Hải Dương thêm 31 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới
Ngày 13/1, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh Hải Dương đã công bố quyết định công nhận thêm 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Như vậy, tính đến nay, sau 5 năm triển khai, Hải Dương đã có 46 xã được công nhận là xã nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương cho biết, trong 5 năm qua, Hải Dương đã huy động được 24.470 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 2.900 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 3.700 tỷ đồng bao gồm tiền mặt, ruộng đất, ngày công xây dựng; nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp khoảng 2.900 tỷ đồng…
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương, đến hết năm 2015, tổng số tiêu chí nông thôn mới của Hải Dương đạt 3.205 tiêu chí. Bình quân đạt 14,2 tiêu chí/xã, cao hơn bình quân toàn quốc (13,2 tiêu chí/xã). Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Hải Dương được cả hệ thống chính trị vào cuộc, được nhân dân đồng thuận cao. Diện mạo nông thôn Hải Dương có nhiều thay đổi theo hướng khang trang, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện. Trong 5 năm qua, đã có 2.350 km đường giao thông nông thôn được xây dựng, cải tạo, nâng cấp, có 477 trường học đạt chuẩn quốc gia, 100% số xã có mạng lưới cung cấp nước sạch...
Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Phú cho biết, trong quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế như: một số xã còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên; Có địa phương chỉ quan tâm đến xây dựng hạ tầng mà chưa quan tâm đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; Một số xã chưa vận động tuyên truyền tốt nên người dân chưa đồng thuận cao trong việc tham gia; Chưa nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp…
Trong mục tiêu đến hết năm 2020, tỉnh Hải Dương phấn đấu có ít nhất 60% số xã (từ 137 xã trở lên) đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt mục tiêu này, theo nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng tỉnh vẫn cần tiếp tục có cơ chế đặc thù. Ông Nguyễn Minh Hùng, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Kinh Môn đề nghị: "Tỉnh cần tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù cho những xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2016. Việc công bố và bố trí nguồn vốn cần làm sớm từ đầu năm”. Song song với việc này, theo ông Nguyễn Văn Phú, cần có sự quan tâm hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới đối với các xã khó khăn để các xã này có điều kiện bứt phá.
Nói về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới của Hải Dương, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương yêu cầu các cấp chính quyền kết hợp với các ngành, đoàn thể cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phù hợp với các đối tượng khác nhau để phát huy hơn nữa tính tự giác, chủ động, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh tổ chức chỉ đạo phát triển sản xuất; tạo ra những phong trào thi đua thực sự thu hút được mọi người dân tham gia, hưởng ứng.
Ông Hiển cũng nhấn mạnh: “Nếu xã nào có tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài thì kể cả đủ tiêu chí cũng không xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”./.
Mạnh Minh/TTXVN