Hà Tĩnh: Hơn 4.300 học sinh phải nghỉ học do mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất
(ĐCSVN) - Sau đợt mưa lớn vào các ngày 25 - 26/9 nhiều tuyến đường ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh) đã bị sạt lở, ngập úng cục bộ, gây khó khăn trong lưu thông. Sáng nay (26/9), hơn 4.300 học sinh huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) đã phải nghỉ học do mưa lớn gây ngập cục bộ một số tuyến đường.
Một số tuyến đường liên xã trên địa bàn Hương Khê bị ngập cục bộ sau 2 ngày mưa tầm tã. |
Anh Hà Huy Hoàng - Hạt phó Hạt Giao thông 5 (Công ty CP 456, đóng tại TP Vinh, Nghệ An) cho biết: Sáng nay (26/9), tại KM 82+950 trên QL 8A đã bắt đầu có sạt lở đất gây ách tắc giao thông trên tuyến. Hiện, các lực lượng chức năng đang khẩn trương huy động máy móc để dời dọn khối lượng đất đá đổ xuống quốc lộ.
Đồng chí Phan Quốc Thanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Hương Khê thông tin, mưa lớn 2 ngày qua đã khiến một số tuyến đường trên địa bàn huyện bị ngập cục bộ, hơn 4.300 học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở phải nghỉ học. Các trường có học sinh nghỉ học thuộc xã Hương Đô, Hương Lâm, Hương Trạch, Lộc Yên... “Tùy vào tình hình thực tế, các trường chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Đồng thời, tổ chức dạy bù đảm bảo chương trình học theo quy định của Bộ GĐ-ĐT. Trong thời gian này, giáo viên sẽ giữ liên lạc, phối hợp với phụ huynh quản lí học sinh nhằm đảm bảo an toàn cho các em trong mùa mưa lũ”- đồng chí Thanh cho biết thêm.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hương Khê, tổng lượng mưa đo được tại Trạm Khí tượng thị trấn Hương Khê từ 23h ngày 24/9 đến 6h ngày 26/9 là 215mm. Một số cầu tràn qua sông Ngàn Sâu thuộc các xã Hương Trạch, Hương Đô và một số tuyến đường dân sinh đã bị ngập cục bộ. Ngoài ra, mưa lớn cũng khiến tuyến đường giao thông qua bản Rào Tre, xã Hương Liên bị sạt lở.
Tuyến đường giao thông qua bản Rào Tre, Hương Khê bị sạt lở. |
UBND huyện Hương Khê đã có công điện về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lớn trên địa bàn. Theo đó, yêu cầu các địa phương chuẩn bị và triển khai phương án đề phòng mưa lớn xảy ra lũ quét trên các sông, suối, ngập úng và sạt lở đất; kiên quyết sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất (đặc biệt là các vùng sạt lở bờ sống tại các xã Lộc Yên, Hương Xuân, Hương Trạch, Gia Phố...; các vùng trồng keo, độ dốc lớn có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các xã Hương Đô, Phúc Trạch, Hương Lâm, Hòa Hải...); các lán trại có công nhân thi công công trình ven sườn núi, vùng ven sông, suối…Huyện cũng đã đề nghị Nhà máy thủy điện Hố Hô, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Theo dự báo trong 02 ngày tới, trên địa bàn Hà tĩnh, lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội. Người dân hạn chế lưu thông qua các ngầm, cầu tràn, cầu dân sinh, nơi đất dốc, ta luy dương tại các địa phương đã cảnh báo ở trên.
Đất đá sạt lở tại KM 82+950 QL 8A. |
Trước tình hình nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải vừa ký ban hành công điện gửi các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn về việc tập trung ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan chủ động thông tin kịp thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân trong các hoạt động, nhất là việc đi lại khi có mưa, lũ, bố trí lực lượng kiểm soát, đặt các biển cấm, biển cảnh báo, hướng dẫn giao thông đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên bị ngập sâu, chảy xiết. Tổ chức kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các hoạt động trên biển và nuôi trồng thủy, hải sản và đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các chòi canh, lồng bè; Tiếp tục chỉ đạo, triển khai các biện pháp gia cố bảo vệ đê điều, hồ đập nhất là các hồ đập có nguy cơ mất an toàn cao, bố trí lực lượng canh gác, có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để đảm bảo an toàn khi có tình huống; rà soát bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng cứu khi xảy ra sự cố. Hướng dẫn người dân triển khai phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cây ăn quả có múi, diện tích nuôi trồng thủy hải sản đã đến kỳ thu hoạch, nhất là khu vực có nguy cơ bị ngập sâu; chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống ngập úng, bảo vệ sản xuất. Bố trí lực lượng, phương tiện tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai./.