí Cao Phương Hướng - Chủ tịch xã Lâm Hóa chia sẻ: Với bà con dân bản, những ngôi nhà mới là hiện thực hoá giấc mơ của mỗi người. Việc xây dựng nhà ở được chính quyền xã thống nhất với bà con về cách thức xây dựng, đảm bảotheo nguyện vọng của bà con, đảm bảo phù hợp với phong tục tập quán và thuận lợi trong sinh hoạt cho bà con. Để người dân sớm được ở trong nhung ngôi nhà mới, lãnh đạo xã đã thường xuyên kiểm tra, tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình. Đến hôm nay, 12 ngôi nhà đã hoàn thành, đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ, cơ bản tuân thủ đúng thiết kế.

Huyện Tuyên Hóa hiện có 219 hộ, với 824 khẩu đồng bào Mã liềng, dân tộc Chứt sinh sống tại các bản Kè, Bản Cáo, Bản Chuối của xã Lâm Hóa và Bản Cà Xen, xã Thanh Hóa. Nhằm góp phần cho bà con “an cư lạc nghiệp”, việc xây dựng nhà ở luôn là việc làm được cấp ủy, chính quyền, mặt trận huyện Tuyên Hóa hết sức quan tâm. Vận dụng các nguồn vốn từ Chương trình, Dự án của chính phủ như 134, 135…huyện Tuyên Hóa đã từng bước hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc với quyết tâm không để hộ dân nào phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ. Tính riêng từ năm 2010 đến nay, Toàn huyện đã có 107 ngồi nhà của đồng bào dân tộc được sửa chữa, xây dựng mới. Qua đó, giúp cho các hộ đồng bào yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế.

Bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa là nơi sinh sống của 55 hộ dân, với 224 nhân khẩu. Trước đây cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Từ những năm 90, sau khi về định canh định cư dưới chân núi, đồng bào Mã Liềng nói chung, người dân Bản Kè nói riêng được tạo điều kiện sinh sống trong những ngôi nhà sàn bằng gỗ được nhà nước đầu tư xây dựng, tuy nhiên theo thời gian, những ngôi nhà ngày một xuống cấp. 

Những năm trở lại đây, bằng việc vận dụng nguồn vốn từ các Chương trình, Dự án của Chính phủ, của tỉnh Quảng Bình, người dân Bản Kè, huyện Tuyên Hóa được hỗ trợ để xây mới lại nhà ở kiên cố, khang trang hơn, phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa của người Mã Liềng. Có nhà kiên cố để ở, bà con yên tâm lao động sản xuất, đời sống ngày một khởi sắc, Bản Kè trở thành một trong những bản tái định cư tiêu biểu ở huyện Tuyên Hóa nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung. 

Anh Cao Văn Nam - Bí thư Chi bộ Bản Kè – xã Lâm Hoá chia sẻ: Bản Kè hiện có 100% hộ dân có nhà ở kiên cố, nhiều gia đình trong bản còn tự chủ động nâng cấp, cơi nới nhà mình rộng rải, chắc chắn hơn để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho các thành viên trong nhà. Bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế. Đời sống khởi sắc hơn so với trước.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ về nhà ở, huyện Tuyên Hóa còn chú trọng vận dụng các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, điện đường trường trạm đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Hiện nay đã có 100% tuyến đường giao thông được bê tông hóa vào tận các bản đồng bào dân tộc, các điểm trường được đầu tư xây dựng khang trang, phục vụ tốt cho nhu cầu học tập và sinh hoạt văn hóa cho con em Mã Liềng.

Cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Tuyên Hóa đã đẩy mạnh các chương trình khai hoang, mở rộng đất sản xuất; tích cực hỗ trợ cây, con giống, vật tư, phân bón đồng thời cử cán bộ thường xuyên hướng dẫn đồng bào sản xuất, chăm sóc và thu hoạch cây trồng đảm bảo năng suất, sản lượng cao. Đến nay, vùng sản xuất của đồng bào dân tộc huyện Tuyên Hóa có hơn 58,3 ha đất nông nghiệp các loại, 101 ha rừng trồng kinh tế, trên 3000 con gia súc, gia cầm các loại. Đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Tuyên Hóa có ý thức tự lao động, làm ra của cải để cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống, nhiều hộ đồng bào từ chỗ khó khăn nay đã vươn lên thoát cảnh đói nghèo, có của ăn của để. Điển hình như hộ ông Hồ Phình, Cao Thị Vân, Cao Dụng ở Bản Kè và các hộ thuộc Bản Cáo, bản Chuối xã Lâm Hóa; Hồ Xuân, Hồ Bợt, Hồ Chí Thành ở Bản Cà Xen, xã Thanh Hóa.v.v 

Anh Hồ Chí Thành- bản Cà Xen, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa chia sẻ: “Gia đình tôi được cấp 3 ha đất rừng để trồng keo, hiện lứa keo đầu tiên đang chuẩn bị thu hoạch, ước tính tiền bán keo đợt này được khoảng 250 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình tôi còn nuôi trâu, bò, làm ruộng, mỗi năm thu trên 1 tấn lúa”.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tâm - Chủ tịch xã Thanh Hóa chia sẻ : Trong những năm qua việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc luôn được các cấp, các ngành xã Thanh Hoá quan tâm, bên cạnh đó xã thường xuyên hỗ trợ cho bà con như vật tư, phân bón, con giống, ngày công để bà con chăm lo sản xuất, đảm bảo cuộc sống.

Có thể nói, chính sách hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mới nhà ở cùng với đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi vùng đồng bào dân tộc là một chủ trương ý nghĩa, thiết thực mà huyện Tuyên Hóa đã và đang thực hiện hiệu quả, thể hiện sự quan tâm sâu sát của Đảng bộ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể địa phương với bà con đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Việc được dọn về ở trong những ngôi nhà mới khang trang, kiên cố giúp bà con yên tâm về nơi ăn, chốn ở, tập trung lao động sản xuất, từng bước xóa đói giảm nghèo.

Độ thợ gấp rút thi công để bàn giao nhà cho người dân 

Đồng chí Phạm Xuân Kỳ, Chủ tịch UBMTTQVN Huyện chia sẻ: Mỗi ngôi nhà được xây dựng là niềm vui không chỉ đối với hộ nghèo, hộ còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, mà là cả những người làm công tác mặt trận, đặc biệt, khi năm của sắp qua, năm mới đang đến gần. Thời gian qua, Uỷ ban mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp trong huyện đã vận động xây dựng quỹ bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện kinh tế của địaphương, đó là nguồn động viên, khích lệ lớn để họ cố gắng lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Tuyên Hóa sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các Chương trình, Đề án của Trung ương, của tỉnh, và từ các nguồn lực xã hội hóa để ưu tiên thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời tích cực khuyến khích, hướng dẫn bà con sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào phát huy nội lực để tự vươn lên, tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, từng bước đưa vùng đồng bào dân tộc sớm phát triển ngang bằng với địa phương khác trên địa bàn huyện. 

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN