Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hạn chế tối đa lựa chọn vắc xin gây cản trở công tác tiêm chủng

Thứ Sáu, 04/03/2022 09:16 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Bác sĩ chuyên khoa II Dương Ân Hận – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo lợi ích và hiệu quả vắc xin là để phòng bệnh diễn biến nặng, nguy kịch chứ không phải ngăn hoàn toàn nhiễm, phơi nhiễm vi rút; tránh dựa vào các nghiên cứu mang tính chất tham khảo về tỷ lệ nhiễm bệnh sau khi đã tiêm của các loại vắc xin trên các tạp chí mà ảnh hưởng đến tâm lý lựa chọn vắc xin.

Ảnh minh họa: Hà Nga 

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp trên cả nước. Biến chủng Omicron đã xuất hiện trong cộng đồng tại nhiều tỉnh, thành phố và có khả năng tạo thêm các đợt dịch mới trầm trọng hơn nên công tác phòng, chống COVID-19 luôn được duy trì ở mức cao, không lơ là.

Tại Đồng Tháp, đến nay, chưa phát hiện ca mắc biến chủng Omicron. Đến thời điểm này, tỉnh có 48.125 ca dương tính với SARS-CoV-2 và đã điều trị khỏi 44.626 ca; hiện đang quản lý cách ly các trường hợp tiếp xúc và F0 không triệu chứng hay triệu chứng nhẹ tại nhà 2.512 ca, 51 trường hợp nặng, rất nặng. Về cấp độ dịch, 143/143 xã, phường, thị trấn của 12/12 huyện, thành phố đang ở cấp độ 1.

Về tiêm vắc xin phòng COVID-19, tính đến ngày 02/3, tỉnh đã tiêm được 3.101.947 liều cho người từ 18 tuổi trở lên (tiêm mũi 1: 1.245.254 liều, đạt 100% dân số tỉnh; tiêm mũi 2: 1.186.906 liều, đạt 95,32% dân số tỉnh; tiêm mũi nhắc lại: 304.308 liều, đạt 24,35% dân số tỉnh; tiêm mũi bổ sung: 365.479 liều). Người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm được 307.636 liều (tiêm mũi 1: 158.221 liều, đạt 98,9% dân số tỉnh; tiêm mũi 2: 149.415 liều, đạt 93,4% dân số tỉnh).

Bác sĩ chuyên khoa II Dương Ân Hận – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, việc tiêm vắc xin đủ liều và đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng là một biện pháp hiệu quả hàng đầu trong phòng các bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh COVID-19 nói riêng. Khi tiêm vắc xin COVID-19 đạt một tỷ lệ nhất định sẽ góp phần rất quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, giảm ca nặng và giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19, đặc biệt trong tình hình hiện nay chủng Omicron đã xuất hiện trong cộng đồng tại nhiều tỉnh/thành trong nước.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin trong tiêm chủng thường xuyên và vắc xin phòng COVID-19. Đặc biệt, cần tuyên truyền ý nghĩa và lợi ích của việc tiêm mũi 3 phòng COVID-19 trong tình hình mới xuất hiện biến chủng Omicron (với mức độ lây nhiễm vô cùng cao) nhằm hạn chế tối đa hậu quả làn sóng dịch tiếp theo.

“Vắc xin được tiêm sớm nhất là tốt nhất” – nhấn mạnh điều này, Bác sĩ Hận khuyến cáo người dân hạn chế tối đa việc lựa chọn vắc xin gây cản trở công tác tiêm chủng. Lợi ích và hiệu quả vắc xin là để phòng bệnh diễn biến nặng, nguy kịch chứ không phải ngăn hoàn toàn nhiễm, phơi nhiễm vi rút; tránh dựa vào các nghiên cứu mang tính chất tham khảo về tỷ lệ nhiễm bệnh sau khi đã tiêm của các loại vắc xin trên các tạp chí mà ảnh hưởng đến tâm lý lựa chọn vắc xin.

Bác sĩ Dương Ân Hận cũng cho biết, tỉnh đang tiếp tục vận động mọi nguồn lực xã hội, nhất là từ ngành giáo dục (giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, phụ huynh học sinh) để triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh từ 05 - 11 tuổi khoảng tháng 4 - 5 năm nay.

Ngoài ra, vận động hệ thống các nhà thuốc, phòng khám chữa bệnh tư nhân, ngoài giờ và các ngành chức năng phối hợp cùng ngành y tế thực hiện tốt các kênh thông tin, giám sát dựa vào sự kiện (EBS) nhằm phát hiện sớm dịch bệnh COVID-19 và các sự việc ảnh hưởng sức khoẻ cộng đồng, đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19 nặng và báo ngay đến ngành y tế khi phát hiện trường hợp có khả năng chuyển nặng hay sự kiện dịch bệnh lan nhanh, mạnh; hướng dẫn, tư vấn điều trị và chăm sóc bệnh nhân tại nhà./.

Văn Khương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN