Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hậu Giang: Hỗ trợ máy móc cho các cơ sở sản xuất nông sản

Thứ Ba, 02/02/2016 16:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Năm nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hậu Giang sẽ hỗ trợ máy móc, trang thiết bị hiện đại cho 13 cơ sở, doanh nghiệp từ nguồn kinh phí khuyến công Trung ương và địa phương, chủ yếu tập trung vào các cơ sở chế biến lúa gạo, sản xuất lương thực.

Ảnh minh họa. (Nguồn: baohaugiang.com.vn)

 

Theo đó, Trung tâm dự kiến hỗ trợ 100 triệu đồng cho hộ kinh doanh Nguyễn Chí Tâm tại huyện Vị Thủy mua máy bóc vỏ lúa trị giá 2,7 tỷ đồng; hỗ trợ 80 triệu đồng cho hộ Trần Quang Khải tại huyện Phụng Hiệp mua máy đánh bóng gạo trị giá 1,4 tỷ đồng; hỗ trợ cơ sở sản xuất bún tươi Phan Hữu Hạnh tại Phụng Hiệp hơn 75 triệu đồng để mua máy ép bún trị giá hơn 500 triệu đồng và cơ sở sản xuất bánh mì Hai Hưng ở thị xã Ngã Bảy sẽ được hỗ trợ 60 triệu đồng mua máy se bột bánh mì trị giá 700 triệu đồng.... 

Công tác khuyến công, hỗ trợ trang thiết bị, máy móc cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong thời gian qua đã góp phần nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến nông sản và tăng năng suất cũng như nâng cao thu nhập cho người dân. 

Trong năm 2015, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hậu Giang đã thực hiện 17 đề án với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng từ nguồn khuyến công Quốc gia và khuyến công địa phương và đã có 16 cơ sở, doanh nghiệp được hỗ trợ trang thiết bị máy móc hiện đại trong sản xuất, chế biến biến sản phẩm nông nghiệp. 

Ngành nghề được tập trung hỗ trợ là những cơ sở xay xát lúa gạo đã hỗ trợ 4 máy bóc vỏ lúa, 1 máy xát trắng tự động cho các hộ kinh doanh, công ty chế biến lúa gạo. Những ngành chế biến thực phẩm truyền thống của tỉnh cũng được quan tâm hỗ trợ trang thiết bị hiện đại để cải tiến kỹ thuật như hỗ trợ máy tráng bánh tự động cho cơ sở sản xuất bánh tráng Lộc Phát ở thị xã Ngã Bảy, hỗ trợ cơ sở sản xuất bánh mì ở huyện Phụng Hiệp sử dụng lò xoay và máy se bột để tăng năng suất và cải tiến chất lượng bánh mì. 

Ông Lưu Vĩnh Thuận, chủ cơ sở sản xuất kẹo lạc Song Phụng cho biết, trước đây cơ sở sử dụng máy cắt kẹo loại cũ và đóng gói bằng tay nên năng suất thấp, mẫu mã không đẹp. Năm 2015, cơ sở được hỗ trợ 100 triệu để mua máy cắt loại mới và máy đóng gói kéo lạc trị giá gần 250 triệu đồng, giúp năng suất tăng gấp đôi, mẫu mã được cải tiến bắt mắt hơn trước, tạo được sự cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. 

Cơ sở cơ khí Đỗ Tấn Bảy từ sản xuất 30 máy xới cải tiến, thu nhập 1,4 tỷ/năm, sau khi được hỗ trợ máy phay, máy sọc dùng làm thiết bị trong máy xới cải tiến đã tăng năng suất lên 40 máy, thu nhập gần 2 tỷ/năm; cơ sở sản xuất kẹo lạc Song Phụng được hỗ trợ máy cắt và đóng gói kẹo, từ năng suất 8 tấn, thu nhập 300 triệu/năm đã tăng lên 100 tấn và 400 triệu/năm sau khi được hỗ trợ máy. 

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hậu Giang Hồ Ngọc Thái cho biết, mục đích của công tác khuyến công là tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách khuyến công thông qua việc tư vấn sử dụng trang thiết bị cũng như hỗ trợ máy móc sản xuất theo hướng hiện đại. Hoạt động này đã góp phần giúp các cơ sở, doanh nghiệp từng bước mở rộng về quy mô sản xuất và nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm của đơn vị, thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp địa phương./. 

Nguyễn Xuân Dự/TTXVN

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN