Hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô: Văn hiến - Văn minh - Hiện đại
(ĐCSVN) - Năm mới Giáp Thìn 2024 đã đến bên thềm mang theo sức xuân và khát khao thành công, thịnh vượng. Đó cũng chính là nguồn năng lượng đem lại hành trình ấn tượng của Hà Nội trong năm Quý Mão 2023, chắp đôi cánh tự tin cho Thủ đô vươn cao. Cùng nhìn lại năm cũ và hướng đến năm mới với quyết tâm hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. |
Đó cũng là nội dung trao đổi của đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chia sẻ với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những nhận định và định hướng lớn lớn của Thủ đô trong thời gian tới.
Trong chỉ đạo cần có trọng tâm, trọng điểm, không ngại việc khó
PV: Xin chúc mừng Thủ đô Hà Nội về những kết quả toàn diện đã đạt được trên các lĩnh vực trong năm Quý Mão 2023. Với vai trò là người đứng đầu, đồng chí có thể cho biết cảm xúc sau một năm đầy khó khăn, nhưng thành quả mà Hà Nội đạt được rất đáng để tự hào?
Đồng chí Đinh Tiến Dũng: Đúng là đến giờ phút này nhìn lại, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và toàn thể quân dân Thủ đô đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng đạt được trong năm qua thật đáng tự hào. Tình hình khó khăn thì chúng ta đều thấy, ngay cả lúc này vẫn còn rất khó khăn khi mà thế giới bất ổn, xung đột gia tăng; lạm phát, tỷ giá, nguy cơ suy thoái..., nói chung là đủ cả. Nhưng từ kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 nên chúng ta rất vững vàng; càng khó khăn, thách thức chúng ta càng phải bình tĩnh, tự tin, sáng tạo trong xử lý công việc; phải đảm bảo Đảng lãnh đạo toàn diện, trong chỉ đạo cần có trọng tâm, trọng điểm, không ngại việc khó, việc tồn tại kéo dài.
Ví dụ như trong lĩnh vực kinh tế, do tác động của tình hình thế giới nên nhiều lĩnh vực mũi nhọn không duy trì được tốc độ tăng trưởng. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, Hà Nội đã tập trung mạnh phát triển mảng dịch vụ, đồng thời khơi thông nguồn lực từ văn hóa, vừa giữ gìn, phát huy giá trị trường tồn của Thủ đô ngàn năm văn hiến, giữ gìn truyền thống văn hóa, vừa tạo việc làm và tạo nguồn thu bền vững. Thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đồng thời ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực văn hóa (cùng với lĩnh vực y tế và giáo dục). Từ khi triển khai thực hiện đến nay, hơn 1.000 công trình, dự án thuộc 3 lĩnh vực đã được hoàn thành, tạo sức bật mới cho du lịch, dịch vụ. Tới đây, thành phố quyết tâm tái hiện Điện Kính Thiên trong Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, triển khai xây dựng Đền thờ Ngô Quyền... Trong năm qua, hàng ngàn cuộc biểu diễn nghệ thuật đã được tổ chức. Hà Nội còn thu hút thành công các nghệ sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng thế giới đến biểu diễn, tạo ra các lễ hội âm nhạc đẳng cấp đủ sức hấp dẫn khách trong và ngoài nước đến thưởng thức. Lễ hội sáng tạo Thủ đô năm 2023 cũng là sự kiện nổi bật, tạo hiệu quả đáng ghi nhận. Có thể nói, chưa khi nào văn hóa, sáng tạo và dịch vụ được khơi dậy mạnh mẽ như vậy, đây thực sự là luồng gió mới thổi vào đời sống kinh tế Thủ đô. Nhờ đó, tỷ trọng ngành dịch vụ đã tăng vượt lên mức hơn 65% trong cơ cấu kinh tế; dịch vụ năm 2023 tăng 7,26% so với năm trước và đóng góp tới 4,69% trong mức tăng GRDP. Du lịch Hà Nội có sự phục hồi mạnh mẽ, đạt tổng số 24 triệu lượt khách (4 triệu khách quốc tế), tăng 27% so với năm 2022 (tăng 9,1% so với kế hoạch), đem lại tổng thu hơn 87.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh cả nước gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương giảm, Hà Nội vẫn bền bỉ tăng trưởng, mức tăng GRDP 6,27% năm 2023 tuy chưa đạt mục tiêu của thành phố nhưng vẫn cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước là 5,05%. Thu nhập của người dân, vì thế, tiếp cục được cải thiện - bình quân 150 triệu đồng/người/năm.
Hai năm nay, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu nội địa, đó là nguồn thu phản ánh nội lực của nền kinh tế. Năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố lần đầu tiên vượt mức 300.000 tỷ đồng - đạt 332.089 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa cũng lần đầu tiên đạt mức 302.917 tỷ đồng, cao nhất cả nước. Năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố lần đầu tiên vượt mốc 400.000 tỷ đồng - đạt hơn 410.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa tiếp tục dẫn đầu cả nước với trên 381.000 tỷ đồng.
Hết năm 2023, thành phố có 18/18 huyện đạt nông thôn mới với 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 183 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, an sinh xã hội đảm bảo, quốc phòng an ninh trên địa bàn được giữ vững.
PV: Bên cạnh sự bình tĩnh, sáng tạo thì khi nói về điểm nổi bật trong năm qua của Hà Nội, không thể không nhắc tới giải pháp siết kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm. Thành ủy Hà Nội là cấp ủy đầu tiên của cả nước ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy nhằm khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; vừa qua, đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã biểu dương Thành ủy Hà Nội là nơi đầu tiên nhận diện 25 biểu hiện của tình trạng này. Đề nghị đồng chí cho biết tác động của Chỉ thị nêu trên đối với tình hình thành phố?
Hồ Hoàn Kiếm là biểu tượng đặc biệt nhất của thủ đô, gắn liền với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả lại gươm báu cho rùa thần sau khi đánh tan giặc Minh thời thế kỷ 15. |
Đồng chí Đinh Tiến Dũng: Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” được ban hành nhằm giải quyết vấn đề cấp thiết mà thực tiễn đang đặt ra không phải riêng ở Hà Nội. Trước khi ban hành, Thành ủy làm rất bài bản, khoa học, bàn bạc kỹ càng từng bước, đưa ra Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, chia tổ thảo luận để đi đến thống nhất nhận thức. Đây cũng là cách làm mới trong ban hành chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy. Việc đưa ra 25 biểu hiện cụ thể của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy cũng được làm rất kỹ, bảo đảm sát thực tiễn, đúng quy định của Trung ương, quan trọng là nhìn vào đó thì không chỉ cán bộ tự soi, tự sửa được, mà khi kiểm tra, giám sát cũng thuận lợi cho khâu đánh giá.
Ngay khi Chỉ thị số 24-CT/TU được ban hành, cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở, tới từng chi bộ đã tổ chức học tập, nghiên cứu, triển khai thực hiện Chỉ thị. Cuối năm, khi kiểm điểm, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cũng phải căn cứ vào 25 biểu hiện được nêu trong Chỉ thị để xem xét, đánh giá, xếp loại. Cùng với đó, Thành ủy tiếp tục chỉ đạo tăng cường phân cấp, giao quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát; tích cực luân chuyển, điều động, bố trí sắp xếp cán bộ một cách hợp lý để vừa tạo điều kiện đào tạo cán bộ, vừa đảm bảo phù hợp với năng lực, sở trường của từng người. Thành ủy cũng đã yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy vào cuộc, phối hợp đánh giá xếp loại tập thể, cá nhân căn cứ vào hiệu quả công việc, lấy kết quả công việc làm thước đo. Do đó, không có chuyện công việc yếu kém, chậm trễ mà cán bộ lãnh đạo vẫn hoàn thành xuất sắc hay hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bây giờ, khi làm việc với quận, huyện, thị xã hay sở, ngành nào chúng tôi xác định rõ vai là Thường trực Thành ủy làm việc, khi bàn thì đặt ra và đi đến tận cùng tất cả các vấn đề; khi thống nhất rồi thì đưa vào thông báo kết luận, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời hạn hoàn thành. Đây là căn cứ để địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện, các cơ quan phối hợp phải tuân theo, đồng thời đây cũng là “cái gậy” trong kiểm tra, giám sát.
Cho nên, tác động của Chỉ thị số 24-CT/TU trước hết là làm thay đổi nhận thức, khắc phục tư tưởng coi thái độ qua loa, xuề xòa trong công việc là không làm sao cả. Kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm xử lý công việc được nâng lên. Có lẽ nhờ đó mà GRDP quý IV năm 2023 tăng trưởng trên 7%, thu ngân sách tăng, giải ngân vốn đầu tư công tăng, những công việc khó như giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tiếp tục tiến triển tốt... Đó là tác động rất tích cực.
PV: Ấn tượng nổi bật của năm 2023 là, Hà Nội không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ thường xuyên, trước mắt, mà còn cụ thể hóa tư duy, tầm nhìn chiến lược thành sản phẩm để chuẩn bị cho tương lai 20, 30 năm tới. Đến thời điểm này, tình hình, kết quả có đạt như mong muốn hay không, thưa đồng chí?
Đồng chí Đinh Tiến Dũng: Có hai việc lớn phải nhắc tới. Thứ nhất, chúng ta đã khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đúng kế hoạch. Đây là dự án mang tính chiến lược, là động lực kết nối vùng, thúc đẩy tăng trưởng không chỉ cho Hà Nội. Vừa rồi, tôi đi kiểm tra dọc tuyến qua 7 quận, huyện ở Hà Nội và dọc tuyến qua hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, làm việc với các bên, nhìn chung tình hình tiến độ rất khả quan. Cả 3 tỉnh, thành phố đã hoàn thành giải phóng mặt bằng trên 93% diện tích, trong đó Hà Nội hoàn thành với tỷ lệ cao nhất - hơn 96%; cả 3 tỉnh, thành phố đều quyết tâm phấn đấu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 31-3-2024. Trên toàn tuyến đường song hành, Hà Nội đã tổ chức 32 mũi thi công, trong đó có 2 mũi thi công đường và 9 mũi thi công cầu; Bắc Ninh, Hưng Yên cũng sẽ triển khai các mũi thi công trên toàn tuyến trong tháng 1, chậm nhất là quý I-2024. Với tình hình tiến độ hiện nay, trong năm 2025 chúng ta sẽ hoàn thành đường song hành Vành đai 4. Vấn đề khó khăn về vật liệu đất, cát phục vụ thi công cũng được tháo gỡ trong năm qua, tới đây chúng ta sẽ rà soát bổ sung để cần thiết có thể hỗ trợ hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Tuy nhiên, với các thủ tục liên quan đến dự án thành phần PPP thì vẫn rất cần sự hỗ trợ, đẩy nhanh của các bộ, ngành trung ương.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa tặng quà công nhân đang làm nhiệm vụ trên công trường xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội tại xã Đình Dù, huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên). |
Thứ hai, thành phố đã triển khai một bước rất quan trọng hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển Thủ đô với 3 nội dung lớn, đó là: Phối hợp xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để tháo gỡ khó khăn về thể chế; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bố trí không gian phát triển. Cả 3 nhiệm vụ này đến nay đều cho kết quả tốt. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến với sự đồng thuận rất cao tại kỳ họp thứ sáu. HĐND Thành phố đã thông qua Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Còn đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các báo cáo quan trọng đã được hoàn thành. Thành phố đang hướng tới mục tiêu trình và được Quốc hội thông qua 3 nội dung quan trọng này vào kỳ họp thứ bảy diễn ra tháng 5-2024. Đây là những việc rất lớn và có ý nghĩa lịch sử, quyết định đến sự phát triển bền vững, lâu dài của Thủ đô.
Dân là gốc; làm việc gì cũng phải có sự đồng thuận của Nhân dân
PV: Như vậy, chúng ta có thể hình dung phần nào mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, nhất là với yêu cầu “năm sau phải hơn năm trước”. Xin đồng chí cho biết quan điểm chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội đối với nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong năm mới?
Đồng chí Đinh Tiến Dũng: Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp phải tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc gắn với thực hiện tốt chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; tăng cường thực hành tinh thần cán bộ "7 dám" mà đồng chí Tổng Bí thư và Trung ương đã chỉ đạo, đó là: Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thăm hỏi, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 12 (Tổng công ty xây dựng Trường Sơn) trên công trường xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Mê Linh. |
Toàn hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ chính trị, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội năm 2024, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của thành phố trong năm mới, như: Chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được Quốc hội (khóa XV) thông qua, chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024); từng bước hoàn thành các mục tiêu, tầm nhìn theo định hướng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, từ đó tạo tiền đề vững chắc cho năm 2025 - năm cuối để thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020 - 2025 của thành phố.
PV: Cùng với Luật Thủ đô (sửa đổi), tương lai Hà Nội phụ thuộc rất nhiều vào Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong phần việc rất quan trọng này, Thành ủy xác định điểm nhấn là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Đinh Tiến Dũng: Chúng ta đều biết, việc tập trung vào 3 nội dung lớn, mang tầm nhìn chiến lược lần này là bước đột phá; thiết thực cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô cũng như Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng với trách nhiệm của Thủ đô và tinh thần “Hà Nội vì cả nước”. Điểm nhấn xuyên suốt của quy hoạch là hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô thực sự “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Quan điểm thống nhất là đã quy hoạch thì phải gắn với nguồn lực và tổ chức thực hiện được. Cùng với 5 trục phát triển, Hà Nội kiên định với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc là thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), thành phố phía Tây (Hòa Lạc - Xuân Mai).
Đối với thành phố Bắc sông Hồng, điều kiện thuận lợi là huyện Đông Anh đã hội đủ các điều kiện cần thiết để trở thành quận. Hiện nay, nhiều dự án lớn ở khu vực này đang được triển khai. Đây sẽ là thành phố có chức năng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế quốc gia gắn với trục động lực phát triển Nhật Tân - Nội Bài; tính chất, chức năng chính là đô thị thông minh.
Với thành phố phía Tây, vừa qua Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã bàn giao cho Hà Nội quản lý khai thác Khu công nghệ cao Hòa Lạc, chính là tạo điều kiện để thành phố thực hiện kế hoạch này. Với quy mô lớn và khả năng trở thành hạt nhân của đổi mới sáng tạo, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước, Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ là hạt nhân của thành phố phía Tây. Khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, chúng ta có thêm cơ chế để đưa các trường đại học, học viện về đây thì thành phố phía Tây sẽ sớm hình thành...
Thủ đô Hà Nội nhìn từ trên cao . |
Tập trung xây dựng 2 thành phố này, chúng ta sẽ tạo ra những cực tăng trưởng mới, vực dậy các vùng khó khăn xung quanh, thực hiện được chủ trương phát triển đồng đều và quan trọng là kéo giãn mật độ dân số vùng lõi Thủ đô...
Song song với phát triển đô thị, chúng ta sẽ quy hoạch làm rõ nét hơn nữa định hướng phát triển khu vực nông thôn của Thủ đô, gắn với khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc các vùng văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống người dân...
PV: Phát triển hạ tầng là một trong những đột phá chiến lược. Cùng với tập trung đầu tư đường Vành đai 4, thành phố có định hướng gì về lĩnh vực này, thưa đồng chí?
Đồng chí Đinh Tiến Dũng: Chủ trương chung của Thành phố nhiệm kỳ này là cố gắng khép kín các đường Vành đai. Đường Vành đai 1, Vành đai 2 cơ bản đã xong, Vành đai 3 còn một đoạn 14km bên huyện Đông Anh thì thành phố quyết định làm nốt bằng tiền ngân sách. Đường Vành đai 4 thì đang được triển khai quyết liệt. Các tuyến đường cửa ngõ vào Thủ đô cũng phải được cải thiện. Thành phố đã quyết định đầu tư đoạn từ Hà Đông đi Xuân Mai làm rộng như đoạn Nguyễn Trãi, đoạn từ cuối Đại lộ Thăng Long đi lên cao tốc Hà Nội - Hòa Bình cũng được làm to rộng như thế. Ở khu vực phía Nam, chúng ta sẽ làm tiếp đoạn từ Hà Đông, qua Thanh Trì...
Ngoài ra, chúng ta phải tập trung tiến hành các thủ tục để sớm đầu tư xây dựng những cầu vượt sông Hồng, tăng cường hạ tầng kết nối quan trọng như cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi, cầu Thượng Cát... Đồng thời, phải phối hợp để sớm triển khai xây dựng 3 cầu vượt sông Hồng và sông Đuống trên đường Vành đai 4, gồm cầu Mễ Sở, Hồng Hà vượt sông Hồng và cầu Hoài Thượng vượt sông Đuống. Đây là 3 cây cầu có ý nghĩa quan trọng để kết nối liên thông và đưa vào vận hành khai thác cùng với đường song hành Vành đai 4. Tuy nhiên, do 3 cầu này thuộc Tiểu dự án đầu tư công trong dự án thành phần 3 (PPP) dự án Vành đai 4, nên tiến độ chậm. Thành phố đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện những tiểu dự án đầu tư công trong Dự án PPP này như một dự án đầu tư công thông thường để rút ngắn tiến độ.
Cùng với đó, thành phố xác định là phải phát triển hệ thống giao thông công cộng thật tốt gắn với xây dựng 2 thành phố trực thuộc thì mới có thể giải nén đô thị. Cho nên, tới đây, Hà Nội sẽ tập trung chuẩn bị các dự án đường sắt đô thị, bây giờ nếu không chuẩn bị thủ tục thì đến năm 2026 chúng ta không có hồ sơ để quyết định được. Lúc đó mới quyết định danh mục thì phải 3 - 5 năm sau mới có dự án để triển khai, sẽ rất lâu. Trước mắt, năm 2024, thành phố đang chỉ đạo đưa vào vận hành trước đoạn đường sắt trên cao từ Nhổn về đến Kim Mã. Đoạn ngầm từ Kim Mã về Ga Hà Nội đã được tháo gỡ vướng mắc, tới đây sẽ tập trung triển khai. Thứ hai là tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ được đầu tư để nối tiếp lên đến Xuân Mai. Tuyến đường sắt thứ ba mà thành phố sẽ tập trung chỉ đạo triển khai sớm mà nếu làm được sẽ tạo động lực thúc đẩy phía Tây thành phố, đó là tuyến Văn Cao - Hòa Lạc. Ngoài ra còn một tuyến nữa cũng rất quan trọng, là tuyến từ sân bay Nội Bài đi về trung tâm thành phố cũng sẽ được ưu tiên triển khai sớm.
Thành phố sẽ quy hoạch 10 tuyến đường sắt đô thị, không chỉ để kết nối các khu vực trong Hà Nội mà còn kết nối Hà Nội với các tỉnh xung quanh như Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam. Tới đây, nội dung này sẽ được bổ sung, cập nhật vào các quy hoạch...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại cuộc làm việc với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp và thành phố Hà Nội về tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) |
PV:Nhân dịp năm mới Giáp Thìn, đồng chí có điều gì nhắn gửi với cán bộ và nhân dân Thủ đô?
Đồng chí Đinh Tiến Dũng: Thành phố còn rất nhiều việc phải làm, phải đầu tư, xây dựng phát triển. Nhiều mặt khó khăn, hạn chế, bất cập đang đòi hỏi phải giải quyết. Trong năm qua, tôi luôn lưu ý các cấp, các ngành là song song với việc tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, phải quán triệt tinh thần mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: Dân là gốc; làm việc gì cũng phải có sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, việc khó đến mấy mà người dân đồng tình ủng hộ cũng có thể vượt qua, và ngược lại, việc dễ đến đâu mà dân không theo thì cũng thất bại. Như dự án đường Vành đai 4 chẳng hạn, khó khăn là thế, thời gian lại rất khẩn trương, nhưng nhờ dân ủng hộ mà chúng ta khởi công đúng kế hoạch, giải phóng mặt bằng đến nay đạt hơn 96%.
Do đó, tôi đề nghị trong năm 2024, các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở phải gần dân, sát dân hơn nữa, phải tranh thủ sự ủng hộ của Nhân dân để thúc đẩy công việc; tập trung chăm lo cho đời sống Nhân dân, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với dân; giải quyết kịp thời nhu cầu thiết yếu, những ý kiến kiến nghị chính đáng của Nhân dân...
Chúng ta đều rất tự hào khi được sinh sống và làm việc ở Thủ đô - trái tim của cả nước; mỗi ngày qua đi lại thêm gắn bó, thêm yêu Hà Nội hơn. Từ đây, mỗi chúng ta đều thấy rõ phải có trách nhiệm với Thủ đô, để cùng chung sức, đồng lòng, chia sẻ, đóng góp xây dựng Thủ đô thân yêu của chúng ta ngày càng lớn mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chiến sĩ đồng bào cả nước. Tôi tin rằng, truyền thống đoàn kết, ý chí khát vọng thịnh vượng sẽ thúc đẩy Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô chúng ta tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, đi đầu, thi đua giành kết quả tốt trên mọi lĩnh vực trong năm mới, thiết thực chào mừng sự kiện rất quan trọng của Thủ đô chúng ta, đó là kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Thay mặt Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, xin gửi lời chúc mừng năm mới an khang, thịnh vượng tới toàn thể cán bộ và Nhân dân, các lực lượng vũ trang Thủ đô, chúc Tết an vui đến với mọi nhà!
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Thành ủy. Kính chúc đồng chí và gia đình một năm mới với thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công!