Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hải Dương: Đẩy mạnh phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân

Thứ Năm, 10/03/2022 14:16 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã tập trung chỉ đạo thực hiện đạt kết quả bước đầu nhiệm vụ quan trọng này, tạo tiền đề để tiếp tục phấn đấu đạt những kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 166 tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp tư nhân với 3.390 đảng viên. Trong ảnh: Lễ kết nạp đảng viên tại Chi bộ Công ty CP Xây dựng Vinaconex số 11.1

Nhận rõ vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản về công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp, như Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Quy định số 15-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đảng viên làm kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 22-NQ/TW (Hội nghị Trung ương 6 khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới; Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân... Đặc biệt, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Coi trọng công tác phát triển đảng viên, bảo đảm số lượng, chất lượng. Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong công nhân trực tiếp sản xuất, trí thức và doanh nhân”, và ngày 27/9/2021 Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn số 08-HD/BTCTW về kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển tổ chức Đảng, phát triển đảng viên mới trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã chỉ đạo các cấp ủy quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về vấn đề này. Đã ra Quyết định số 253-QĐ/TU, thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh; ban hành Kế hoạch số 154-KH/TU về thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18/3/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ra Quyết định số 237-QĐ/TU về kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, ngày 27/9/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về đẩy mạnh công tác kết nạp đảng viên trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh cần tích cực kết nạp quần chúng ưu tú là công nhân trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp FDI…

Với những nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng với những giải pháp toàn diện, đồng bộ, từ năm 2015 đến nay, đặc biệt sau khi thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy đã thành lập mới 48 tổ chức đảng với 320 đảng viên, trong đó có 21 chi bộ cơ sở, 27 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 166 tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp tư nhân với 3.390 đảng viên (trong đó có 20 đảng bộ cơ sở, 51 chi bộ cơ sở và 95 chi bộ trực thuộc các đảng bộ xã, phường, thị trấn), chiếm 3,1% tổng số đảng viên trong toàn tỉnh và chiếm khoảng 2,7% so với tổng số lao động trong doanh nghiệp tư nhân.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của đảng bộ cấp huyện và cơ sở, các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân cơ bản đã thực hiện tốt các quy định về chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Trung ương; luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đổi mới sinh hoạt chi bộ, trong đó chú trọng sinh hoạt chuyên đề theo Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương “Về nội dung sinh hoạt chi bộ”; Chỉ thị số 10-CT/TW  của Ban Bí thư “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; Hướng dẫn số 12 HD/BTCTW  của Ban Tổ chức Trung ương “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Những kết quả đạt được thời gian qua cho thấy, các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực, nỗ lực cao để phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng, cũng như tạo nguồn phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn cần phải tập trung tháo gỡ. Đó là:

Các chỉ tiêu về phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân chưa đạt yêu cầu đề ra. Số lượng tổ chức đảng được thành lập còn ít so với tổng số đơn vị hiện có. Chất lượng hoạt động của nhiều tổ chức đảng chưa cao, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong doanh nghiệp còn mờ nhạt; nền nếp sinh hoạt chi bộ không đều, chất lượng sinh hoạt thấp; chưa chú ý tạo nguồn kết nạp đảng viên, đặc biệt chưa khắc phục được tình trạng là đảng viên song khi vào doanh nghiệp làm việc thì không khai báo; điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của tổ chức đảng rất hạn chế (nhiều tổ chức đảng trong doanh nghiệp FDI không có thời gian, địa điểm sinh hoạt) phụ thuộc nhiều vào chủ doanh nghiệp. Việc thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng chưa được quan tâm đúng mức, lúng túng trong việc thành lập tổ chức Đảng và kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng…

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên có nhiều, song tập trung chủ yếu vào một số nguyên nhân chính, đó là: công tác tuyên truyền còn hạn chế, chưa đủ mạnh, chưa đủ thấm để các doanh nghiệp, nhất là chủ doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc thành lập tổ chức đảng. Ở những doanh nghiệp đã có tổ chức đảng thì một số tổ chức đảng chưa thể hiện được vai trò chính trị của mình, chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng theo Quy định 170 và 171 của Ban Bí thư Trung ương khóa XI. Hoạt động còn lúng túng, mang tính hình thức, chưa đổi mới nội dung sinh hoạt, chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp, chưa tạo và củng cố được niềm tin trong doanh nghiệp. Năng lực, trình độ của một số cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Những doanh nghiệp có điều kiện thành lập tổ chức đảng (trong doanh nghiệp có nhiều công nhân là đảng viên), song chưa quan tâm để thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các quy định về học lý luận chính trị (như học lớp tạo nguồn kết nạp đảng viên, lớp đảng viên mới…) cũng đang đặt ra cho những người công nhân khó nghỉ làm để theo học (nhất là đối với các doanh nghiệp FDI); sự biến động thường xuyên của lao động (nay làm doanh nghiệp này mai chuyển doanh nghiệp khác), hoặc người công nhân thường xuyên làm việc ở những địa bàn khác nhau (do địa bàn hoạt động của công ty trải rộng, thậm chí ra cả nước ngoài làm việc) nên khó khăn cho công tác phát triển đảng viên. Hoạt động của Ban chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên đại bàn tỉnh ở một số nơi hiệu quả chưa cao, chưa có những giải pháp đột phá chỉ đạo công tác này…

Từ thực tiễn triển khai phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Hải Dương thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu:

Một là, phải có sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung của các cấp ủy đảng, nhất là cấp ủy cơ sở nơi doanh nghiệp có trụ sở trên địa bàn; có sự gắn kết chặc chẽ giữa doanh nghiệp với tổ chức đảng cơ sở, có sự quan tâm trao đổi giúp đỡ nhau. Trên cơ sở đó động viên, khích lệ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thành lập tổ chức đảng và hoạt động hiệu quả.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng nói chung, về vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, về phát triển tổ chức đảng và kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh tổ chức đảng đã thể hiện rất tốt vai trò hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp, đảng viên thực sự là những người gương mẫu, là tấm gương sáng đi đầu các phong trào của doanh nghiệp đã cổ vũ người lao động trong doanh nghiệp làm theo, góp phần ổn định và phát triển doanh nghiệp. Trong công tác tuyên truyền, vận động cần quyết liệt, song cũng mềm dẻo và đeo bám nhất là tuyên truyền cho các chủ doanh nghiệp tư nhân nhận thức ra được ý nghĩa, tầm quan trọng và vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân.

Ba là, có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, nhất là sự vào cuộc của các hội đoàn thể, của Ban quản lý khu công nghiệp, của các Hiệp hội doanh nghiệp để thành lập tổ chức đảng, tạo nguồn kết nạp đảng viên mới… trong các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, thường xuyên rà soát, kiểm tra các tổ chức đảng nói chung, các tổ chức đảng trong doanh nhiệp tư nhân nói riêng, kịp thời tháo gỡ, uốn nắn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác xây dựng đảng cho các tổ chức này. Khen thưởng biểu dương kịp thời những tổ chức đảng, đảng viên tiêu biểu. Đồng thời cũng kiên quyết xử lý (thậm chí giải thể) những tổ chức đảng yếu kém, mất sức chiến đấu.

Năm là, cấp ủy các cấp, nhất là Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo quyết liệt, kịp thời về lĩnh vực này. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các cấp ủy triển khai thực hiện.

Để củng cố, phát triển tổ chức đảng, tăng cường kết nạp đảng viên nói chung và trong doanh nghiệp tư nhân nói riêng đạt kết quả cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư “Về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”,  đồng thời hoàn thành chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra (mỗi năm kết nạp 2.200 đảng viên mới trở lên), phấn đấu mỗi huyện ủy, thị ủy, thành ủy mỗi năm ít nhất thành lập được 01 tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân; các cấp ủy đảng trong tỉnh cần tập trung thực hiện quyết liệt một số giải pháp cụ thể sau:

Trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội, các chủ doanh nghiệp, người lao động về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa, lợi ích của việc thành lập tổ chức đảng, phát triển đảng viên và tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư, Hướng dẫn số 08-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Chỉ thị số 19-CT/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác kết nạp đảng viên trong giai đoạn mới. Trong công tác tuyên truyền cần chú ý đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng, các cổng thông tin điện tử, các trang mạng… Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp FDI cần tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng, tuyên truyền trên các tài liệu thông tin, hoạt động đối ngoại để các chủ doanh nghiệp nước ngoài hiểu rõ quan điểm của Đảng, chủ trương của Nhà nước, của tỉnh Hải Dương về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân, từ đó họ hiểu và ủng hộ, tạo điều kiện để phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh.

Hai là, tập trung chỉ đạo với những giải pháp cụ thể để thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Trước hết cần tiến hành rà soát toàn diện, nắm chắc số lượng đảng viên là công nhân đang làm việc ở từng doanh nghiệp (thực tế còn công nhân là đảng viên nhưng khi vào doanh nghiệp không khai mình là đảng viên vì sợ doanh nghiệp không nhận vào làm nên vẫn để sinh hoạt đảng ở nông thôn), trên cơ sở đó có kế hoạch thật cụ thể để tiến hành chuyển sinh hoạt đảng về doanh nghiệp và thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp (ngoài khu công nghiệp) không có đảng viên thì giao tổ chức đảng trên địa bàn có doanh nghiệp có trách nhiệm phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ quần chúng trong doanh nghiệp để làm tốt công tác kết nạp đảng viên mới tiến đến thành lập tổ chức đảng khi doanh nghiệp có đủ điều kiện thành lập chi bộ theo quy định. Đối với những doanh nghiệp có ít đảng viên chưa đủ để thành lập chi bộ theo quy định, thì có thể tổ chức một chi bộ nòng cốt trực thuộc cấp ủy cấp huyện là nơi sinh hoạt của các đảng viên, sau đó tiếp tục phát triển đảng viên mới cho tới khi đủ số lượng để thành lập chi bộ tại doanh nghiệp nơi đảng viên đang làm việc. Đối với những doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp, giao cho Ban quản lý khu công nghiệp phối hợp với tổ chức đảng trên địa bàn phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ quần chúng trong doanh nghiệp để làm tốt công tác kết nạp đảng viên mới, tiến tới thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Đặc biệt quan tâm đến việc phát triển tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đi trước một bước. Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt trong các đơn vị kinh tế tư nhân theo hướng gọn, chất lượng, đi vào trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền để chủ doanh nghiệp thấy được việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể không cản trở, mà cùng với họ thúc đẩy sản xuất, hướng tới sự phát triển của doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức công đoàn đồng bộ, thống nhất với tổ chức đảng để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của tổ chức đảng đối với các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp theo Nghị định số 98/2014/NĐ-CP của Chính phủ, “Quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế” trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở các đoàn thể hoạt động hiệu quả sẽ tạo phong trào, thu hút, giáo dục, bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đảng và thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân.

Ba là, tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các đảng bộ, chi bộ đã có trong doanh nghiệp tư nhân. Trước hết khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém. Cần đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ theo hướng thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng đội ngũ cấp ủy, cán bộ phụ trách công tác đảng, đoàn thể và đảng viên trong doanh nghiệp. Khắc phục cho được tình trạng bí thư cấp ủy trong doanh nghiệp là công nhân thường nên không có tiếng nói, vai trò cao trong doanh nghiệp dẫn đến hoạt động của tổ chức đảng chất lượng thấp. Mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ trên. Hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời (thậm chí cử cán bộ xuống hướng dẫn theo cách cầm tay chỉ việc) có hiệu quả đối với các tổ chức đảng mới thành lập gặp khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ.

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy trong việc kết nạp chủ doanh nghiệp vào Đảng. Khắc phục tình trạng nhiều doanh nghiệp có tổ chức đảng, song thực chất chỉ gồm phần lớn đảng viên là các đồng chí bảo vệ, hay đảng viên đã nghỉ hưu nay làm thêm tại doanh nghiệp. Vì vậy dẫn đến tổ chức cơ sở đảng không thể hiện được vai trò của mình. Cần đẩy mạnh việc tuyên truyền đối với chủ doanh nghiệp về việc kết nạp chủ doanh nghiệp vào Đảng và thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngay từ khâu lập hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp. Đối tượng tập trung tuyên truyền để phấn đấu vào Đảng không chỉ chủ doanh nghiệp mà còn là những thành viên Hội đồng quản trị, Ban giám đốc của doanh nghiệp.

Năm là, tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt về thời gian khi mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho quần chúng đang làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp có địa bàn hoạt động rộng trong cả nước, theo hướng doanh nghiệp gắn với cấp huyện, thị xã, thành phố nơi có trụ sở hay công trình đơn vị đang thi công gửi quần chúng học lớp kết nạp đảng hay lớp đảng viên mới khi Trung tâm chính trị cấp huyện tại nơi đó mở lớp. Đồng thời nghiên cứu hình thức học phù hợp đối với những đảng viên dự bị phải có giấy chứng nhận đã học qua lớp đảng viên mới khi đến hạn chuyển đảng chính thức. Nghiên cứu hình thức mở lớp (có thể mở vào thứ bảy, chủ nhật cộng với tự nghiên cứu để kiểm tra) phù hợp đối với những đảng viên làm trong doanh nghiệp có vốn đầu trư nước ngoài.

Sáu là, đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo phát triển tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các đơn vị kinh tế tư nhân của tỉnh. Các đồng chí bí thư huyện ủy, thành ủy, thị ủy trực thuộc Tỉnh ủy chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức kiện toàn ban chỉ đạo và xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các đơn vị kinh tế tư nhân ở cấp mình. Các đồng chí trưởng đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh chịu trách nhiệm chủ trì chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển tổ chức của đoàn thể mình ở các đơn vị kinh tế tư nhân. Trước mắt, tập trung thực hiện tốt Thông báo số 01-TB/BCD của Ban chỉ đạo xây dựng đảng và đoàn thể chính trị - xã hội trong các đơn vị kinh tế tư nhân theo tinh thần “ 5 rõ” trong triển khai thực hiện. Nghiên cứu bổ sung ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên tạo động lực để chủ doanh nghiệp tư nhân quan tâm, hỗ trợ và có trách nhiệm trong việc thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân; cụ thể như: (1) Hướng dẫn về nội dung, phương pháp và chế độ sinh hoạt đảng đối với tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân; (2) Quy định về chế độ thông tin, định kỳ tiếp xúc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện với doanh nghiệp tư nhân có tổ chức đảng trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; (3) Quy định về chế độ chi hoạt động công tác đảng cho tổ chức đảng và chế độ phụ cấp cho bí thư chi bộ, đảng bộ trong các đơn vị kinh tế tư nhân;... Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp trong việc tổ chức thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh uỷ, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội và các sở, ngành có liên quan (Ban quản lý các khu công nghiệp, Sở kế hoạch – Đầu tư tỉnh, Cục thuế tỉnh…) với các huyện uỷ, thành uỷ, thị uỷ trong công tác tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội và kết nạp đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Hải Dương./.

Lê Văn Bằng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN