Hiện thực hóa các mục tiêu Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển
(ĐCSVN) – Sau gần 03 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, mặc dù tình hình quốc tế, khu vực và KTXH trong nước biến động, phức tạp, khó khăn nhưng các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Với thông điệp làm nổi bật sự đa dạng hệ sinh thái biển, lan tỏa ý nghĩa của đại dương đối với hoạt động sinh kế của con người và nguồn sống của các loài sinh vật trên Trái đất, Ngày Đại dương thế giới năm 2021 có chủ đề “Đại dương: Sự sống và sinh kế”. Nhằm hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm nay (8/6), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã có chia sẻ với báo chí.
Phóng viên (PV): Xin Bộ trưởng cho biết thông điệp chính của Ngày Đại dương thế giới 08/6 năm nay và với tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, Bộ TN&MT đã có những hướng dẫn, định hướng các cấp, ngành, địa phương như thế nào để đạt hiệu quả tuyên truyền cao nhất?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Ngày Đại dương Thế giới (ngày 08/6 hằng năm) do Liên hợp quốc thông qua thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương. Chủ đề của Ngày Đại dương Thế giới năm 2021 “Đại dương: Sự sống và sinh kế” với thông điệp làm nổi bật sự đa dạng hệ sinh thái biển, lan tỏa ý nghĩa của đại dương đối với hoạt động sinh kế của con người và nguồn sống của các loài sinh vật trên Trái đất.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: TL |
Để hưởng ứng ngày này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn tổ chức hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2021.
Theo đó, Bộ đã đề nghị các cơ quan liên quan định hướng nội dung tuyên truyền, tập trung tổ chức thông tin, tuyên truyền toàn diện các vấn đề liên quan đến biển, đảo theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác tuyên truyền biển, đảo năm 2021.
Cụ thể, tuyên truyền về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển theo luật pháp quốc tế; quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, hải đảo; đảm bảo an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế biển; hợp tác quốc tế về những lĩnh vực liên quan đến biển, hải đảo.
Bộ cũng đã đề nghị các cơ quan liên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chủ đề Ngày Đại dương Thế giới năm 2021 theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, chú trọng vào các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng; sáng tạo, mạnh dạn đổi mới trong các phương thức truyền thông, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ, kết hợp các kênh thông tin, hình thức trực tuyến, mạng xã hội nhằm truyền thông, tuyên truyền cho các nội dung, tư liệu và các hoạt động ý nghĩa, thiết thực; tổ chức treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu tại trụ sở cơ quan làm việc, nơi công cộng nhằm tuyên truyền cho mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng thực hiện quyền, nghĩa vụ tham gia bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển và hải đảo…
Bộ cũng đề nghị các đơn vị sử dụng một số khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới năm 2021: "Hãy hành động vì sự phát triển bền vững của đại dương và hệ sinh thái biển"; “Bảo vệ đại dương khỏi nhựa là bảo vệ tương lai của con người"; “Bảo đảm sinh kế cho người dân để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”.
Do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các cơ quan căn cứ điều kiện thực tế, tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới năm 2021, đảm bảo tuân thủ Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của địa phương về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.
Đồng thời, khuyến khích tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm theo hình thức trực tuyến về công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo theo hướng phát triển bền vững và quản lý thống nhất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
PV: Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển với nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Xin Bộ trưởng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có chỉ đạo, định hướng cụ thể nào để triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biến Việt Nam?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đại hội hội lần thứ XIII Đảng đã xác định kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển với nền công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao.
Với vai trò là cơ quan thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Theo đó, các cấp, các ngành và địa phương, đặc biệt là các địa phương có biển đã và đang tích cực xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương mình.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển đề nghị triển khai một số công việc cấp bách như: Sớm kiện toàn cơ quan điều phối liên ngành chỉ đạo thống nhất thực hiện Chiến luợc phát triển bền vững kinh tế biển ở các địa phương có biển do Chủ tịch UBND cấp tỉnh là người đứng đầu và tăng cường cơ sở vật chất, năng lực quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Biển và Hải đảo tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.
Khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP của Bộ, ngành, địa phương mình, tập trung và ưu tiên nguồn lực triển khai ngay các đề án, dự án, nhiệm vụ, nhất là các khâu đột phá chiến lược đến năm 2025 được nêu trong Nghị quyết; nghiên cứu lồng ghép các nội dung của Nghị quyết vào trong văn kiện Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 của các địa phương có biển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chương trình, đề án Chính phủ làm cơ sở để các bộ, ngành và địa phương liên quan cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP (Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; Chương trình tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030…).
PV: Bộ trưởng có đánh giá gì về việc sau gần 03 thực hiện Nghị quyết số 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đánh giá sơ bộ sau gần 03 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, mặc dù tình hình quốc tế, khu vực và kinh tế - xã hội trong nước có nhiều biến động, phức tạp, khó khăn nhưng các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đã được tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và từng bước thể chế hóa. Các chủ trương lớn của Nghị quyết được đẩy mạnh triển khai và bước đầu đạt kết quả tích cực, cụ thể trong phát triển các ngành kinh tế biển như du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; đã từng bước hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển; phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên; bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển và đại dương.
Người dân đánh bắt hải sản tại Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: BL |
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW còn 4 chậm; đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp khắc phục kịp thời như hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển còn thiếu và chưa đồng bộ; cơ chế điều phối liên ngành về phát triển bền vững kinh tế biển chưa được hoàn thiện, vận hành và phát huy hiệu quả; nguồn lực (con người, tài chính và khoa học - công nghệ) để hiện thực hóa các chủ trương, giải pháp và khâu đột phá nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW còn hạn chế; chưa có hệ thống chỉ tiêu thống kê các ngành kinh tế biển làm cơ sở cho công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành.
Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tình hình Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung cũng như hoạt động của các ngành kinh tế biển, các địa phương có biển. Trước tình hình trên, nhằm đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong dự thảo Chỉ thị, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện các nội dung, tăng cường triển khai đồng bộ các khâu đột phá, giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW; đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW (tập trung vào 42 đề án, dự án, nhiệm vụ đến năm 2025); đa dạng hóa, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, bao gồm ngân sách nhà nước, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, viện trợ phát triển phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.
Đồng thời, tiếp tục kiện toàn, đổi mới tổ chức và vận hành hệ thống cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo từ trung ương đến địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý về biển, hải đảo có đủ phẩm chất và năng lực; đồng thời, rà soát các Chương trình/Kế hoạch hành động đã ban hành đảm bảo phù hợp với tình hình mới và bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đặc biệt, Bộ đã tập trung thực hiện một số nhóm nhiệm vụ nhằm cụ thể hóa 03 khâu đột phá xác định trong Nghị quyết số 36-NQ/TW (thể chế; khoa học - công nghệ và nhân lực; kết cấu hạ tầng), tạo chuyển biến, động lực thúc đẩy việc hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam./.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!