Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hành trình đi tìm con chữ...

Thứ Sáu, 07/09/2018 15:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Khẩu hiệu “Hãy dành những gì tốt nhất cho trẻ em” hơn lúc nào hết cần được Nhà nước và xã hội quán triệt sâu sắc hơn nữa, nhất là đối với trẻ em vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa có điều kiện sống thấp hơn nhiều so với các vùng đồng bằng, đô thị trong cả nước.

Một số học sinh ở xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên
đi bằng bè mảng đến trường. (Ảnh: vov.vn)

Ngày 5/9, hơn 23 triệu học sinh cả nước đã đến trường khai giảng năm học. Dù những trường ở thành phố, ở vùng đồng bằng với cơ sở vật chất đầy đủ hay những trường ở vùng núi, vùng lũ còn đang ngổn ngang bùn đất… thì năm học mới cũng đã bắt đầu.

Ở những vùng sâu, vùng xa, vùng lũ lụt, năm học mới đối diện với một "núi" khó khăn trước mắt và lâu dài cũng bắt đầu. Hình ảnh ngày khai giảng, một số học sinh bản Huổi Hạ, xã Na Sang, một trong những bản xa và khó khăn nhất của huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên), chui vào túi nilon để người lớn vừa bơi vừa kéo qua suối với dòng nước cuồn cuộn, đục ngầu thật xót xa, kinh hãi. Nguy hiểm về mạng sống vẫn rình rập các em mỗi khi có lũ như thế, ngày này qua ngày khác mà chưa biết khi nào có cầu để qua suối...

Hay ở Mường Lát (Thanh Hóa), mưa lũ, đường sá bị sạt lở nên ngày khai trường gộp cả 3 trường có khoảng 1.500 học sinh, nhưng chỉ có hơn 100 em về đến trường.

Mưa lũ khiến các tuyến đường trên địa bàn bị chia cắt, điện lưới quốc gia cũng mất, hệ thống giao thông gần như bị tê liệt… Các huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông ở Nghệ An cũng vậy. Do cơn bão số 4, kết hợp với  nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ, nên nhiều trường học, điểm trường bị vùi lấp, sạt lở, nhiều trường ngập trong bùn đất.

Dọn sạch bùn đất, khắc phục, sửa chữa trường học hư hại là việc phải làm ngay,  nhưng sau những công việc cấp bách đó, các trường học ở đây phải được quan tâm lâu dài.

Điều kiện cơ sở hạ tầng thấp kém ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa mỗi khi gặp mưa lũ thì sức tàn phá lại càng nặng nề, khủng khiếp hơn, nhưng khi nào thì hạ tầng ở những vùng này được khắc phục để có chất lượng cao là câu hỏi không dễ trả lời, vì phụ thuộc nhiều yếu tố, trước hết là nguồn lực quốc gia. Khi nào thì hạn chế được lũ ống, lũ quét, sạt lở núi cũng là vấn đề khó có đáp số trong thời gian ngắn, bởi thiên tai ngoài khả năng của con người và hậu quả của phá rừng, khai thác khoáng sản bừa bãi nhiều năm qua không dễ khắc phục.

Khẩu hiệu “Hãy dành những gì tốt nhất cho trẻ em” hơn lúc nào hết cần được Nhà nước và xã hội quán triệt sâu sắc hơn nữa, nhất là đối với trẻ em vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa có điều kiện sống thấp hơn nhiều so với các vùng đồng bằng, đô thị trong cả nước.

Người dân ao ước có hệ thống đường giao thông tốt, được hướng dẫn, tạo điều kiện về vốn, về giống, về kỹ thuật và các chính sách phù hợp để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đó là những điều kiện để trẻ em ở những vùng khó khăn, để các trường học ở đây luôn rộn rã tiếng trống và tiếng cười vui của học sinh trên hành trình đi tìm con chữ của mình./.

Thái Vũ

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN