Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Nội thực hiện chuyển đổi số trên tinh thần tạo thuận lợi cho người dân

Thứ Sáu, 16/09/2022 17:07 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, với tư cách là địa phương được Chính phủ chọn làm điểm, làm mẫu trong việc thực hiện Đề án trên cả nước, Hà Nội cần làm rất thận trọng, trên tinh thần là giảm thời gian, giảm chi phí, bớt đi lại cho người dân; đồng thời cán bộ, viên chức có thời gian, có điều kiện xuống với người dân nhiều hơn.

Quang cảnh buổi làm việc. 

Ngày 16/9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số dẫn đầu Đoàn công tác làm việc với thành phố (TP) Hà Nội về tình hình triển khai thực hiện “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tiếp Đoàn công tác. Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn.

Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, UBND TP đã ban hành Kế hoạch, kèm theo đó là danh mục 25 dịch vụ công thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư; thành lập Ban Chỉ đạo 06 thành phố để trực tiếp chỉ đạo triển khai trên toàn thành phố; phân công, phân cấp và xác định thời gian, lộ trình, trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị.

Đến nay, 100% UBND cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo 06 và Tổ công tác 06. Toàn thành phố có 5.859 ban chỉ đạo, Tổ công tác thực hiện Đề án 06 để chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cụ thể tại cấp cơ sở.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, sau 9 tháng triển khai Đề án 06, Toàn thành phố có 5.859 Ban Chỉ đạo (BCĐ), tổ công tác thực hiện Đề án 06 gồm: 1 BCĐ 06 Thành phố;  30 BCĐ 06 cấp huyện, 579 BCĐ 06 cấp xã và 5.247 tổ công tác 06 tại thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố.

Ban Chỉ đạo 06 thành phố đã ban hành trên 60 văn bản chỉ đạo, tổ chức họp định kỳ hằng tháng để đánh giá kiểm điểm tình hình, tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ; thường xuyên có các văn bản gửi các bộ, ngành kiến nghị các nội dung, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Về kết quả hợp nhất Cổng Dịch vụ công thành phố và Hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung ba cấp của thành phố, hiện nay thành phố đang triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính theo đúng hướng dẫn và bảo đảm theo quy định tại Điều 25 Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung) và đã thực hiện kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và các Hệ thống chuyên ngành theo đúng quy chuẩn kỹ thuật hiện nay.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thử nghiệm thành phố đã được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được đánh giá đủ điều kiện an toàn bảo mật về phương án kết nối, an ninh phần cứng, máy chủ phục vụ kết nối, chính sách tường lửa và API kết nối…

Về kết quả thực hiện các dịch vụ công thiết yếu, đến nay, công dân trên địa bàn Thủ đô đã có thể sử dụng 21/25 dịch vụ công thiết yếu tích hợp trên các Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố và Cổng dịch vụ công các bộ, ngành.

Trong đó, thành phố đã tái cấu trúc quy trình điện tử, hoàn thành tích hợp 3 dịch vụ công (gồm: Đăng ký khai sinh; đăng ký kết hôn; đăng ký khai tử) và thực hiện khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính cho công dân trên địa bàn thành phố. Đối với 18/21 dịch vụ công còn lại, các sở, ngành thành phố đã thực hiện theo hướng dẫn của bộ, ngành chủ quản và triển khai tiếp nhận và giải quyết…

Tính đến nay, trên toàn thành phố đã tiếp nhận và giải quyết hơn 3,4 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử; đối với căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, thu nhận được hơn 6 triệu dữ liệu. Đã rà soát, làm sạch 3 cấp đối với gần 8 triệu thông tin công dân (đạt tỉ lệ 99,5%), thực hiện “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID-19 cho 700.000 trường hợp.

Về một số khó khăn, vướng mắc, đại diện UBND TP Hà Nội cho biết việc kết nối với các cơ sở dữ liệu/hệ thống dữ liệu của một số bộ, ngành còn vướng mắc, chưa thông suốt. Nhân lực, trang thiết bị phục vụ Đề án 06 còn chậm, chưa kịp thời so với tình hình thực tế, trình độ công nghệ thông tin của cán bộ phụ trách.

Lộ trình thực hiện số hóa tại bộ phận một cửa cấp sở đang bị chậm do chưa có tính năng số hóa của Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Thành phố và hướng dẫn chi tiết về quy định đối với lưu trữ hồ sơ điện tử.

Việc xây dựng và chia sẻ các cơ sở dữ liệu như: Chứng sinh điện tử/báo tử điện tử/khám sức khỏe điện tử/bảo hiểm xã hội/người có công/trẻ em… còn hạn chế và chưa được chú trọng triển khai để tận dụng và hỗ trợ việc giải quyết các dịch vụ công trực tuyến theo đúng lộ trình.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nêu một số đề xuất của UBND TP Hà Nội. Trong đó, đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện việc sửa đổi, bổ sung các quy định đối với các thủ tục hành chính có thành phần hồ sơ phải nộp hoặc xuất trình là Sổ hộ khẩu và Sổ tạm trú giấy để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong việc thực hiện quy định của Luật Cư trú (thời điểm 31/12/2022, sổ hộ khẩu và sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng).

Kiến nghị Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành cần sớm ban hành và hướng dẫn các đơn vị trong việc triển khai thực hiện việc chuẩn hóa danh mục tài liệu và mã số của giấy tờ số hóa để chia sẻ giữa Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và các hệ thống thông tin khác. Kiến nghị Bộ Nội vụ sớm ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về việc thực hiện lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước…

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện Bộ Công an, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ)… đã trực tiếp trao đổi, giải đáp nhiều vấn đề, hướng tới việc phối hợp, hỗ trợ, đẩy nhanh việc tháo gỡ các vướng mắc, nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, TP Hà Nội đã có tinh thần triển khai nghiêm túc, tuy nhiên, thời gian không còn nhiều, nguy cơ bị chậm tiến độ rất hiện hữu, nên TP Hà Nội cần thường xuyên chủ động trao đổi với cơ quan cấp trên, với Bộ Công an, đồng thời rà lại các bước đi và những vướng mắc để xuống cơ sở tháo gỡ. “Các nhóm vấn đề vướng mắc liên quan đến Bộ Công an sẽ được giải đáp đầy đủ, hướng dẫn chi tiết”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cam kết và cho rằng “cần lựa chọn, đẩy nhanh triển khai trước hết những dịch vụ thiết yếu với người dân”; việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin phải được đặt lên cao độ, nghiêm ngặt nhất, không được chủ quan.

Phát biểu tiếp thu, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ cũng như những ý kiến góp ý của Đoàn công tác. Đồng thời, khẳng định Hà Nội đã quyết tâm và sẽ tiếp tục quyết tâm cao hơn nữa để triển khai hiệu quả Đề 06. Chủ tịch UBND TP cũng giao cụ thể một số nội dung cho các cơ quan liên quan sớm tìm hiểu, tháo gỡ vướng mắc đối với một số nhiệm vụ liên quan đến thủ tục hành chính về khai sinh, khai tử, lý lịch tư pháp, giấy phép lái xe…

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu kết luận buổi làm việc. 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận TP Hà Nội đã tích cực triển khai thực hiện Đề án 06. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, điều quan trọng khi thực hiện Đề án 06 là thay đổi toàn bộ quy trình, thủ tục, thói quen của lãnh đạo các cấp, tư duy người đứng đầu, “đòi hỏi phải gương mẫu từ trên xuống, từ trong ra”.

Khẳng định Đề án 06 nếu thành công sẽ mang lại hiệu quả rất lớn, Phó Thủ tướng nêu rõ, Hà Nội với tư cách là địa phương được Chính phủ chọn làm điểm, làm mẫu trong việc thực hiện Đề án trên cả nước, cần làm rất thận trọng, trên tinh thần là giảm thời gian, giảm chi phí, bớt đi lại cho người dân. Điều này đòi hỏi chúng ta phải rất quyết tâm, trước hết vượt qua tư duy cục bộ của các bộ, ngành, những vướng mắc về pháp luật, quán triệt nguyên tắc dùng chung cơ sở dữ liệu”

Phó Thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội cần tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết khó khăn về hạ tầng kỹ thuật, tính liên thông, kết nối bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân, để người dân “giảm thời gian, chi phí, bớt đi lại” khi thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công; đồng thời cán bộ, viên chức có thời gian, có điều kiện xuống với người dân nhiều hơn.

Trước đó, Đoàn công tác đã kiểm tra thực tế việc triển khai Đề án 06 tại phường Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm)./.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN