Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hai đứa trẻ chờ hồi kết có hậu...

Thứ Hai, 16/07/2018 16:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Một kết thúc có hậu đang đến với hai cháu và hai gia đình. Có thể hình dung rằng, tới đây, mỗi cháu có hai gia đình, đều có bố mẹ đẻ và bố mẹ nuôi yêu thương các cháu.

Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, nơi xảy ra sự cố trao nhầm hai trẻ sơ sinh. (Ảnh:TTXVN)

Chuyện trao nhầm nhầm hai trẻ sơ sinh xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) cách đây 6 năm đang làm “nóng” dư luận xã hội. Do sơ suất của hộ lý, hai đứa trẻ được sinh cách nhau ít phút vào sáng ngày 1/11/2012 đã bị trao nhầm cho hai sản phụ. Giờ đây sự thật đã sáng tỏ, hai gia đình đang từng bước sát lại bên nhau để hai đứa trẻ quen dần với sự thay đổi hệ trọng và cũng là để chính cha mẹ quen dần với con ruột của mình, trong khi không thể không quan tâm đến đứa con họ đã nuôi nấng với tất cả tình yêu thương suốt 6 năm qua.

Làm sao để hai trẻ ít bị tổn thương nhất là điều mọi người quan tâm hồi hộp chờ đợi. Điều đáng mừng là cha mẹ hai bên đều thiện chí và đồng cảm, chia sẻ với nhau một cách chân tình và thấu hiểu. Nếu không có được sự đồng cảm đó, có lẽ sự việc sẽ phức tạp hơn nhiều.

Hai đứa trẻ bị trao nhầm, nhưng tình cảm yêu thương, chăm bẵm, bú mớm suốt 6 năm qua của hai bên dành cho hai đứa trẻ thì không nhầm. Tình cảm của hai đứa trẻ dành cho cha mẹ cũng không nhầm. Đó là những tình cảm yêu thương giữa cha mẹ và con cái vô cùng máu thịt, gắn bó tha thiết với nhau.

Một kết thúc có hậu đang đến với hai cháu và hai gia đình. Có thể hình dung rằng, tới đây, mỗi cháu có hai gia đình, đều có bố mẹ đẻ và bố mẹ nuôi yêu thương các cháu.

Nói về sự cố ở Bệnh viện Đa khoa Ba Vì hẳn nhiều người đều nhớ một số vụ nhầm con đã được phát hiện và đổi lại, xảy ra ở Thanh Hóa, Bình Phước những năm gần đây. Xa hơn, nhiều người cũng nhớ đến vụ nhầm con ở Hà Nội năm 1974. Vụ nhầm con này rất phức tạp, và phải hơn 40 năm sau, tức là khi người con đã ở tuổi ngoài 40 mới tìm được cha mẹ ruột…

Mỗi nhà mỗi hoàn cảnh, mỗi vụ nhầm con để lại dư chấn tinh thần, tình cảm ở mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung không ai không cảm thấy đó là sự sai sót đáng trách nhất, gây hậu quả đau lòng nhất cho những người làm cha, làm mẹ và chính đứa trẻ bị trao nhầm.

Trong sự cố ở Bệnh viện Đa khoa Ba Vì, một người mẹ bị trao nhầm con đã tan vỡ hôn nhân vì người chồng nghi kỵ sự đoan chính của vợ khi con không giống bố; trong khi đó, con ruột của chị thì nghe người lớn xì xào đã sống trong lo sợ. Và không một người bố, người mẹ nào khi phát hiện đứa con họ đang nuôi không phải con đẻ mà không sốc... Câu hỏi đặt ra: Vậy thì con ruột của họ đang ở đâu? Có được nuôi dưỡng tử tế hay không? Bao giờ tìm lại được?...

Từ thực tế vụ việc trao nhầm con hết sức tắc trách như vậy, ngành Y tế cần nhìn nhận vấn đề một cách thật nghiêm túc và khoa học để có một quy trình chuẩn chung toàn quốc về hộ sinh, về quá trình chăm sóc tại bệnh viện và trao trẻ sơ sinh cho các bà mẹ. Rõ ràng, cách viết mã số vào chân tay của con và mẹ chưa chắc đã an toàn tuyệt đối, có thể nhầm nếu bị mờ mã số khi nhân viên y tế tắm cho trẻ sơ sinh; cách đeo số vào chân tay cũng có thể nhầm vì lý do nào đó mà mã số của một trong hai bé bị rơi và đeo lại không chính xác...

Năm 1974 mọi thứ còn khó khăn thì sai sót còn có thể hiểu được, còn ngày nay mọi phương tiện, công nghệ đều sẵn có. Nếu để xảy ra những vụ trao nhầm trẻ sơ sinh thì trách nhiệm của người thầy thuốc và ngành Y tế là không nhỏ.

Sự thông cảm của  các gia đình nạn nhân cùng với hồi kết có hậu với những vụ trao nhầm trẻ sơ sinh không thể biện minh cho sai lầm gây ra những thay đổi ngoài ý muốn của những số phận con người./.

Lại Hợp Đông

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN