Hiệu quả bước đầu từ Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 tại Thái Bình
(ĐCSVN) - Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đối với lớp 1, trong đó có nhiều nội dung thay đổi so với chương trình cũ về nội dung, môn học, thời gian học và phương pháp giảng dạy...
Trường Tiểu học An Đồng, huyện Quỳnh Phụ ưu tiên bố trí đủ giáo viên cho khối lớp 1 để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới với đủ 2 buổi/ngày. Ảnh: Thế Duyệt |
Dù khi bắt đầu thực hiện còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ nhưng đến nay, tại Thái Bình chương trình bước đầu cho kết quả tích cực. Đây cũng là tiền đề quan trọng để ngành Giáo dục Thái Bình tiếp tục thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2 trong năm học 2021-2022.
* Những trái ngọt đầu tiên
Năm học 2020-2021, Trường Tiểu học An Đồng (huyện Quỳnh Phụ) có 4 lớp 1 với tổng số 103 học sinh. Để chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đối với lớp 1, nhà trường đã đầu tư và huy động xã hội hóa trên 65 triệu đồng lắp đặt hệ thống tivi, bảng thông minh. Đồng thời ngay từ đầu năm học, nhà trường đã ưu tiên bố trí đủ giáo viên cho khối lớp 1 để thực hiện học 2 buổi/ngày.
Cô giáo Vũ Thị Mùa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Đồng cho biết, so với Chương trình Giáo dục phổ thông 2000, Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 có nhiều đổi mới theo hướng vừa hình thành kiến thức vừa phát triển năng lực, phẩm chất học sinh Tiểu học, dạy học không chỉ cung cấp kiến thức mà phải phát triển hài hòa cả phẩm chất và năng lực. Với hệ thống các môn học và đổi mới trong cách giảng dạy, đến nay hầu hết học sinh lớp 1 tại trường đã tiếp cận được chương trình giáo dục mới. Kết thúc năm học học sinh lớp 1 đọc thông viết thạo đạt 98-99%.
Tại Trường Tiểu học Vũ Hội, huyện Vũ Thư, năm học 2020-2021, Nhà trường có 936 học sinh, trong đó lớp 1 có 206 học sinh. Thầy giáo Đỗ Đình Thắng, Hiệu trưởng Nhà trường đánh giá, qua 1 năm triển khai thực hiện, các em học sinh đã chủ động tiếp cận, lĩnh hội kiến thức, có sự thay đổi rõ rệt về nhận thức, hình thành các kỹ năng mềm. Đơn cử như môn Tiếng Việt, các em đã đọc viết thành thạo, nhiều em viết chữ đẹp. Chương trình mới có những phần ngữ liệu mở rộng, thực tế để giáo viên có thể liên hệ đối với địa phương giúp các em dễ hình dung với kiến thức hơn. Đối với môn Toán trong chương trình cũ nhiều nội dung khó đối với lớp 1, nay trong chương trình mới, những nội dung này đã được chuyển lên lớp 2. Với phương pháp mới, các em lớp 1 đã tiếp cận nhanh và làm toán tốt. Đặc biệt, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có bộ môn mới là Hoạt động trải nghiệm, học sinh rất thích thú với bộ môn này.
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình) cho biết, trên địa bàn hiện có 287 trường có bậc học Tiểu học, trong đó 120 trường Tiểu học, 167 trường Tiểu học và Trung học Cơ sở. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 933 lớp 1 với 30.690 học sinh. Sau những bỡ ngỡ ban đầu khi tiếp cận chương trình mới, đến hết kỳ I, giáo viên lớp 1 đã chủ động, sáng tạo hơn trong hoạt động dạy học, học sinh được tiếp cận kiến thức một cách nhẹ nhàng, học tập tích cực hơn, nhiều em tiến bộ nhanh. Đặc biệt, năm học 2020-2021 cũng là năm học đầu tiên hoạt động trải nghiệm trở thành nội dung giáo dục bắt buộc trong nhà trường, đa số học sinh thích thú với môn học này. Với Chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh được phát triển toàn diện hơn, khả năng học sinh biết đọc, viết, nhận thức, các kỹ năng nhanh nhẹn hơn.
Những chuyển biến tích cực của cả thầy và trò trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đã cho thấy, tính ưu việt và hiệu quả của chương trình. Đây là những “trái ngọt” đầu tiên và kỳ vọng cho sự đổi mới của ngành Giáo dục. Kết quả kiểm tra định kỳ học kỳ II năm học 2020-2021 đối với lớp 1 cho thấy, tỉnh Thái Bình có gần 12.000 học sinh hoàn thành xuất sắc, trên 5.300 học sinh hoàn thành tốt, trên 13.000 học sinh hoàn thành và 355 học sinh lớp 1 chưa hoàn thành chương trình (chủ yếu là học sinh hòa nhập). Tỷ lệ học sinh đạt kết quả tốt về các tiêu chí phát triển phẩm chất từ 76,8-84,5%; tỷ lệ học sinh đạt kết quả tốt về các tiêu chí đánh giá năng lực chung và năng lực đặc thù đạt từ 65-75,8%.
* Vẫn còn nhiều khó khăn
Mặc dù đánh giá bước đầu việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 tại Thái Bình cho kết quả tốt, song để chương trình phát huy được tính ưu việt còn nhiều khó khăn phía trước.
Thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-BGD ĐT ngày 30/01/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình đã có công văn hướng dẫn các trường lựa chọn bộ sách giáo khoa mới phù hợp với mỗi đơn vị, địa phương theo đúng quy trình, bảo đảm công khai và minh bạch. Do quy trình mở trong quá trình lựa chọn sách, theo các tiêu chí, nhu cầu, mỗi trường tiểu học lại lựa chọn những bộ sách riêng. Đơn cử như Trường Tiểu học An Đồng sử dụng tổng hợp các bộ sách, trong đó môn Tiếng Việt sử dụng bộ “Cùng học để phát triển năng lực”; môn Toán sử dụng bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ”, Tiếng Anh sử dụng Bộ sách “Macmillan Next Move”, môn Giáo dục thể chất, Đạo đức, Nghệ thuật (gồm âm nhạc, mỹ thuật) sử dụng bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, môn hoạt động trải nghiệm chọn bộ sách “Cánh diều”. Còn Trường Tiểu học Vũ Hội lại sử dụng chung bộ sách Cánh Diều.
Cô giáo Nguyễn Thị Thơm, Giáo viên Trường Tiểu học An Đồng cho rằng, những hiệu quả của Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 rất rõ rệt. Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai, khó khăn hiện nay là thiếu dụng cụ học tập. Các giáo viên phải tận dụng dụng cụ cũ hoặc tự làm dụng cụ đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học. Mặt khác, với chương trình mỗi nhà trường lại sử dụng các bộ sách khác nhau nên khó khăn trong việc góp ý chuyên môn giữa giáo viên với giáo viên trong cụm.
Theo đánh giá chung của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình, trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục địa phương lồng ghép trong hoạt động trải nghiệm, dạy học lồng ghép nội dung an ninh quốc phòng đối với lớp 1 trên địa bàn còn gặp khó khăn. Ngoài ra, trong năm học vừa qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tập huấn sử dụng Sách giáo khoa lớp 1 cho giáo viên bằng hình thức trực tuyến, chất lượng đường truyền của một số buổi tập huấn chưa đảm bảo, vì vậy hiệu quả chưa cao, giáo viên còn vừa dạy, vừa nghiên cứu làm quen với nội dung, phương pháp dạy học mới. Bên cạnh đó, trang thiết bị đi cùng chương trình mới chưa đồng bộ, kịp thời, nhiều trường phải tự thiết kế, tận dụng từ đồ dùng cũ.
Thời gian tới, để Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2 và lớp 6 đạt kết quả tốt, tỉnh Thái Bình tiếp tục rút kinh nghiệm từ việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021, các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo các cấp về đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời huy động nguồn lực, chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để phục vụ cho chương trình đổi mới trong năm học 2021-2022./.
Thu Hoài