Hậu Giang: Tăng cường đầu tư tiềm lực cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo
(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đề nghị tỉnh Hậu Giang tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, tỉnh chú trọng đến phát triển, thu hút nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo; triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo thiết thực, phục vụ trực tiếp đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp trong tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang về phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ảnh: TL |
Mới đây, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ vừa có buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang về phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang, từ năm 2022 đến tháng 6/2023, tỉnh thực hiện 11 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (10 đề tài dự án cấp tỉnh và 1 dự án cấp Bộ), tổng kinh phí trên 35 tỷ đồng. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai đều ở các lĩnh vực khoa học nông nghiệp, khoa học kỹ thuật công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn. Tỉnh phối hợp với các viện, trường, nhà khoa học, các chuyên gia trong nghiên cứu, tư vấn tuyển chọn và nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Bên cạnh đó, Hậu Giang đã cụ thể hóa, ban hành nhiều quyết định, quy định, chính sách, chương trình quan trọng trong quản lý, triển khai hoạt động khoa học và công nghệ. Thông qua hình thức đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ, các sở, ngành, địa phương đề xuất các vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
UBND tỉnh đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục quan tâm hỗ trợ Hậu Giang trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; đồng thời, xem xét hỗ trợ tỉnh tham gia các chương trình khoa học và công nghệ cấp Quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, tỉnh cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo để khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo tiếp tục đồng hành trong các chương trình, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực; hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà sản xuất đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng và gia tăng giá trị cho sản phẩm hàng hóa.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng nêu ra 4 giải pháp trọng tâm ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang cần tập trung trong thời gian tới. Cụ thể, Sở chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các giải pháp khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV; Nghị quyết 78 của Chính phủ ban hành Chương tình hành động thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hậu Giang tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, tỉnh chú trọng đến phát triển, thu hút nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo; triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo thiết thực, phục vụ trực tiếp đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp trong tỉnh. Về phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh cần có các chính sách đủ mạnh để thu hút nguồn nhân lực khoa học làm việc trong các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, qua đó, có thể nghiên cứu, phát triển và lan tỏa công nghệ.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị tỉnh Hậu Giang tiếp tục thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, trong đó, chú trọng hợp tác, kết nối với Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ. Mặt khác, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao và tiếp nhận công nghệ hiện đại, thông minh, công nghệ xanh - sạch - thân thiện với môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ phát triển nguồn nhân lực quản trị công nghệ và quản lý doanh nghiệp.
Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất chủ trương ủng hộ địa phương và giao các Vụ thuộc Bộ hướng dẫn tỉnh triển khai nhóm nhiệm vụ về khai thác phát triển một số nguồn gen đặc hữu có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, hỗ trợ địa phương xây dựng, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm danh tiếng và có lợi thế phát triển của tỉnh./.