Hệ sinh thái biển thích ứng với biến đổi khí hậu
Carbon xanh là carbon được lưu trữ tự nhiên trong các hệ sinh thái ven biển, thường là trong đất ngập nước, phổ biến nhất là rừng ngập mặn, đầm thủy triều và thảm cỏ biển. Các hệ sinh thái biển được đánh giá là một giải pháp tự nhiên để thu giữ carbon trong khí quyển, tạo ra những tác động tích cực nào trong bức tranh toàn cảnh về việc thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Lưu giữ carbon
Một trong những tác động nổi bật nhất của các hệ sinh thái biển trong việc chống lại biến đổi khí hậu chính là thu giữ carbon. 83% chu kì carbon toàn cầu được lưu thông qua đại dương. Dù chiếm chưa tới 20% tổng diện tích đại dương nhưng các sinh cảnh biển có khả năng lưu trữ khoảng một nửa lượng carbon phân bố trong trầm tích biển.
Các hệ sinh thái biển vừa có khả năng cô lập carbon từ khí quyển, vừa tránh phát thải lượng carbon vốn đã được cô lập bên trong hệ thống của chúng. Rừng ngập mặn, đầm thủy triều và thảm cỏ biển có khả năng lưu trữ carbon cao, thông qua sinh khối, đất và trầm tích. Tốc độ hấp thụ carbon của rừng ngập mặn và đầm thủy triều được ước tính lên đến 6-8 Mg CO2e/ha (tấn CO2 tương đương trên 1 ha). Tốc độ này gấp 3-5 so với rừng trên cạn. Trong khi, hệ sinh thái cỏ biển chiếm 15% tổng lượng dự trữ carbon của đại dương, có khả năng cô lập tới 27,4 triệu tấn CO2/năm; và khả năng lưu trữ CO2 trên 1 ha cỏ biển gấp đôi so với mỗi ha rừng mưa.
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã tạo ra áp lực đối với môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển |
Khả năng lưu trữ carbon liên quan rất lớn đến việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Sự suy thoái và mất mát của các hệ sinh thái biển không chỉ khiến chúng mất đi khả năng hấp thụ carbon mà còn dẫn tới việc giải phóng trở lại khí quyển lượng carbon vốn đã được cô lập trong các hệ thống này. Chính vì vậy, với tiềm năng lớn trong việc thu giữ và cô lập carbon, các hệ sinh thái biển có tầm quan trọng trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bảo tồn đa dạng sinh học
Các hệ sinh thái biển cung cấp môi trường sống quan trọng cho nhiều loài sinh vật biển và ven biển: từ chim, cá và động vật có vú đến động vật không xương sống, tảo và vi khuẩn.
Rừng ngập mặn là “vườn ươm” cho các loài cá và giáp xác, đặc biệt là bộ rễ. Những cây bụi là nơi sinh sống của các loài như hàu, hà, bọt biển, hải quỳ... Ngọn cây ngập mặn là tổ của các loài chim như bồ nông. Còn tôm hùm thì chui xuống lớp đất bùn sâu. Thảm cỏ biển là nơi trú ngụ của nhiều loài sinh vật nhỏ cá chìa vôi, cá ngựa,... Trong khi đầm lầy thủy triều là nơi sinh sống của nhiều loài động vật như cá, rùa, rắn, côn trùng...
Các hệ sinh thái biển không chỉ là nơi sinh sống, mà còn cung cấp nguồn thức ăn quan trọng của nhiều loài sinh vật biển. Rừng ngập mặn là nguồn thức ăn cho chim, khỉ, hươu... và là nguồn mật hoa cho ong mật. Cỏ biển là thức ăn của các loài động vật như bò biển, lợn biển, rùa biển... Một số loài cá dùng cỏ làm thức ăn nuôi cá con trong đám thực vật ngập mặn hay rạn san hô gần bãi cỏ.
Đầm lầy ngập mặn là nơi mà các loài chim di trú như diệc, ngỗng trời... ghé thăm để tìm nguồn thức ăn như côn trùng, cua và cá. Các vùng đất ngập nước cũng là nơi mà gấu mèo và chồn ghé thăm để tìm kiếm thức ăn.
Bảo vệ bờ biển khỏi bão, lũ lụt và xói mòn
Rừng ngập mặn có tầm quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển khỏi tác động của sóng và nước biển dâng. Hệ sinh thái này được ghi nhận là có khả năng bảo vệ an toàn cho các ngôi làng ven biển khi đối mặt với lũ lụt và sóng thần. Chúng có khả năng hấp thụ một phần năng lượng của cơn bão, giúp giảm thiệt hại do các sự kiện thiên tai như lốc xoáy. Một dải rừng ngập mặn dài 500m có khả năng làm giảm chiều cao sóng thần từ 50-99%.
Các hệ sinh thái biển còn có tác dụng làm giảm xói mòn bờ biển. Rừng ngập mặn giúp ổn định đất xốp và củng cố đường bờ biển thông qua sự phát triển mạng lưới rễ rộng khắp trên mặt đất. Trong khi, thảm cỏ biển có rễ phát triển sâu cùng với khả năng tập hợp và hình thành trầm tích vượt trội.
Góp phần vào an ninh lương thực
Sự đa dạng của các loài sinh vật biển ở các hệ sinh thái biển mang đến một tiềm năng to lớn đối với nghề cá. Từ đó, đóng góp cho nền kinh tế địa phương và tăng cường an ninh lương thực ở các khu vực ven biển.
Với những tác động to lớn trong việc lưu trữ carbon, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ bờ biển khỏi bão, lũ lụt và xói mòn, góp phần vào an ninh lương thực… các hệ sinh thái biển thực sự có tầm quan trọng hàng đầu trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay.