Hải Dương: Thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn các nhiệm vụ trong quý II và năm 2022
(ĐCSVN) - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh phát huy kết quả đạt được trong quý I, đánh giá đúng những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế; tiếp tục bám sát thực hiện tốt chủ đề năm là “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá” để quyết liệt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trong quý II và năm 2022.
Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Hội nghị |
Sau 1 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, chiều 15/4, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII đã hoàn thành các nội dung, chương trình và bế mạc.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về Đề án phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghe Báo cáo kết quả kiểm điểm phê bình, tự phê bình năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; Báo cáo quyết toán ngân sách Đảng năm 2021; Báo cáo những công việc đã chỉ đạo thực hiện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy giữa 2 kỳ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và xem xét một số nội dung quan trọng khác.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm vào các nội dung được xem xét. Đáng chú ý, đối với Tờ trình dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030”, hầu hết các ý kiến đồng tình cao với nhóm nhiệm vụ và giải pháp đưa ra trong dự thảo Đề án. Một số đại biểu đề nghị bổ sung, làm nổi bật hơn giải pháp về công tác tuyên truyền; giáo dục thể chất cho học sinh trong trường học; công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động trong các khu, cụm công nghiệp; tăng cường và đổi mới hình thức liên kết đào tạo. Một số đại biểu cũng đề nghị cần rà soát, quy hoạch lại ngành nghề đào tạo, cơ sở đào tạo để tránh lãng phí hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị của một số cơ sở đào tạo nghề...
Về dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hầu hết các ý kiến đều đánh giá chất lượng công tác quy hoạch trong thời gian qua là rất tốt, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh thảo luận kỹ và cho phương án. Đa số ý kiến cho rằng việc phát triển đô thị hóa cần phù hợp với thực tiễn, nếu không đặt ra chỉ tiêu phấn đấu cao quá thì sẽ không thực hiện được; đề nghị tỉnh quan tâm tháo gỡ khó khăn cho địa phương, phê duyệt công trình tạo nguồn thực hiện các dự án, công trình trọng điểm; rà soát tăng thêm diện tích nhà ở cho những địa phương có nhiều doanh nghiệp, đông công nhân, điều kiện còn khó khăn...
Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong quý I, đánh giá đúng những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế như giá xăng dầu, phân bón tăng cao; tiếp tục bám sát thực hiện tốt chủ đề năm là “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá” để quyết liệt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trong quý II và năm 2022.
Hình ảnh tại Hội nghị |
Bí thư Tỉnh ủy cũng khẳng định tầm quan trọng, sự cấp thiết của việc xây dựng, thực hiện Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030” đối với thu hút đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống người dân.
Nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực phải theo cơ chế thị trường, giải quyết vấn đề về lao động cả về số lượng và chất lượng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng đề nghị tỉnh cần tập trung phát triển thị trường lao động công khai, minh bạch, dễ tiếp cận trên môi trường số. Dự báo đúng nhu cầu lao động từ nay đến năm 2030 trong từng lĩnh vực; xây dựng cơ sở dữ liệu đủ lớn để cung ứng cho doanh nghiệp, tạo thị trường lao động trên môi trường số, kết nối thuận lợi giữa doanh nghiệp với người lao động, giữa cơ sở đào tạo với người lao động. Cơ cấu lại nguồn nhân lực gắn với quy hoạch tỉnh Hải Dương; đồng thời thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, chấm dứt thu hút đầu tư các dự án mới công nghệ cũ, sử dụng nhiều lao động phổ thông; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, sử dụng ít lao động, tạo ra năng suất…
Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, tỉnh cần đổi mới căn bản, mạnh mẽ, toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Huy động các nguồn lực để hỗ trợ cho người lao động trong các doanh nghiệp, trong đó có tập trung xây dựng hạ tầng đồng bộ nhằm tạo ra hệ sinh thái ở và làm việc có tính bền vững cho người lao động làm việc tại Hải Dương, nhất là ở các khu công nghiệp. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với người lao động…
Để thực hiện tốt Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu phải đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về phát triển đô thị. Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc. Quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; kết hợp hài hoà giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới…
Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, hướng phát triển đô thị xuyên suốt, với tầm nhìn dài hạn của tỉnh là đô thị xanh, hiện đại, thông minh, giàu bản sắc Hải Dương, do đó, đồng chí yêu cầu phải tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp đột phá để đạt được các mục tiêu đề ra. Đó là đẩy nhanh tiến độ nâng cấp các đô thị gắn liền với phát triển các khu dân cư, khu đô thị để mở rộng không gian đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và quy hoạch phát triển các đô thị lớn có hạ tầng đồng bộ, hiện đại có diện tích đủ lớn để thể hiện các ý tưởng quy hoạch đô thị hiện đại; tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững của tỉnh từng bước tạo ra một mạng lưới đô thị hiện đại, rộng khắp; xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết; phát triển kinh tế đô thị và xây dựng văn minh đô thị, cùng với việc nâng cao năng lực quản lý đô thị./.