Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Nội: Tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo bao giờ được giải quyết dứt điểm?

Thứ Bảy, 11/06/2016 21:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Cứ mỗi một tuyến đường mới được mở ra, lại xuất hiện thêm những căn nhà siêu mỏng, siêu méo, với nhiều hình thù kỳ lạ. Đây đang là một “hệ lụy” diễn ra với cấp độ ngày càng tăng tại thành phố Hà Nội trong thời gian gần đây.



Căn nhà tại đường Võ Chí Công, bề ngang của nhà chỉ vẻn vẹn 20cm,
 nếu nhìn không kỹ người ta còn cho rằng đây là một bức tường.

Dự án đường Vành đai 2 Hà Nội, đoạn từ Bưởi – Võ Chí Công kéo dài tới cầu Nhật Tân dài khoảng hơn 6km với tổng mức vốn đầu tư là 304 triệu USD. Công trình khởi công vào tháng 3/2012 và được đưa vào sử dụng từ tháng 1/2016, đây được xem là tuyến đường hiện đại bậc nhất thủ đô vào thời điểm hiện nay. Hân hoan với sự hiện đại, tiện nghi của tuyến đường mới mở, tuy nhiên, nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi sự “đặc biệt” của một số công trình nhà ở nằm trên tuyến đường này. Sự đặc biệt này nằm ở hình thù siêu mỏng, siêu méo của một số căn nhà mặt phố tại đây. Có những căn nhà mới thoạt nhìn người ta còn tưởng đó chỉ là một bức tường, bởi bề ngang của căn nhà chỉ khoảng 20cm

Trên thực tế, những căn nhà siêu mỏng, siêu nhỏ với nhiều hình thù kỳ lạ như trên đoạn đường Võ Chí Công không phải là ngoại lệ. Với tốc độ phát triển nhanh của thành phố Hà Nội trong những năm gần đây, có thể thấy thành phố liên tục có thêm những tuyến đường mới mở, những tuyến phố xuyên tâm ở nhiều nơi. Một điều đáng chú ý, cùng với việc giúp cho hệ thống giao thông đô thị ngày một hiện đại, thuận lợi hơn, lại là một hệ lụy đáng lưu tâm từ việc mọc lên ngày càng nhiều những căn nhà có hình thù kỳ lạ tại những tuyến đường mới mở này.

Căn nhà trên phố Lê Trực có mặt tiền nhà khá dài, tuy vậy chiều sâu của nhà lại chưa đến 1m.

Có thể nhắc đến hàng loạt các tuyến đường, tuyến phố mới mở như Lê Trực – Kim Mã, đường Nguyễn Văn Huyên, đường Trường Chinh, đường Xã Đàn, Hoàng Cầu, khu vực đường gom chân cầu Vĩnh Tuy và nhiều nơi khác trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn tồn tại những căn nhà có diện tích rất nhỏ, với các cạnh của khổ đất quá bé còn sót lại sau khi giải phóng mặt bằng để làm đường. Tuy nhiên, cũng vì nằm tại những vị trí đắc địa (mặt đường) nên gia chủ của những mảnh đất này vẫn cố gắng xây dựng, cải tạo cho mảnh đất của mình có dáng dấp một “căn nhà” để sử dụng hoặc cho thuê. Cũng vì cái lẽ đó, mà hàng loạt căn nhà có hình thù kỳ dị thi nhau mọc lên sau mỗi tuyến đường mới mở.

Sự tồn tại, hình thành của những căn nhà này hiện nay đang tạo ra một hình ảnh xấu xí, kì quặc trên những tuyến phố mới mở, ảnh hưởng tới cảnh quan, mỹ quan tại những tuyến phố văn minh, hiện đại của thành phố Hà Nội. 

Một căn nhà siêu mỏng khác ở đầu đường Láng. 

Ngày 6/5/2011, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND, nội dung đề cập tới việc “Xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc theo các tuyến đường giao thông và nguyên tắc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao mới trên địa bàn TP Hà Nội”. Cụ thể, Quyết định đề cập tới việc xử lý các trường hợp đất dọc theo các tuyến đường giao thông có diện tích nhỏ hơn 15m2, có kích thước mặt tiền, có chiều sâu nhỏ hơn 3m2. Biện pháp xử lý nêu rõ do các UBND quận, huyện, thị xã lựa chọn áp dụng phương án xử lý bao gồm các hình thức sau: Cho phép chủ sở hữu đất thực hiện hợp thửa, hợp khối nhà đảm bảo với quy định về mặt bằng xây dựng; Tổ chức thu hồi đất để thực hiện theo quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; Cho phép chủ sử dụng đất tổ chức khai thác, sử dụng thửa đất đúng mục đích và quy hoạch đã được phê duyệt.

Quyết định đã có, vấn đề là Hà Nội triển khai quyết định trên như thế nào? Và, câu hỏi được bạn đọc nêu ra là: Tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo ở Thủ đô bao giờ được giải quyết dứt điểm?

Bài & ảnh: Vũ Hoàng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN