Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hải Dương: Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ và tình trạng “quy hoạch treo”

Thứ Sáu, 15/04/2022 11:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Để thực hiện tốt Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương xác định đô thị hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng cho tỉnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ, hiện đại. Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ và tình trạng “quy hoạch treo”, cơ chế “xin cho”, “lợi ích nhóm” trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch…

Đồng chí Nguyễn Quang Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương 

Tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII, diễn ra sáng 15/4, đồng chí Nguyễn Quang Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương trình bày Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cơ bản phủ kín quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung đô thị

Đánh giá thực trạng công tác quy hoạch, phát triển đô thị của tỉnh Hải Dương trong thời gian qua, Tờ trình nêu rõ: Sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, nhất là trong 10 năm trở lại đây, công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị tỉnh Hải Dương đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng.

Đến cuối năm 2021, Hải Dương đã cơ bản phủ kín quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung đô thị (chỉ còn thị trấn Cẩm Giang (huyện Cẩm Giàng) đang tổ chức lập quy hoạch); hoàn thành lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới; tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị ở mức khá (khoảng 75%) và đang từng bước nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết.

Tuy nhiên, tỷ lệ đô thị hoá đến hết năm 2021 của tỉnh vẫn thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước. Chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Quá trình đô thị hoá, triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị. Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới…

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, nguyên nhân những hạn chế trên là do nhận thức về đô thị hoá, phát triển đô thị bền vững chưa đầy đủ, chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quy hoạch đô thị thời kỳ trước thiếu tầm nhìn, công tác quản lý chưa tốt. Nguồn lực dành cho phát triển đô thị còn hạn chế, nhất là trong công tác đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương không đáp ứng được với tốc độ phát triển đô thị. Việc thể chế, chính sách về đô thị và phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ, ổn định. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý sai phạm, tiêu cực chưa kịp thời, nghiêm minh; giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể chưa phát huy hiệu quả. Việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương đô thị còn hạn chế, chưa triệt để để tạo sự chủ động của các địa phương.

Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định đô thị hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng cho tỉnh Hải Dương phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ, hiện đại. Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ và tình trạng “quy hoạch treo”, cơ chế “xin cho”, “lợi ích nhóm” trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Phát triển hệ thống đô thị bền vững phù hợp với quy hoạch, chương trình, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo định hướng xanh - thông minh - hiện đại - bền vững. Phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị.

 Hình ảnh tại Hội nghị

Theo Tờ trình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt mục tiêu tổng quát đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo quy hoạch, kế hoạch. Xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, nâng cao chất lượng sống tại đô thị, đảm bảo cơ bản đáp ứng nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giữ gìn và phát huy các yếu tố văn hóa đặc trưng, giàu bản sắc.

Cụ thể, đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đạt trên 45%, đến năm 2030 đạt trên 60%. Giai đoạn đến năm 2025 toàn tỉnh Hải Dương có 47 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I (TP Hải Dương), 2 đô thị loại III (TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn dự kiến lên thành phố), 4 đô thị loại IV và 40 đô thị loại V. Giai đoạn đến 2030, toàn tỉnh có 60 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I (TP Hải Dương), 1 đô thị loại II (TP Chí Linh), 1 đô thị loại III (TP Kinh Môn), 7 đô thị loại IV và 50 đô thị loại V.

Về quy hoạch đô thị, phấn đấu đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được phê duyệt. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đô thị đạt trên 60%. Về quy hoạch nông thôn, đến hết năm 2022, phấn đấu có 100% các xã được lập, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng xã…

Để đạt các mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận và thống nhất trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để chỉ đạo triển khai thực hiện, gồm: rà soát, ban hành và triển khai thực hiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững. Tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững. Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ. Đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an toàn và trật tự đô thị. Phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị…

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN