Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Tĩnh thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm đạt gần 9.500 tỷ đồng

Thứ Tư, 10/07/2024 15:24 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Trong 6 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh Hà Tĩnh đạt 9.495 tỷ đồng, đạt 61% dự toán Trung ương giao và đạt 54% dự toán tỉnh giao, tăng 8% so cùng kỳ năm trước. Theo đó, trong 6 tháng cuối năm, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tập trung thực hiện nhiệm vụ để đạt kết quả cao nhất, phấn đấu hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra.

Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh: Ngọc Loan) 

Ngày 10/7, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức cuộc họp báo cáo tình hình tài chính - ngân sách - quản lý tài sản công và giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024; triển khai nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2024. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh, 6 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách Nhà nước đạt 9.495 tỷ đồng, bằng 61% dự toán Trung ương giao, 54% dự toán tỉnh giao, tăng 8% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt 4.849 tỷ đồng, bằng 80% dự toán Trung ương giao và bằng 60% dự toán tỉnh giao, tăng 8% so cùng kỳ năm trước; thu xuất nhập khẩu đạt 4.642 tỷ đồng, bằng 49% dự toán Trung ương và tỉnh giao, tăng 8% so cùng kỳ năm trước.

Chi ngân sách cơ bản đáp ứng được các nhiệm vụ đã bố trí trong dự toán và các nhiệm vụ đột xuất quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. 6 tháng đầu năm 2024, chi ngân sách địa phương đạt 9.941 tỷ đồng, bằng 49% dự toán HĐND tỉnh Hà Tĩnh giao, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh, đến ngày 30/6/2024, tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên toàn tỉnh đạt hơn 2.378 tỷ đồng, bằng 43,5% kế hoạch Thủ tướng và HĐND tỉnh giao và bằng 43,2% kế hoạch vốn đã phân bổ, cao hơn tỷ lệ giải ngân chung cả nước (cả nước ước đạt 27% kế hoạch vốn giao), cao hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước 33,6% kế hoạch vốn giao).

Về quản lý, xử lý tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn, 6 tháng đầu năm, Sở Tài chính đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định mua sắm tổng tài sản giá trị 23,6 tỷ đồng. Sở Tài chính cũng tham mưu UBND tỉnh tiếp nhận 9 cơ sở nhà đất của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn chuyển giao về cho tỉnh, giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp nhận để quản lý, xử lý.

Báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý tài chính, ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm như: Có những khoản thu lớn trong dự toán nhưng tỷ lệ thu còn thấp; dự toán chi một số nhiệm vụ gắn với các mục tiêu của tỉnh chưa được phân bổ chi tiết ngay những tháng đầu năm; khó khăn trong cân đối nguồn vốn cho các nhiệm vụ chi đầu tư; tiến độ giải ngân một số nguồn vốn còn thấp.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương, đơn vị đã báo cáo tình hình thu, chi ngân sách quản lý tài sản công, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại đơn vị, địa phương; trong đó, tập trung làm rõ các vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải ghi nhận những kết quả đạt được và sự nỗ lực của ngành Tài chính, các đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý tài chính, thu chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Ngọc Loan) 

Nhấn mạnh thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, tăng trưởng GRDP là các nhiệm vụ hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ để đạt kết quả cao nhất, phấn đấu hoàn thành và vượt kế hoạch. Theo đó, cần tập trung rà soát nguồn thu, làm rõ các sắc thuế đạt thấp và có giải pháp chỉ đạo; tăng cường thu hồi nợ thuế; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra; chống thất thu.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu ngành Tài chính, các đơn vị, địa phương tham mưu điều hành chi ngân sách đảm bảo dự toán giao đầu năm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, chấp hành dự toán ngân sách theo quy định của pháp luật. Tiếp tục triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; kịp thời phân bổ chi tiết các khoản chi chưa được phân bổ.

Tập trung rà soát, tham mưu ban hành các văn bản quản lý giá, thẩm định giá tại địa phương. Tăng cường quản lý tài sản công; tập trung xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư, nhất là tại các xã, huyện thực hiện sắp xếp, các cơ sở nhà, đất của Trung ương đã chuyển giao về địa phương…

Khánh Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN