Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hải Phòng đứng đầu các thành phố trực thuộc Trung ương về tăng trưởng kinh tế

Thứ Tư, 03/07/2024 19:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - 6 tháng đầu năm, Thành phố (TP) Hải Phòng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 10,32%, gấp 1,6 lần bình quân chung cả nước, đứng thứ 5 cả nước, thứ 2 vùng đồng bằng Sông Hồng và đứng đầu các thành phố trực thuộc Trung ương.

Quang cảnh phiên họp Thường trực UBND TP Hải phòng.  

Nhiều chỉ tiêu đạt mức tăng trưởng kỳ vọng, như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 15,24%; thu ngân sách nhà nước đạt hơn 60.800 tỷ đồng, tăng 34,77% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa ước 29.862 tỷ đồng, tăng 100,09% so với cùng kỳ, đạt gần 80% dự toán Trung ương giao và hơn 66% dự toán HĐND TP giao; thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 1,55 tỷ USD....

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Hải Phòng ước đạt trên 1.551 triệu USD, đạt 77,58% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,214 tỷ USD, tăng 28,87% so với cùng kỳ, bằng 51,26% kế hoạch năm. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 75,7 triệu tấn, tăng 9,03% so với cùng kỳ. Số lượng khách du lịch đến TP Hải Phòng ước đạt trên 4.270 nghìn lượt, tăng 16,25% so với cùng kỳ...

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực như giao thông, đô thị, góp phần nâng tầm vị thế và mở đường phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố. Toàn thành phố có 6 xã hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, 45 xã tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, an sinh xã hội được quan tâm.

Đặc biệt, lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024 lần đầu được tổ chức tại Quảng trường Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố tại Khu đô thị Bắc sông Cấm với quy mô, lớn, gây ấn tượng với Nhân dân, du khách. Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội của thành phố tiếp tục được bảo đảm, giữ vững.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ nhưng chưa bám sát kế hoạch đề ra như tổng vốn đầu tư toàn xã hội, sản lượng hàng qua cảng, thu  hút khách du lịch. Công tác giải phóng mặt bằng và thi công tại một số dự án chưa bảo đảm tiến độ yêu cầu. Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp hơn so với cùng kỳ. Lũy kế đến 30-6, thành phố giải ngân vốn đầu tư công đạt 5.509 tỷ đồng, bằng 32,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 27,5% kế hoạch thành phố giao.

 6 tháng đầu năm 2024, Hải Phòng đứng đầu các thành phố trực thuộc Trung ương về tăng trưởng kinh tế.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng Lê Anh Quân, nhiệm vụ đặt ra 6 tháng cuối năm 2024 rất nặng nề. Do đó, thành phố tập trung nâng cao chất lượng dự báo và có giải pháp chủ động, kịp thời thích ứng với diễn biến tác động bất lợi đến kinh tế - xã hội. Các cấp, ngành cần thường xuyên kiểm tra, phân tích, đánh giá tiến độ, mức độ hoàn thành các chỉ tiêu để có điều chỉnh, bổ khuyết nhiệm vụ, giải pháp thích hợp.

 Thành phố hoàn thành sơ kết Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng; Nghị quyết số 39- NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.

 Cùng đó, thành phố tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó ngành Thuế tiếp tục rà soát các nguồn thu có dư địa tăng thu; tăng thu qua thanh tra, kiểm tra; tăng thu qua thu nợ; tập trung quyết liệt vào các khoản thu, sắc thuế chưa đạt tiến độ thu bình quân. Rà soát các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế và hoá đơn, doanh nghiệp đang hưởng ưu đãi thuế để phát hiện các hành vi khai sai, trốn thuế, áp dụng ưu đãi thuế không theo đúng quy định của pháp luật; rà soát, đảm bảo tiến độ xác định giá đất cụ thể; thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản công, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để tăng thu ngân sách nhà nước...

 Phó Chủ tịch Thường trực Lê Anh Quân cũng đề nghị các đơn vị, sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục tổ chức lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải đến năm 2045, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2024; nghiên cứu thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam TP Hải Phòng, tạo động lực mới phát triển thành phố. Đồng thời tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các khu công nghiệp mới, dự án, công trình trọng điểm gồm: Bến số 3, 4, 5, 6, 7, 8 tại khu vực cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; các dự án khu đô thị, nhà ở xã hội.

 Thành phố tiếp tục thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong cấp Giấy phép kinh doanh có điều kiện; tham mưu xây dựng sáng tạo các mô hình mới hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp lập, hoàn thiện hồ sơ khi thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính toàn trình và thủ tục cấp Giấy chứng nhận kinh doanh có điều kiện để tăng tỷ lệ người dân và doanh nghiệp nộp được hồ sơ hợp lệ ngay từ lần nộp đầu tiên và giảm tỷ lệ hồ sơ phải sửa đổi bổ sung ở mức thấp nhất.

 Đồng thời, thành phố đổi mới tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua nhiều hình thức khác nhau để nâng cao hiệu quả đối thoại, nắm bắt nhanh chóng khó khăn để kịp thời giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh./.

 

 

Linh Nhi

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN