Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hiện tượng cá chết bất thường ở miền Trung: Xác định nguyên nhân ban đầu là do nhiễm độc tố

Thứ Bảy, 23/04/2016 21:39 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chiều 23/4, tại Hà Tĩnh đã diễn ra cuộc họp giữa các Bộ, ngành, địa phương liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học về nuôi trồng thủy, hải sản, xung quanh hiện tượng cá chết bất thường tại khu vực biển miền Trung.


Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Quang Chiến)

Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân; ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh; các chuyên gia, nhà khoa học về nuôi trồng thủy, hải sản (thuộc Bộ NN&PTNT), cùng đại diện các Sở NN&PTNN của bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Tại cuộc họp, thông tin về hiện tượng cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh do đại diện Sở NN&PTNT các tỉnh trình bày, cho biết: Hiện tượng cá chết trong những ngày qua diễn ra bất thường, cá chết nhanh, đồng loạt, chủ yếu là cá tự nhiên, cá sống dưới tầng đáy; hậu quả của việc cá chết rất lớn, phá hoại hệ sinh thái biển, gây hoang mang cho người dân, gây thiệt hại về kinh tế; khuyến cáo người dân không nên dừng tiêu thụ sản phẩm tại vùng biển có nguy cơ nhiễm độc trước khi cơ quan chức năng công bố nguyên nhân chính thức. Đồng thời, đại diện các địa phương cũng đề nghị cơ quan các cấp xem xét, hỗ trợ cho người dân chịu thiệt hại, sớm ổn định tình hình.

Vấn đề được các đại biểu quan tâm tại cuộc họp là sớm làm rõ nguyên nhân hiện tượng cá chết hàng loạt. Đại diện các cơ quan chuyên môn về nuôi trồng thủy hải sản thuộc Bộ NN&PTNT đã thông tin về kết quả điều tra ban đầu. Theo kết quả điều tra của Vụ Nuôi trồng thủy sản, Vụ Bảo tồn nguồn lợi thủy, hải sản, Cục Thú y... thì đặc điểm cá chết chủ yếu xảy ra với cá tự nhiên, sống ở tầng đáy, chết nhanh, đồng loạt. Từ các yếu tố đó, các chuyên gia nhận định có ba nguyên nhân: Thứ nhất là do dịch bệnh; thứ hai là do ô nhiễm nguồn nước; thứ ba là do độc tố.

Được biết, sau khi khảo sát hiện trường, các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích không có yếu tố dịch bệnh; lấy mẫu nước phân tích đều cho ra các chỉ số bình thường theo quy chuẩn nuôi trồng thủy sản nên đã loại trừ hai nguyên nhân trên.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, những kết quả trên là bước đầu nhưng có thể loại trừ hai nguyên nhân được các cơ quan chức năng trực thuộc Bộ đã vào cuộc làm rõ. Còn lại nguyên nhân quan trọng đang được khoanh vùng để phân tích rõ là do nhiễm độc tố. Tuy nhiên, nguyên nhân cá chết do độc tố có thể do nhiều khả năng, có cả sinh học, tảo độc và các yếu tố khác liên quan (như chất xả thải).

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng lưu ý, những kết quả trên chưa phải là kết luận cuối cùng, Bộ NN&PTNT sẽ tìm hiểu, phân tích kỹ, kết quả cuối cùng do Bộ TN&MT công bố.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng: Những kết quả mà Bộ NN&PTNT công bố mới chỉ là kết quả bước đầu, nhưng hết sức có ý nghĩa đối với Bộ TN&MT trong việc tìm ra nguyên nhân cuối cùng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT, các cơ quan chức năng của Bộ cũng đang ráo riết vào cuộc để sớm tìm ra nguyên nhân của hiện tượng cá chết bất thường diễn ra trong những ngày qua. Tuy nhiên, việc làm rõ vấn đề này cần phải có thời gian, có những xét nghiệm một ngày cho ra kết quả nhưng cũng có những xét nghiệm mất rất nhiều thời gian.

Trước mắt, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các địa phương tiến hành thu gom cá chết, có phương án tiêu hủy đảm bảo vệ sinh môi trường; có biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên hoang mang, lo lắng.../.
 
                                                                                                                                                                                                                                    

 

 

 

 

                                                                                                 

 

 

 

.

 

  

 

 

 

Trần Quang Chiến

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN