Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Halloween – Một góc nhìn khác

Thứ Sáu, 03/11/2023 14:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Năm 2023, bầu không khí của “lễ hội ma quỷ” tại Việt Nam vào ngày 31/10 bỗng nhiên trầm lắng. Hàng loạt các trường học từ chối tổ chức Halloween. Các trung tâm tổ chức sự kiện tỏ ra dè dặt, mất kết nối truyền thông. Trên mạng xã hội, một bộ phận các bậc phụ huynh, người lớn tuổi cũng tỏ ra "dị ứng" với lễ hội tới từ phương Tây này. Có điều gì đó đang xảy ra với Halloween…

Một góc phố Tây Bùi Viện trong đêm Halloween ngày 31/10 (Ảnh: vnexpress) 

Thực tế, những tranh cãi về Halloween không chỉ xảy ra ở Việt Nam.

Itaewon, Yongsan-gu, Seoul. Ngày 29 tháng 10 năm 2022. Cả thế giới rúng động bởi thảm họa khiến 159 người chết và 196 người khác bị thương do xô đẩy, giẫm đạp tại một con ngõ nhỏ. Đó là nơi hàng nghìn bạn trẻ đang tham gia vào lễ hội Halloween.

Năm 2016, ngày Halloween. Công viên Croydon, London. Tám kẻ đeo mặt nạ quỷ nhảy ra từ ôtô tấn công một nhóm bạn đang ngồi chơi. Chỉ sau 2 phút tấn công, Scotty Kouebitra (22 tuổi) chết tại chỗ, 2 người bị thương nặng.

Năm 2012, Madrid, Tây Ban Nha. Hai cô gái mới 18 tuổi và 1 người 25 tuổi bị giẫm đạp cho tới chết tại lễ hội Halloween.

Năm 2010, công viên Bossley, phía Tây Sydney. Bữa tiệc Halloween trở thành “bữa tiệc chết chóc” khi 3 thanh thiếu niên sát hại bạn mình.

Halloween năm 2000. William J. Liske thảm sát cả gia đình tại bang Ohio, Mỹ.

Năm 1994, Las Vegas, Mỹ. Tony Bagley (7 tuổi) mặc đồ hóa trang Halloween đi xin kẹo cùng mẹ và chị gái. Một người đàn ông từ đâu chạy đến nã súng. Tony gục ngã trên đường…

Năm nay, các lễ hội Halloween gần như biến mất tại Hàn Quốc. Chính quyền kiên quyết siết chặt mọi sự kiện tụ tập đông người là một lý do, nhưng thực tế, người dân nước này không còn muốn nhắc đến Halloween. Nỗi đau Itaewon vẫn còn đó.

Tại Trung Quốc, cơ quan điều hành tàu điện ngầm ở Quảng Châu ra lệnh cấm các hành khách hóa trang theo lễ hội Halloween lên tàu. Lệnh cấm cũng được ban hành ở một số nhà ga khác nhau.

Tại Nhật, năm 2019, lần đầu tiên người đứng đầu Sở Otani đã phải ban hành hàng loạt biện pháp cứng rắn để kiểm soát lễ hội Halloween vào ngày 31/10 quanh ga Shibuya, quận Tokyo Shibuya. Lễ hội thường niên này đã luôn ẩn chứa những rủi ro về bạo loạn, phá hoại tài sản và chống đối cảnh sát.

Tại Nga, hầu như năm nào cũng có làn sóng đòi Bộ Văn hóa Nga cấm cửa lễ hội Halloween. Nhiều người dân xứ bạch dương cho rằng, các lễ hội tới từ phương Tây (không chỉ Halloween) không phù hợp với văn hóa nước này.

Cực đoan hơn, tại một số các quốc gia Trung Đông, các nước theo đạo Hồi, hoặc Triều Tiên, việc tổ chức Halloween có thể sẽ phải chịu những hình phạt rất nghiêm khắc.

Bây giờ là Việt Nam…

Halloween dĩ nhiên được hưởng ứng và tham gia nhiều nhất ở giới trẻ. Nhưng với người lớn, 2 luồng tư tưởng xung đột vẫn cứ diễn ra. Quan điểm về sự “rùng rợn, kinh dị” không cần thiết đối với thanh thiếu niên nói riêng là có lý. Nhưng việc Halloween giúp học sinh hội nhập và tăng cường kiến thức về những nền văn hóa khác cũng là ý kiến không tồi.

Có điều, vấn đề cốt lõi lại không nằm ở đó!

Chúng ta không cấm những lễ hội ngoại nhập, nhưng cũng không dễ để bất cứ một sự kiện văn hóa nào làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự, thuần phong mỹ tục, hay làm xô lệch văn hóa bản xứ. Vậy thì câu hỏi là: Tại sao các bạn trẻ lại quan tâm tới các lễ hội phương Tây nhiều đến vậy, thay vì những ngày hội thực sự của chúng ta?

Có lẽ, hiếm có bạn trẻ nào lại quan tâm đến nguồn gốc Kito giáo, hay chủ điểm “chế giễu quyền lực của cái chết” của Halloween. Những chiếc mặt nạ kinh dị, những quả bí ngô huyền bí, phù thủy, dơi hay quái vật Frankenstein ư? Chẳng có gì quan trọng bằng một dịp được tụ tập, nhảy múa, “chém gió” và thể hiện độ “ngầu” trước bạn bè trang lứa. Vậy đấy, hãy tưởng tượng xem nếu các bạn trẻ giờ đây chỉ còn những lễ hội thuần Việt như 20/10, 20/11, ngày Quốc khánh hay Tết Nguyên đán…, những đứa trẻ sẽ yêu mến văn hóa nước nhà hơn chăng?

Sự thật, chúng ta cũng có rất nhiều lễ hội. Nhưng đa số lại đặt nặng về tính truyền thống, nơi những “người lớn nghiêm túc” không thể hòa hợp với khát khao tìm hiểu và xu hướng phá cách của tuổi trẻ. “Tự do trong khuôn khổ”, nhưng đã có những lễ hội mang bản sắc Việt nào thực sự khiến người trẻ phải háo hức trong cái khuôn khổ ấy?

Cứ như thế, các lễ hội truyền thống theo kiểu lối mòn dường như ngày càng bế tắc trong việc thu hút giới trẻ. Còn Halloween thì khác, thích làm gì mình thích, những bộ trang phục chẳng ai cấm, chẳng có quy định nào về việc “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”…

Văn hóa Việt từ xa xưa đã chấp nhận sự giao thoa đầy độc đáo từ khắp nơi trên thế giới. Nếu chúng ta đủ tự tin về sức mạnh của chính mình, Halloween hay bất cứ lễ hội ở phương nào khác sẽ chỉ tô điểm, làm đẹp thêm cho mọi mặt đời sống và tinh thần của chính người Việt./.

   

HC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN