Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hiệp định Giơnevơ - Hiện thực hóa quyết tâm “độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” của Việt Nam

Thứ Hai, 22/07/2024 09:55 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Cách đây 70 năm, ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết. Đây là kết tinh thành quả đấu tranh quật cường và bền bỉ của quân và dân ta, từ chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947 đến Chiến dịch biên giới Thu Đông 1950 và cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Việc buộc thực dân Pháp và các bên có liên quan phải ký Hiệp định Giơnevơ đã mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, từng bước hiện thực hóa quyết tâm “độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”(1) của Nhân dân ta.

Quyết tâm “độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” của dân tộc Việt Nam

Trong dòng chảy lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc, “độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” là đích đến cao quý, bất khả xâm phạm của tất cả các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của Nhân dân ta. Đến thời đại Hồ Chí Minh, mục tiêu giành và giữ “độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” là quyết tâm sắt đá, là nguyên tắc bất biến của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Quyết tâm đó được thể hiện trước nhất trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên nền tảng liên minh công nông và trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cách mạng tháng Tám đã giành thắng lợi rực rỡ. Ngay sau đó, trong "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(2). Trong "Tuyên ngôn độc lập", Hồ Chí Minh đã tuyên bố với toàn thế giới về quyền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và quyền dân tộc tự quyết của dân tộc Việt Nam. Trong đó, độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc của dân tộc Việt Nam được khẳng định.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Đó là thành quả lớn nhất mà dân tộc ta đã giành được sau gần một thế kỷ kiên trì đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của đế quốc, thực dân. Thế nhưng, trong lúc chúng ta đang rất cần một môi trường hòa bình để dựng xây đất nước thì thực dân Pháp lại quyết tâm cướp nước ta một lần nữa.

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp quay lại nổ súng tấn công Sài Gòn. Trung ương Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động đàm phán, nhân nhượng để tìm kiếm giải pháp hòa bình, nhưng đều bị thực dân Pháp khước từ. Trong thời khắc đó, việc giữ vững chính quyền cách mạng, bảo vệ nền hòa bình, độc lập dân tộc là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của dân tộc. Với trách nhiệm trước Tổ quốc, trước Nhân dân, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - khẳng định khát vọng hòa bình và ý chí, quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị Giơnevơ ngày 08/5/1954 (Ảnh tư liệu, nguồn: TTXVN)

“Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”(3). Để có hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Nhân dân Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là đứng lên kháng chiến. Khát vọng giành độc lập dân tộc, hòa bình đất nước là cái đích đến của các cuộc đấu tranh giải phóng trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là đỉnh cao của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(4).

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” đã khẳng định ý chí, quyết tâm sắt đá trong việc giành và giữ “hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” của dân tộc Việt Nam. Quyết tâm đó của cả dân tộc là động lực to lớn, trực tiếp để Nhân dân ta đứng lên chống quân thù. Lời kêu gọi: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”(5) của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiệu triệu hàng triệu con tim, khơi dậy và phát huy cao độ truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam cùng đoàn kết, đồng lòng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với ý chí, quyết tâm “vì chính nghĩa, công lý của thế giới, vì đất nước giống nòi của Việt Nam, mà toàn quốc đồng bào ta nổi lên tranh đấu quyết giữ vững nền độc lập của ta”(6).

Bước vào Toàn quốc kháng chiến, chúng ta thiếu thốn, khó khăn mọi mặt, nhưng chúng ta “đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng của nó, đi đúng đường lối của chủ nghĩa Mác - Lênin, thì nhất định đánh thắng được đế quốc xâm lược”(7). Dân tộc ta được kế thừa truyền thống yêu nước được kết tinh qua hàng ngàn năm lịch sử và truyền thống ấy được kết tinh, hội tụ và lan tỏa, phát huy sức mạnh thông qua vai trò lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lòng yêu nước nồng nàn, sự thống nhất về tinh thần và chính trị của Nhân dân và quân đội xung quanh Đảng và Chính phủ đã giúp chúng tôi vượt qua những thử thách khó khăn không tưởng tượng được và tạo những điều kiện về chính trị, kinh tế và quân sự để chiến thắng”(8). Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam được kết hợp với khát vọng, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là động lực tinh thần to lớn cho những hành động dũng cảm, kiên cường, vượt qua mọi khó khăn ác liệt, hy sinh quên mình trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tham gia kháng chiến, lao động sản xuất của quân và dân ta trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Hiện thực hóa quyết tâm “độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” của Việt Nam trong Hiệp định Giơnevơ

Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sau 9 năm (1945 - 1954), vừa kháng chiến vừa kiến quốc, ra sức xây dựng, củng cố thực lực, quân và dân ta không ngừng phát triển thế tiến công, càng đánh càng mạnh, giành những thắng lợi to lớn trong các chiến dịch: Việt Bắc Thu - Đông (1947); Biên giới (1950); Hòa Bình (1951); Tây Bắc (1952) và cuối cùng là cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân (1953 - 1954) với đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ (07/5/1954), làm nên thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Một ngày sau, ngày 08/5/1954, khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ, Hội nghị Giơnevơ bắt đầu thảo luận về vấn đề Đông Dương. Với vị thế của một dân tộc chiến thắng, đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm quyền Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn đã đến tham dự.

Ban đầu, do lập trường giữa các đoàn có một khoảng cách khá lớn, chủ yếu là do lập trường hiếu chiến của các nước phương Tây tham gia Hội nghị, nên các cuộc đàm phán tiến triển rất chậm. Cuối cùng, trải qua 75 ngày đêm đàm phán với 31 phiên họp, trong đó có các phiên họp toàn thể, phiên họp cấp trưởng đoàn cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ đã được ký kết với các nội dung:

Thỏa thuận chung cho ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia: Công nhận và tôn trọng các quyền cơ bản của nhân dân ba nước Đông Dương: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi nước; Đình chỉ chiến sự trên toàn cõi Đông Dương; Pháp rút quân khỏi lãnh thổ ba nước. Quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Lào và Campuchia; Không có căn cứ nước ngoài và không liên minh quân sự với nước ngoài; Tổng tuyển cử ở mỗi nước; Không trả thù những người hợp tác với đối phương; Trao trả tù binh và người bị giam giữ; Thành lập Ủy ban liên hợp, Ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế.

Đối với riêng Việt Nam: Những điều khoản về đình chỉ chiến sự và lập lại hòa bình: Ngừng bắn, tập kết, chuyển quân được hai bên thực hiện trong thời hạn 300 ngày; Chuyển giao khu vực, trao trả tù binh và thường dân bị giam giữ, đổi vùng, vấn đề mồ mả quân nhân hai bên tham chiến.

Những điều khoản về duy trì và củng cố hòa bình ở Việt Nam: Lập giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17 và khu phi quân sự (sông Bến Hải); Không coi vĩ tuyến 17 là ranh giới chính trị hay lãnh thổ; Cấm tăng viện nhân viên quân sự, bộ đội, vũ khí và dụng cụ chiến tranh khác vào Việt Nam; Cấm xây dựng căn cứ quân sự mới; Cấm hai miền không được gia nhập liên minh quân sự nào; Cấm sử dụng mỗi miền để phục vụ cho bất kỳ chính sách quân sự nào.

Những điều khoản chính trị: Vấn đề tổng tuyển cử để thống nhất đất nước; Hiệp thương hai miền vào tháng 7/1955, tổng tuyển cử vào tháng 7/1956; Tự do chọn vùng sinh sống; trong khi chờ đợi không khủng bố, trả thù hay phân biệt đối xử với những người đã hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh.

Những điều khoản quy định việc tổ chức thi hành Hiệp định: Ủy ban kiểm soát liên hợp, Ủy ban giám sát quốc tế trung lập.

Hiệp định Giơnevơ đánh dấu sự kết thúc một chặng đường trong quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ để đi tới độc lập, tự do của dân tộc. Hiệp định Giơnevơ là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng. Lần đầu tiên các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được các nước lớn công nhận tại một hội nghị đa phương. Pháp và các nước tham gia hội nghị “cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”, “tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị” của Việt Nam, Lào và Campuchia. Pháp buộc phải đình chỉ chiến sự và rút hoàn toàn quân đội khỏi lãnh thổ 3 nước Đông Dương.

Việc ký kết Hiệp định Giơnevơ là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiệp định đã chấm dứt ách đô hộ kéo dài hàng thế kỷ của thực dân Pháp ở Việt Nam và trên toàn cõi Đông Dương. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững mạnh cho nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc sau này. Đồng thời, Hiệp định là một giải pháp đồng bộ về chính trị và ngoại giao quân sự nhằm kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Về mặt chính trị và pháp lý, các nước tham gia hội nghị công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Tuy còn có những vấn đề chưa được giải quyết: Đất nước chưa hoàn toàn thống nhất, hai miền Nam - Bắc tạm thời bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17 với thời hạn 2 năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử. Song, Hiệp định Giơnevơ đánh dấu thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Pháp mà quan trọng nhất là nền độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam được các nước, kể cả nước Pháp, cam kết tôn trọng. Đó chính là dấu mốc quan trọng hiện thực hóa quyết tâm “độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX./.

Tài liệu tham khảo:

1. Hiệp định Giơ - ne - vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. CTQG - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.3, 104, 534.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb. CTQG - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.587.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb. CTQG - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.367.

5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb. CTQG - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.110-111.

6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. CTQG - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.104.

7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb. CTQG - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.367.

8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb. CTQG - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.110-111.

ThS Lê Văn Thành - ThS Vương Đức Thương (Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN