Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hành trình tri ân bằng cả tấm lòng

Thứ Bảy, 27/07/2024 07:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, sự tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các bậc anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Thiết thực tri ân, nâng cao đời sống người có công

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng căn dặn: "Các chiến sĩ đã hy sinh xương máu để giữ gìn đất nước... Các chiến sĩ thật xứng đáng với Tổ quốc và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế".

Thấm nhuần sâu sắc đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân.

  Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân. (Ảnh: Tống Giáp).

Sau 77 năm thực hiện, các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân liên tục được nghiên cứu, bổ sung và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Đặc biệt, ngày 01/7/2024 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 77/2024/NĐ-CP điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên mức 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất trong các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong 20 năm qua, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. 

Từ đạo lý “uống nước nhớ nguồn,” phong trào chăm sóc người có công đã trở thành tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội. Chúng ta đã huy động được nguồn lực to lớn của Nhà nước và xã hội nhằm thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa như: Nhà tình nghĩa; Sổ tiết kiệm tình nghĩa; Chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng…  

Theo thống kê, 10 năm qua (2013 - 2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng. Tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn. 2.412 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Các công trình ghi công liệt sĩ thường xuyên cũng được quan tâm, chăm sóc, tu bổ. Cả nước đã tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang trên 3000 nghĩa trang liệt sĩ, trên 4000 công trình ghi công liệt sĩ. Cùng với đó, tiến hành chuẩn hoá thông tin bia mộ liệt sĩ, 02 năm qua đã điều chỉnh 20 ngàn bia mộ đang ghi "Liệt sĩ vô danh", đến nay cả nước tuyệt đại bộ phận thống nhất ghi “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” theo quy định.

Chủ tịch nước Tô Lâm thăm hỏi các thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành. (Ảnh: Trần Thắng) 

Một điểm sáng nữa trong chính sách người có công là nỗ lực triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng. Qua 6 năm triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng, chúng ta đã giải quyết được căn bản trên 7.000 hồ sơ. Trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, phần lớn là liệt sĩ trong thời kỳ chống Pháp và giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đây là việc làm vô cùng khó khăn bởi thời gian đã quá lâu, hồ sơ thất lạc, người giao nhiệm vụ không còn sống, đồng đội, người làm chứng đều đã mất… Điển hình như trường hợp cụ Phạm Khánh, chiến sĩ cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh hy sinh năm 1931, sau 92 năm mới tìm được dữ liệu, được công nhận liệt sĩ.

Có thể nói, những kết quả đó mang đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, phần nào đã xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm của chúng ta đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc.
 
Dấu mốc mới trong hành trình “trả lại tên” cho các liệt sỹ

Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhưng vẫn còn gần 200.000 liệt sỹ chưa được quy tập, gần 300.000 liệt sỹ chưa xác định được thông tin. Những giọt nước mắt vẫn còn lăn trên má của những người Mẹ; những ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em, của vợ, chồng, của cha, mẹ mình… ở đâu. Theo Bộ trưởng Bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đây là những câu hỏi day dứt.

Thời gian qua, chúng ta đã triển khai Đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin (Đề án 150), thực hiện với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sỹ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sỹ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sỹ để báo tin về cho thân nhân liệt sỹ.

Dấu mốc mới trong hành trình "trả lại tên" cho các liệt sỹ là ngày 23/7 vừa qua, Ngân hàng gen (ADN) liệt sỹ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sỹ đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành ấn nút kích hoạt, chính thức ra mắt.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ ngành ấn nút kích hoạt, chính thức ra mắt “Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin” ngày 23/7. (Ảnh: Kim Thanh).

Việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sỹ chưa xác định thông tin để giám định, lưu trữ trong Ngân hàng Gen là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin.

“Đây là việc làm rất có ý nghĩa, rất linh thiêng, phải chạy đua với thời gian, càng làm càng nhanh càng tốt vì thời gian không cho phép chúng ta kéo dài song đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, gian nan, chúng ta làm bằng mệnh lệnh của trái tim trong hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sỹ. Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ ADN sẽ đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp một phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sỹ,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi

 Mặc dù Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo người có công và thân nhân với tấm lòng trân trọng, biết ơn sâu sắc và trách nhiệm cao cả, nhưng chúng ta vẫn không khỏi day dứt, trăn trở khi đời sống của một bộ phận thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; những số phận thiệt thòi của các nạn nhân chất độc da cam... 

Công tác tìm kiếm quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin ngày càng khó khăn; còn khoảng 180 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập; khoảng 600 nghìn mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc còn thiếu thông tin, cần bổ sung, xác định danh tính…

Những mộ Liệt sĩ chưa xác định được thông tin tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang). Ảnh: Kim Thanh

Trước những day dứt, trăn trở đó, tại Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phát huy mạnh mẽ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 14/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Đồng thời, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật đối với người có công, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, để người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn với tinh thần “không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước ta”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng (Ảnh: Tống Giáp)

Thủ tướng cũng đề nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan tiếp tục chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân được quy định thống nhất, rõ ràng; kịp thời bổ sung cả về đối tượng và chế độ thụ hưởng đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng; thực hiện đúng quy định, quy trình, tiêu chuẩn; đặc biệt chống tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng chính sách.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, thực hiện tốt các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" như: Xây dựng "Nhà tình nghĩa", Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", tặng "Sổ tiết kiệm tình nghĩa", phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng...; góp phần bù đắp những thiệt thòi của người có công và gia đình có công với cách mạng...

Nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc tri ân, chăm lo đối với người có công với cách mạng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ; để đời sống vật chất, tinh thần của người có công tốt đẹp hơn.../.

Tú Giang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN