Hát Then của đồng bào Tày, Nùng
(ĐCSVN) - Hát Then - hình thức diễn xướng dân gian có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời, khởi nguồn từ cuộc sống thường nhật, hát Then phản ánh đậm nét đời sống tinh thần của người Tày, Nùng, Thái. Mảng mầu văn hóa này góp vào bức tranh văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số phía Bắc những nét văn hóa đặc sắc.
Nghệ thuật diễn xướng tín ngưỡng dân gian này ẩn chứa và phô diễn những giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng lâu đời của đồng bào Tày, Nùng, Thái. Bên cây đàn tính, những câu ca được xuất phát từ cuộc sống lao động, mang những giá trị văn hóa đặc sắc, gửi gắm đến người nghe những lời ngợi ca đạo đức, phê phán thói xấu. Hát Then thường diễn ra vào các dịp lễ quan trọng như: lễ cầu mùa, cầu yên, cấp sắc. Hát Then của đồng bào Tày, Nùng, Thái vùng cao phía Bắc được ví là "điệu hát thần tiên", "điệu hát của Trời”.
Hát then mang tính chất lễ và hội, ngoài yếu tố tâm linh là để cầu mùa, chúc phúc, Then còn giải trí, giãi bày nỗi lòng, thể hiện tình yêu đôi lứa, ca ngợi quê hương bản làng, lao động sản xuất. Trong đời sống của người Tày, Nùng, Thái cổ xưa, hát then thường được xuất hiện trong những sự kiện trọng đại như: Lễ cầu an, cầu mùa… Người hát then trong những dịp lễ, tết là người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, bội thu, đời sống ấm no, hạnh phúc.
Nghệ nhân hát Then tỉnh Lào Cai, giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc Tày tại Hà Nội. |
Khởi nguồn từ đời sống thường nhật, dọc theo chiều dài đất nước hình chữ S, nhiều vùng miền các tỉnh thành phía Bắc có đồng bào Tày, Nùng, Thái sinh sống đều lưu giữ nghệ thuật hát Then. Dù có nhiều hình thức thể hiện, dựa trên đặc điểm vùng miền, nhưng nghệ thuật hát Then đều phản ánh chân thực đời sống tinh thần, tín ngưỡng và cuộc sống, mà qua đó bạn bè quốc tế có thể hiểu được tâm hồn con người, đất nước và nền văn hóa lâu đời của Việt Nam. Hát then - văn hoá đặc sắc của người Tày, Nùng, Thái đã được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.