Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Nội thành "Hà Lội", tại trời?

Thứ Năm, 26/05/2016 11:16 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Sau trận ngập lụt lịch sử năm 2008, Hà Nội có thêm nhiều bài học, nhiều giải pháp chống ngập, trong đó có việc quyết tâm thực hiện nhanh Dự án thoát nước giai đoạn 2. Nỗ lực, khẩn trương, quyết liệt trong hành động, nhưng cứ mưa lớn là Hà Nội thành "Hà Lội".


Hà Nội phố biến thành sông, nhiều người phải qua đường bằng máy xúc. (Ảnh: vietnamnet.vn) 

Trận mưa tối 24 kéo dài đến sáng 25/5 đã biến Hà Nội thành "Hà Lội", gần giống với trận ngập lụt lịch sử năm 2008.

Mưa lớn làm nhiều tuyến đường, nhiều khu phố, khu dân cư... thành sông. Nhìn cảnh máy xúc chở người qua đường, ôtô nổi giữa phố, hàng trăm người chôn chân ở những con đường ngập nước, mới thấy người dân mệt mỏi và bức xúc thế nào.

Vẫn là hình ảnh quen thuộc, vẫn là giải pháp tình thế, cứ ngập lụt, các lực lượng chức năng của Hà Nội lại “căng mình” chống ngập, điều tiết giao thông.

Đành rằng mưa lớn do trời, nhưng chả nhẽ không biết cách trị thủy nên đành chấp nhận sống chung với ngập lụt? Không, Hà Nội đã có nhiều bài học, nhiều giải pháp trị thủy với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.

Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn I đã hoàn thành, năm 2006 Hà Nội phê duyệt Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II, với tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ tháng 12/2006 đến tháng 10/2010.

Đầu tư 6.000 tỷ đồng, những tưởng Hà Nội sẽ đoạn tuyệt hoặc giảm thiểu tối đa cảnh phố biến thành sông sau mỗi trận mưa lớn. Nhưng trời thì vẫn cứ mưa theo quy luật hoặc bất thường, còn dự án 6.000 tỷ đồng cứ như “rùa bò”, vừa thực hiện vừa điều chỉnh. Dự án chậm tiến độ gần 6 năm, tổng mức đầu tư tăng thêm 2.000 tỷ đồng, cam kết sẽ hoàn công vào tháng 6/2016.

Còn một tháng nữa là Dự án 8.000 tỷ đồng hoàn công, nhưng từ trận mừa vừa diễn ra, khó có sự đảm bảo chắc chắn Hà Nội không còn là "Hà Lội".

Dự án 8.000 tỷ đồng thực hiện 10 năm mới xong, trong khi đó không ít quy hoạch gắn với thoát nước đã thay đổi, như quy hoạch đô thị, giao thông.

10 năm qua, nhất là sau khi Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính, nhiều khu đô thị, khu dân cư mới được hình thành. Thêm nhiều khu đô thị, khu dân cư, đồng nghĩa với việc tăng dân số, sức ép phải đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật. Với thách thức đó, khó có đảm bảo chắc chắn rằng, hệ thống đường ống thoát  nước ở Dự án thoát nước giai đoạn I và II đủ độ lớn để thoát nước nhanh cho đô thị Hà Nội đang có dấu hiệu phát triển “nóng”!

Quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông đi trước hay dự án thoát nước đi trước? Đó là câu hỏi lớn, nhất là khi Hà Nội có nhiều loại quy hoạch, nhiều đơn vị lập quy hoạch. Nếu quy hoạch thoát nước, quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông đứng độc lập không gắn kết với nhau, không thực hiện cùng một lúc, thì việc tắc đường, ngập lụt... vẫn là chuyện xưa cũ.

Mưa do trời, nhưng chống được ngập lụt phần nhiều phụ thuộc vào con người. Hà Nội sẽ đẹp hơn, đáng sống hơn, nếu trị được ngập lụt, tắc đường và giải quyết được những vấn đề dân sinh bức xúc!.

Đăng Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN