Hải Phòng: Xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh, phục vụ người dân và doanh nghiệp
(ĐCSVN) - Hải Phòng phải trở thành một trung tâm kinh tế lớn, thành phố đổi mới sáng tạo, là một cực tăng trưởng của cả nước. Đồng thời, xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh, phục vụ người dân và doanh nghiệp; xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức và cá nhân có vi phạm trong thực thi công vụ…
Nhiệm vụ trên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao cho thành phố Hải Phòng tại Thông báo số 122/TB-VPCP.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, thành phố Hải Phòng phải phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế của mình, “bứt phá đi trước” trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực cho vùng kinh tế phía Bắc.
Hải Phòng trở thành một đô thị thông minh hiện đại
Thành phố phải tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế gắn với rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành; đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất gắn với thị trường trong nước và quốc tế, trong đó, tập trung hỗ trợ các ngành sản xuất công nghiệp mũi nhọn như sản xuất ô tô; tận dụng lợi thế về du lịch biển để tạo điểm nhấn thu hút du khách cả trong nước và quốc tế; đẩy mạnh đầu tư, xây dựng, hiện đại hóa, kết nối cơ sở hạ tầng đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, phát triển các dịch vụ cảng biển.
Đồng thời, nghiên cứu có các cơ chế, giải pháp để thực hiện hiệu quả các chiến lược, kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XV đã đề ra; thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế - xã hội; rà soát các chỉ tiêu cụ thể của từng sản phẩm, kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn một cách hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị, xây dựng Hải Phòng trở thành một đô thị thông minh hiện đại, hấp dẫn với những nét riêng, thu hút người tài về sống và lập nghiệp ở Hải Phòng.
Tạo dấu ấn Thành phố công nghiệp
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thành phố phải ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất; tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp và tái định cư cho người dân; quy hoạch các khu kinh tế, các khu công nghiệp phải gắn với nhà ở xã hội cho người lao động, người dân trong khu vực dự án. Bên cạnh phát triển nhà ở thương mại, nhà quản lý và doanh nghiệp cần chú trọng phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân có chỗ ở bền vững; kiểm soát chặt chẽ việc bảo vệ môi trường; phát triển văn hóa - xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định xã hội.
Xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh, phục vụ người dân và doanh nghiệp; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức và cá nhân có vi phạm trong thực thi công vụ; giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống tội phạm, cháy nổ, buôn lậu trên biển./.