Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hết thời “thoát nạn” từ cuộc… điện thoại “giải cứu”?

Thứ Ba, 27/09/2022 14:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Người vi phạm trật tự an toàn giao thông trên đường khi bị giữ lại chờ xử lý đã rút điện thoại “cầu cứu” một ai đó và sau đó là “thoát nạn” chỉ sau giây lát. Đó là một thực tế khiến nhiều lúc, nhiều nơi lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra Giao thông vận tải lúng túng, “có khổ không thể nói”.

 Công an Hà Nội xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Qua hơn 3 tháng thực hiện Kế hoạch 299/KH-BCA-C08 ngày 13/6/2022 của Bộ Công an về cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, tình hình trật tự an toàn giao thông đã có chuyển biến tích cực, đã tập trung xử lý nghiêm các phương tiện chở hàng quá trọng tải, quá khổ, tự ý cải tạo phương tiện giúp cho hoạt động vận tải có nhiều chuyển biến tích cực, được dư luận, nhân dân đồng tình ủng hộ.

Theo thống kê của Bộ Công an, sau 2 tháng thực hiện Kế hoạch, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý hơn 470 nghìn trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 827 tỷ đồng; tước giấy phép lái xa, bằng, chứng chỉ chuyên môn hơn 77 nghìn trường hợp; tạm giữ hơn 100 nghìn phương tiện các loại; đã xử lý 61.401 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 30.263 trường hợp phương tiện vận tải hàng hoá vi phạm cơi nới thành thùng, chở hàng quá khổ, quá tải; xử lý 58.044 trường hợp vi phạm tốc độ…

Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng triển khai Kế hoạch, một loạt các địa phương đã ra công văn yêu cầu, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chấp hành nghiêm các quy định về trật tự an toàn giao thông. Trong đó có nội dung đề cập đến việc cấm cán bộ các cấp can thiệp, tiếp nhận can thiệp việc xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng.

Cụ thể, ngày 23/9, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương quán triệt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu đi đầu trong chấp hành các quy định Luật Giao thông đường bộ; nghiêm cấm tác động, can thiệp vào quá trình xử lý hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của lực lượng chức năng.

Cũng trong ngày 23/9, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ban hành văn bản về việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông trên địa bàn tỉnh. Theo đó, văn bản đề nghị nghiêm cấm cán bộ các cấp can thiệp, tiếp nhận can thiệp việc xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng. Đồng thời, gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia thì không lái xe và có hình thức xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Tương tự, ngày 20/9, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nghiêm cấm can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm.

Chưa hết, cũng ngày 20/9, tỉnh Nghệ An cũng ban hành chỉ thị nghiêm cấm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã, thôn, khối, xóm, bản tác động, can thiệp đến việc xử lý của lực lượng trực tiếp kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn giao thông. Quyết tâm tạo chuyển biến về chấp hành các quy định về trật tự, an toàn giao thông ngay trong các cơ quan, tổ chức, gắn trách nhiệm người đứng đầu của chính quyền, địa phương.

Trước đó, ngày 15/9/2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ban hành yêu cầu nghiêm cấm người đứng đầu, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; cán bộ, công chức, viên chức can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng. Người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm….

Mặc dù văn bản của các địa phương nêu trên không chỉ ra cụ thể có bao nhiêu trường hợp can thiệp "giải cứu" người vi phạm giao thông nhưng phần nào cho thấy có tình trạng người tham gia giao thông vi phạm luật nhưng không chấp hành bị xử phạt mà “a lô” nhờ vả vào các mối quan hệ nào đó để can thiệp vào việc thực thi công vụ, xử lý của các lực lượng chức năng đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông của bản thân mình và của người khác.

Đúng thế! Theo tìm hiểu của chúng tôi thì một số cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quan hệ chính trị để can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm giao thông của lực lượng chức năng. Người vi phạm trên đường khi bị giữ lại chờ xử lý đã rút điện thoại “cầu cứu” một ai đó và sau đó là “thoát nạn” chỉ sau giây lát. Đó là một thực tế khiến nhiều lúc, nhiều nơi lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra Giao thông vận tải lúng túng, “có khổ không thể nói”.

Do vậy, việc lập lại trật tự an toàn giao thông, đảm bảo công bằng, bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân được nhiều người dân đồng tình. Mệnh lệnh: Nghiêm cấm người đứng đầu, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; cán bộ, công chức, viên chức can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng. Người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm… của Bộ công an và các địa phương nhận được sự ủng hộ của đa số người dân.

Nhiều người cho rằng, đây là động thái đúng, trúng, quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng can thiệp nhằm “giải cứu” những trường hợp vi phạm Luật Giao thông; gây rối việc xử lý của lực lượng chức năng và cũng là hành vi lạm quyền nhằm tiếp tay cho sai phạm, trái pháp luật.

Chỉ đạo này của các địa phương cũng sẽ giúp lực lượng chức năng nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, làm đúng chức trách, nhiệm vụ, không e dè bởi những "áp lực vô hình” dẫn đến hành vi tiêu cực trong thực thi công vụ. Điều này góp phần giảm tải tình trạng “không nể nang, không có vùng cấm”. Bởi phải khi nào bất cứ hành vi sai phạm không được bao che, lợi dụng bởi địa vị, chức vụ, quyền hạn, uy tín, mối quan hệ và ảnh hưởng của ai đó để can thiệp vào việc xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng thì đối tượng vi phạm mới biết sợ. Từ đó mói giảm được vi phạm, giảm được tai nạn, lập lại trật tự an toàn giao thông.

Mặt khác, những quy định của các địa phương chắc chắn sẽ góp phần làm cho những người có thói quen “xin xỏ” chắc hẳn phải “chùn tay”. Có như vậy mới nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh.

Tuy nhiên, từ quy định này cho thấy rất cần thiết phải có chế tài, biện pháp xử lý đối với cán bộ công chức viên chức can thiệp nhằm “giải cứu” cho những đối tượng người nhà, quen biết khi họ vi phạm trật tự an toàn giao thông, bị lực lượng chức năng xử lý. Ngoài ra, phải đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào tiêu chí bình xét cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị cuối năm. Có như vậy, mới chấm dứt được tình trạng “thoát nạn” từ cuộc…. điện thoại “giải cứu”… vi phạm về trật tự an toàn giao thông.../.

Nam Khánh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN