Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách trên vùng đất khó Ia Pa

Thứ Hai, 17/06/2024 11:33 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40- CT/TW của Ban Bí thư, nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai được đáp ứng kịp thời, qua đó đã góp phần đáng kể thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương không ngừng phát triển.

Cả hệ thống chính trị chăm lo cho người nghèo

Ia Pa là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Gia Lai với dân số trên 62.000 người, 75% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Gia Rai. Đến cuối năm 2023, toàn huyện có 2.174 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 15,25%; hộ cận nghèo 1.353 hộ.

Sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (Chỉ thị 40), Huyện ủy Ia Pa xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để phát triển kinh tế - xã hội. Với sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai đồng bộ các chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, qua đó, tỉ lệ hộ nghèo ở huyện Ia Pa giảm nhanh qua từng năm.

 Đồng bào dân tộc Gia Rai ở huyện Ia Pa phát triển chăn nuôi từ vốn tín dụng chính sách.

Cùng với đó, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Ia Pa cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội để cung cấp thông tin chính xác, phản ánh kịp thời các hoạt động triển khai Chỉ thị 40; các chương trình tín dụng chính sách (TDCS) ưu đãi; hướng dẫn tiêu chí bình xét đối tượng vay vốn, thủ tục vay vốn, phối hợp lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội khác nhằm nâng cao hiệu quả vốn vay, giúp người vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Từ đó đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện.

Công tác phối hợp giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, chất lượng ủy thác ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, nguồn vốn ủy thác của địa phương được cấp ủy, chính quyền quan tâm, hằng năm ưu tiên dành một phần ngân sách chuyển ủy thác sang NHCSXH để cho vay luôn tăng trưởng. Mô hình tổ chức và phương thức quản lý phù hợp với thực tiễn, huy động được nhiều nguồn lực, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Huyện ủy, UBND huyện Ia Pa ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo các phòng, ban, ngành, địa phương tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện theo tinh thần, chủ trương của Đảng “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Cấp ủy, chính quyền cơ sở đưa nội dung vào chủ trương, nghị quyết, kế hoạch của địa phương. Vì vậy, quy mô hoạt động TDCS ở huyện Ia Pa không ngừng mở rộng, chất lượng tín dụng được nâng lên toàn diện.

Từ khi bổ sung các đồng chí Chủ tịch UBND xã tham gia vào Ban đại diện hội đồng quản trị (HĐQT) cấp huyện, đã góp phần nâng cao sức mạnh trong chỉ đạo, điều hành, từ đó được triển khai kịp thời đến người dân, khắc phục hiệu quả các tồn tại so với trước đây. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ 168 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 9 điểm giao dịch ở các xã để NHCSXH tổ chức giao dịch an toàn, bảo đảm 100% người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu đều được giải quyết cho vay và được tiếp cận đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.

Thông qua hoạt động TDCS góp phần giúp người dân trên địa bàn huyện bám đất, bám làng, phát triển sản xuất, thay đổi nhận thức để vươn lên thoát nghèo và xây dựng nông thôn mới. Các chương trình TDCS đã tác động tích cực đến vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép với công tác khuyến nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất, tăng thu nhập. Thông qua hoạt động TDCS đã giúp cho chính quyền các cấp gần và sát dân hơn; giúp cho các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vay vốn từ NHCSXH tập hợp được đoàn viên, hội viên.

Có thể thấy, Chỉ thị 40 đã mang đến “luồng sinh khí mới”, thúc đẩy mạnh mẽ tư duy và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự chủ động trong phối hợp triển khai, đưa hoạt động TDCS ngày càng tăng trưởng và phát triển bền vững cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả.

Hiệu quả thực chất từ đồng vốn nhân văn

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Ia Pa, Huyện ủy, UBND huyện luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của NHCSXH trên địa bàn, góp phần đẩy nhanh các chương trình cho vay đến các đối tượng thụ hưởng. Hằng năm, huyện đều cân đối, bố trí vốn chuyển sang Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để bổ sung nguồn vốn, nâng tổng số vốn ngân sách địa phương ủy thác đến nay lên trên 12,542 tỷ đồng.

Tính đến tháng 5/2024, tổng dư nợ đạt trên 408 tỷ đồng, với 14 chương trình tín dụng ưu đãi cho gần 9.000 hộ khách hàng đang sử dụng vốn vay. Quy mô tăng trưởng vốn vay gấp 176 lần so với năm 2014, bình quân mỗi năm tăng 17,6 lần. Riêng 3 chương trình giảm nghèo có tầm ảnh hưởng rộng lớn là chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm 40% tổng dư nợ, đã lấp đầy “khoảng trống” chính sách, bảo đảm cho hộ nghèo giảm nghèo bền vững. Chất lượng tín dụng nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn liên tục giảm hằng năm. Vốn vay của NHCSXH đã giúp 6.610 hộ thoát nghèo, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững qua từng giai đoạn.

Nguồn vốn TDCS đã đến được với tất cả hộ nghèo trong huyện đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn; góp phần chuyển biến nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, đến nay huyện Ia Pa đã có 2 xã là Ia Mrơn và Ia Tul đạt chuẩn nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm 4-5%. Thu nhập bình quân đầu người từ 2,6 triệu đồng năm 2003 tăng lên 44 triệu đồng năm 2023.

Cán bộ NHCSXH huyện Ia Pa đến từng nhà dân tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng vốn tín dụng chính sách. 

Nguồn vốn TDCS đã giúp hàng trăm hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả như: bà Ksor H’Chôr, Ksor H’Jú ở buôn Đắk Chá, xã Ia Mrơn; ông Hiao Anh, Hiao Quyên, buôn Biah B, xã Ia Tul… bà Ksor H’Jú phấn khởi: “Trước kia nhà tôi nghèo quá. May mà nhờ đồng vốn của NHCSXH nên nay kinh tế đã khá hơn nhiều. Tôi đã trả hết nợ, còn lãi mấy con bò, trồng thêm 4 ha mía, 2 ha mì đang phát triển rất tốt…”. Ánh mắt bà như ánh lên niềm vui về cuộc đổi đời đã đến với gia đình như một niềm tin vững chắc ở tương lai.

Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn TDCS, ông Phạm Quốc Quyền, Chủ tịch UBND xã Chư Mố chia sẻ: Xã hiện đã cơ bản đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo còn 6%. Kết quả này là nhờ tập trung triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, đặc biệt là nguồn vốn TDCS. Tương tự, việc phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng hộ nghèo, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư đối với các xã như: Pờ Tó, Ia Trok, Chư Răng, Ia K’Đăm… đã mang lại kết quả thiết thực. Bà Kpă H’Yư, Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Broăi khẳng định: “Nhờ sự hỗ trợ hiệu quả này, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 7%. Hội viên phụ nữ muốn được vay nhiều hơn vốn TDCS”.

Có thể khẳng định, đồng vốn nhân văn đã bắc nhịp cầu phát triển kinh tế bền vững không chỉ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên vùng đất khó Ia Pa mà hơn cả là vì sự phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội; dòng vốn TDCS đã và đang chảy đều đặn, thấm sâu trong lòng đất, nảy mầm, sinh sôi trên những vùng đất cằn, sỏi cát nhiều khắc nghiệt…/.

Bài, ảnh: Đình Tăng - Nguyễn Chiến

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN