Hiểm họa từ việc câu cá trái phép ven hồ Tây
(ĐCSVN) - Đi lại trên những đoạn đường ven hồ Tây (Hà Nội) hiện nay, nhiều người không khỏi lo ngại với những hiểm họa bởi những loại lưỡi câu mà các “sát thủ” câu cá ven hồ sử dụng, sát cạnh lối đi của người tham gia giao thông.
Từ khi thành phố Hà Nội hoàn thành xong tuyến đường chạy ven hồ Tây, đây được coi như một cảnh quan đẹp của Thủ đô, cũng là điểm vui chơi, ngắm cảnh lý tưởng của nhiều người. Cứ mỗi buổi chiều, những khu vực ven hồ như: đường Thanh Niên, vỉa hè ven hồ gần trường Chu Văn An, vườn hoa ven đường Võng Thị và nhiều khu vực khác ven đường gom hồ Tây đã trở thành điểm dạo chơi, ngắm cảnh của các cụ già, các em nhỏ và các bạn trẻ. Ngày thường, khá nhiều người trên đường đi làm về cũng muốn chạy xe đi qua những tuyến đường này để hưởng chút không khí mát mẻ, thoáng đãng của hồ Tây trong những ngày hè nóng nực.
Tuy vậy, nhưng không ít người dân đi lại và sinh sống quanh hồ luôn lo ngại với “hiểm họa” từ dây câu, lưỡi câu của một số "cần thủ" (người câu cá), hàng ngày vẫn đứng câu cá dọc khu vực vỉa hè, đường gom ven hồ.
Một số người dân cho biết, hiện nay vào các buổi sáng, chiều muộn trong ngày, khu vực đường gom ven hồ Tây thường có nhiều người đứng câu cá. Đồ nghề, dụng cụ câu cá mà họ sử dụng là những loại lưỡi câu chùm, lưỡi câu ba tiêu, rất dễ gây thương tích cho những người tham gia giao thông và thể dục bách bộ. Mặc dù, tại những khu vực này chính quyền địa phương đã treo biển nghiêm cấm việc đánh bắt cá, tuy nhiên, hoạt động này vẫn đang diễn ra hàng ngày.
Đáng chú ý, một số người đứng câu cá sát ngay cạnh đường đi lại của người và xe. Điều này đang tiềm ẩn mối nguy hiểm cho những người qua lại, di chuyển tại khu vực này bởi dây câu và các loại lưỡi câu được họ sử dụng, luôn bay vun vút trong không gian ngay trước mặt và trên đầu những người dân qua lại.
Để tìm hiểu về loại hình câu cá này, chúng tôi trò chuyện cùng anh N.V.T (một người câu cá tại đây), anh T cho biết: Câu ba tiêu là cách ta sử dụng cần câu, cuộn cước và một loại lưỡi câu hình trụ bao gồm 3 lưỡi câu, 3 chiếc lưỡi câu này nằm ở những điểm đối xứng nhau vòng quanh phần trụ thân lưỡi câu (đúc bằng chì, có độ nặng khoảng 60g – 80g). Để câu được cá ta phải sử dụng cần câu, sau đó lấy đà “vụt” (từ mà anh T dùng để chỉ thao tác câu cá) mạnh để đưa chiếc lưỡi câu này đi thật xa ra phía ngoài hồ. Tiếp theo, bằng những thao tác như vừa quấn cuộn cước, vừa vụt ngang chiếc cần câu theo hướng sang hai bên để đưa chiếc lưỡi câu lao nhanh dưới mặt nước từ phía ngoài hồ vào trong bờ. Trong quá trình này, chiếc lưỡi câu di chuyển dưới mặt nước sẽ móc vào người những chú cá đang bơi ngang qua, nếu chú cá đó đang nằm trên đường di chuyển của lưỡi câu – Anh T giải thích.
Khi chúng tôi hỏi về việc sử dụng loại lưỡi câu này có gây nguy hiểm cho người đi lại phía xung quanh hay không? Anh T nói: Câu ba tiêu này đặc biệt nguy hiểm cho người xung quanh, phải rất cẩn thận, khi nào không có người qua lại em mới được “vụt” ra. Khi lưỡi câu vào gần bờ em phải giảm tốc độ và quấn dần vào, nếu chẳng may lưỡi câu theo quán tính bay lên bờ, thậm chí còn gây nguy hiểm cho chính người đang câu cá bởi độ nặng và độ sắc của chiếc lưỡi câu.
Theo quan sát của chúng tôi, dọc theo đoạn đường chỉ khoảng 3km, từ phía đầu hồ Tây (đường Thanh Niên) đường Nguyễn Đình Thi cho đến đoạn Trích Sài (đoạn phố Văn Cao rẽ vào), cứ khoảng vài trăm mét lại có một cần thủ đang đứng câu cá. Họ say sưa với những đường câu của mình và chẳng mấy ai để ý tới những người qua lại phía sau lưng… Chúng tôi tự hỏi, liệu trong những tay câu tại đây, bao nhiêu người có được kinh nghiệm như anh.
Điều lo ngại không nằm ngoài dự đoán, khi biết chúng tôi đang tìm hiểu về sự việc, bác Vui, một người dân sống gần khu vực này bức xúc cho biết: “Hôm vừa rồi cháu tôi đi học về, gia đình tá hỏa khi phát hiện bánh sau chiếc xe đạp điện của cháu vẫn còn mắc nguyên một đoạn dây câu và chiếc lưỡi câu ba tiêu. Hỏi ra mới biết cháu tôi đi về qua đoạn hồ Tây, một anh đứng câu cá ven hồ chẳng may để dây câu mắc vào xe của cháu, may mà không mắc vào người hay vào mặt con bé, chứ không thì tai họa biết đến dường nào!?” – Bác Vui chạy vào nhà, mang ra nguyên một đoạn dây câu cùng chiếc lưỡi câu mà bác đã gỡ ra từ chiếc xe đạp của cô cháu gái đưa chúng tôi xem.
Trao đổi với phóng viên, anh Hòa, một người hay đi lại trên đoạn đường này cho biết: Họ vẫn câu cá tại đây thường xuyên, câu được cá còn đứng bán cho những người đi lại qua đây. Khi nào công an ra đuổi thì họ lại bỏ đi, vắng bóng lực lượng chức năng là họ lại ra câu. Chuyện như cơm bữa, đi lại nhìn thấy mấy ông câu cá là phải dè chừng, phải đứng lại đợi họ nhìn thấy “vút cần” xong mình mới đi tiếp, chứ không thì nguy hiểm lắm – Anh khẳng định.
Có thể đối với nhiều người, câu cá là một thú vui lành mạnh, sau những giờ làm việc căng thẳng, không có gì thư thái bằng việc được thả câu bên hồ nước, thả hồn mình vào với thiên nhiên, mây trời với những phút giây tự do, tự tại. Tuy nhiên việc câu cá tại những nơi không được cho phép, không phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện lại là điều đáng loại bỏ…
Thiết nghĩ, chiếc cần câu, con cá chỉ là chuyện nhỏ, tuy nhiên để việc câu cá mà xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào với những ai qua lại trên đường ven hồ thì lại là việc đáng để nhiều người, nhiều cơ quan chức năng cần hành động để đảm bảo an toàn cho người dân và tránh một hình ảnh không đẹp đối với cảnh quan của một danh thắng giữa lòng Thủ đô./.