Hàn Quốc tổ chức triển lãm quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay
(ĐCSVN) – Ngày 17/10, Triển lãm Hàng không Vũ trụ và Quốc phòng Seoul (ADEX) năm 2023 đã khai mạc tại căn cứ không quân Seoul, thành phố Seongnam, tỉnh Gyeonggi-do, Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol phát biểu tại Lễ khai mạc ADEX 2023. (Ảnh: Yonhap) |
Được tổ chức 2 năm một lần, sự kiện ADEX 2023 năm nay quy tụ khoảng 550 công ty đến từ 35 quốc gia trên thế giới - con số lớn nhất kể từ khi sự kiện này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1996. Triển lãm năm nay cũng sẽ có sự góp mặt của phái đoàn nước ngoài lớn nhất trong lịch sử, khi có hơn 450 quan chức quân sự và quốc phòng từ 54 quốc gia tới tham dự. Sự kiện diễn ra từ ngày 17 - 22/10, dự kiến sẽ thu hút khoảng 30.000 lượt khách tham quan.
Theo Đài KBS, cùng với sự hiện diện của máy bay B-52, loại máy bay ném bom chiến lược hạng nặng, tầm xa và máy bay tiêm kích F-22 Raptor của Không quân Mỹ, vốn được xem là dòng máy bay tiêm kích hiện đại và uy lực hàng đầu thế giới; một trong những điểm nhấn của Seoul ADEX 2023 là sự ra mắt của dòng máy bay tiêm kích KF-21 Boramae do Hàn Quốc sản xuất. Dự án KF-21 trị giá hơn 6,6 tỷ USD nhằm đưa Hàn Quốc trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới tự phát triển thành công các máy bay tiêm kích siêu thanh.
Ông Lee Jong-ho, đại diện Ban tổ chức Seoul ADEX 2023 khẳng định, với hơn 450 quan chức quốc phòng cấp cao đến từ 54 quốc gia dự kiến tham dự sự kiện, đây sẽ là cơ hội để ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc thu hút sự chú ý của quốc tế và “có một bước tiến vượt bậc”.
Seoul ADEX 2023 diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc đặt mục tiêu chiếm 5% thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu vào năm 2027 để trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 4 thế giới.
Đội bay biểu diễn Black Eagles của Không quân Hàn Quốc tại lễ khai mạc Seoul ADEX 2023. (Ảnh: koreaherald.com) |
Phát biểu khai mạc sự kiện ADEX 2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cam kết sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp quốc phòng, nhấn mạnh rằng lĩnh vực này là một kỳ tích mới trong lịch sử phát triển Hàn Quốc.
Năm ngoái, Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố, Hàn Quốc đặt mục tiêu trở thành nước xuất khẩu quốc phòng lớn thứ 4 trên thế giới vào năm 2027. Để đảm bảo ít nhất 5% thị phần trên thị trường vũ khí toàn cầu, Seoul đã cam kết đầu tư 1 nghìn tỷ won (740 triệu USD) cho nghiên cứu và phát triển đến năm 2027.
Ông cho biết: “Hàn Quốc từng phụ thuộc vào sự hỗ trợ và nhập khẩu, giờ đã nhảy vọt lên mức độ độc lập trong sản xuất và xuất khẩu máy bay tiêm kích tối tân. Công nghiệp quốc phòng là ngành công nghiệp chiến lược quốc gia, hỗ trợ quốc phòng và kinh tế".
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Hàn Quốc chiếm 2,4% tổng thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu từ năm 2018 đến năm 2022, xếp vị trí thứ 9 trên thế giới, sau Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Italy, Vương quốc Anh và Tây Ban Nha.
Trong cùng thời gian này, xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc đã tăng 74%, trong khi Nga, Trung Quốc, Anh và Tây Ban Nha giảm từ 4% đến 35%.
Chính phủ Hàn Quốc đã đặt mục tiêu đạt 20 tỷ USD xuất khẩu quốc phòng trong năm nay sau khi đạt kỷ lục 17,3 tỷ USD doanh số bán vũ khí vào năm 2022, bao gồm các hợp đồng lớn với Ba Lan về xe tăng, pháo, máy bay chiến đấu và tên lửa./.