Hãy giữ chữ Tín!
(ĐCSVN) – Lâu nay, chúng ta vẫn cho rằng, siêu thị là hệ thống bán lẻ uy tín. Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả mức giá cao để mua được sản phẩm đảm bảo chất lượng tại đây. Thế nhưng, những ngày qua, dư luận đang bất an với thông tin rau VietGAP “dỏm” đội lốt, “biến hình” vào siêu thị.
Rau củ được Công ty Trình Nhi mua ở chợ, sơ chế, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị Winmart - Ảnh: BÔNG MAI |
Nếu hỏi, chúng ta quan tâm điều gì nhất có lẽ ai cũng cho rằng đó chính là sức khỏe. Nếu hỏi, chúng ta lo lắng điều gì nhất, chắc chắn câu trả lời luôn là những bất thường về sức khỏe. Chính vì điều đó mà trong cuộc sống hàng ngày, ăn gì, uống gì, sử dụng đồ dùng gì tác động tới sức khỏe, người tiêu dùng đều rất chú trọng tới nguồn gốc xuất xứ, thành phần, chất lượng, sự an toàn của sản phẩm.
Do không thể tận mắt thấy được trọn vẹn quy trình sản xuất các sản phẩm như các mặt hàng chúng ta tự cung tự cấp, nên người tiêu dùng đành phải mua bằng “Niềm tin”. “Niềm tin” có lẽ chính là giá trị trung gian để thỏa mãn nhu cầu giữa người mua kẻ bán. Và có lẽ, hệ thống các siêu thị mọc ra, với những không gian mát mẻ, tiện nghi, chuyên nghiệp; với những kệ hàng được bày ngay ngắn, đẹp mắt; với những sản phẩm có nơi sản xuất, có hạn sử dụng, có thương hiệu rõ ràng… đã lấy được “Niềm tin” ấy. Nếu doanh nghiệp làm ăn chính đáng, không chạy theo lợi ích cá nhân, chú trọng tới chất lượng sản phẩm thì “Niềm tin” sẽ ngày một lớn và đương nhiên sản phẩm sẽ được người tiêu dùng chào đón.
Tuy nhiên, trên thực tế không phải doanh nghiệp nào, đơn vị nào cũng làm tốt điều đó thậm chí có nơi còn cố tình làm sai để vì …lợi nhuận.
Nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, “vải thưa không che được mắt thánh”… khi loạt bài điều tra của báo Tuổi trẻ hồi giữa tháng 9/2022 đã phanh phui ra vụ rau VietGAP “dỏm” - rau sạch rởm “biến hình” vào Winmart, Tiki ngon. “Niềm tin” đã bị đánh cắp?
Người dân từ “thượng đế” nay đã trở thành những nạn nhân. Họ lo lắng liệu ngoài 2 thương hiệu trên còn nơi nào hàng không đúng tiêu chuẩn cam kết được tuồn vào trà trộn nữa không? Họ băn khoăn không biết ngoài rau ra còn những mặt hàng nào cũng “đội lốt”, “biến hình” như thế nữa không? Họ sợ hãi vì biết bao lâu nay mình đã bị “một cú lừa” để “nhiệt tình” đưa những thực phẩm không mong muốn vào cơ thể mà không hay biết… Làm sao có thể cân đo đong đếm hết những thiệt hại về sức khỏe, về tinh thần của người tiêu dùng?
Không chỉ người tiêu dùng chịu thiệt hại, giờ đây có lẽ những doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng bị ảnh hưởng rất lớn khi mà ở đâu, người tiêu dùng cũng đặt một chữ “ngờ”. Đúng là con sâu làm rầu nồi canh!
Về vụ việc trên, sau khi có thông tin, ngay lập tức phía siêu thị đã có những động thái kiểm tra dữ liệu nhà cung cấp, ngừng nhập và rút toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp khỏi quầy kệ. Đồng thời, nhanh chóng yêu cầu nhà cung cấp giải trình vi phạm cam kết về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm theo hợp đồng cung cấp hàng hóa đã ký kết với siêu thị.
Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cũng đã có công văn khẩn gửi các đội quản lý thị trường về việc rà soát, phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng có công văn gửi Ban An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh và sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố về việc điều tra, xác minh nội dung báo Tuổi Trẻ phản ánh (một số công ty đã thu gom rau ở chợ đưa về đóng gói, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị-PV).
Công nhân dán tem VietGAP vào gói rau mua từ chợ đầu mối đã được sơ chế - Ảnh: BÔNG MAI |
Qua đây, chúng ta thấy rằng, đã đến lúc các ngành chức năng, các siêu thị, chuỗi bán lẻ cần xem xét lại và siết chặt toàn bộ quy trình quản lý chất lượng sản phẩm nói chung và nông sản nói riêng. Cơ quan chức năng cũng cần quản lý chặt khâu cấp các chứng nhận đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, cũng cần có chế tài xử phạt thật nghiêm minh đối với các hành vi sai phạm để đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
Vụ việc trên không chỉ là bài học để hệ thống các siêu thị kiểm tra, đánh giá lại chính mình mà qua đó cũng góp phần điều chỉnh lại hoạt động thương mại nói chung, đặc biệt là tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh. Vì chính sự an toàn, sức khỏe của mọi người là trên hết mà phải chú trọng tới chất lượng sản phẩm không nên có tư tưởng chỉ vì lợi ích cá nhân mà “sống chết mặc bay”.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ra đời nhiều năm và có sửa đổi, bổ sung quy định các quyền cơ bản của người tiêu dùng. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, cùng với trách nhiệm và đạo đức của người bán hàng, của chủ doanh nghiệp thì bản thân chúng ta cũng hãy luôn là người tiêu dùng thông thái. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần phải tích cực nghiên cứu tìm hiểu pháp luật để biết được quyền lợi trong tiêu dùng của mình để được bảo vệ một cách chính đáng và hợp pháp.
Hiện nay, Việt Nam đang tham gia rất mạnh mẽ vào quá trình toàn cầu hóa. Trong lĩnh vực thương mại, nhiều mặt hàng của nước ta đã xuất khẩu được vào thị trường lớn, uy tín trên thế giới. Chúng ta có những đối tác tiềm năng. Thiết nghĩ, câu chuyện trên cũng còn là lời cảnh tỉnh cho kinh doanh ở tầm rộng. Khi đã xây dựng được niềm tin thì phải giữ được chữ Tín. Có như thế, doanh nghiệp mới bay cao, bay xa, mới phát triển bền vững./.