Hà Nội phố cũng như sông!
(ĐCSVN) – Câu hát được chuyển thể từ lời bài hát “Hà nội mùa này vắng những cơn mưa” đã, đang được người dân thủ đô ngao ngán lại hát lên từ trận mưa lớn vừa qua. Đến bao giờ Hà Nội mới hết cảnh phố biến thành sông?
Sau cơn mưa lớn vào đêm 24/5, đến sáng 25/5, đường phố thủ đô Hà Nội bỗng dưng thành sông, với khoảng 50 điểm ngập úng. Lượng mưa đo được từ 7 giờ sáng ngày 24/5 đến 7 giờ sáng ngày 25/5 ở Hà Đông là 373,8mm, Cầu Diễn 206,7mm, Đại Mỗ 287,4mm, Láng 221,5mm, Sơn Tây 75,7mm…
Sau cơn mưa lớn đêm hôm trước, sáng 25/5, nhiều khu vực ở Hà Nội bị ngập nặng. (Ảnh: Tạ Tôn).
Vào giờ cao điểm sáng, giao thông hỗn loạn, khắp nơi trên địa bàn Hà Nội ngập sâu trong nước. Nhiều người dân khổ sở tìm đường thoát để kịp giờ làm, thương cho các cô gái váy ngắn ngâm đùi trong nước bẩn. Trên các ngõ, phố Hà Nội, các trẻ nhỏ bố mẹ phải vất vả cõng con đi học, thậm chí phải cho nghỉ học. Đặc biệt, tại một số khu đô thị lớn, từng được quảng cáo tiêu chuẩn cao như Văn Phú (quận Hà Đông); Resco (Cổ Nhuế), Thăng Long Victory thì bốn bề là biển nước, không thể đi lại, người dân phải trèo lên máy xúc, chèo thuyền mới đến được nơi làm việc… Nhìn cảnh tượng này mà nhiều người dân ngao ngán, cười ra nước mắt. Chả thế mà điệp khúc “Hà Nội mùa này phố cũng như sông” cứ vang lên nhức nhối trên các tuyến phố, đi sâu vào tâm khảm người dân thủ đô.
Lý giải cho tình trạng ngập úng trên, lãnh đạo công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho rằng trận mưa tối 24/5 đã vượt quá công suất của hệ thống thoát nước. Riêng đối với tình trạng ngập úng tại các khu đô thị, vị đại diện này cho hay, trách nhiệm thoát nước trong các khu đô thị thuộc về chủ đầu tư chứ không phải các đơn vị chuyên trách.
Dự án Thoát nước giai đoạn II thành phố Hà Nội dự kiến kinh phí hơn 6.000 tỷ đồng, đóng vai trò quan trọng giải quyết úng ngập cho địa bàn Hà Nội đang giai đoạn về đích. Được biết, đây là dự án trọng điểm, vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, được khởi động từ năm 2006 và dự kiến hoàn thành năm 2014; sau đó lùi sang năm 2015 nhưng đến nay, theo nhiều báo chí phản ảnh, tổng giá trị của dự án lên tới hơn 8.000 tỷ đồng mà vẫn chưa thể cán đích.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã phải ban hành Công văn số 2356/UBND-TH chỉ đạo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội kiểm tra thông tin báo chí nêu; báo cáo tiến độ, quá trình triển khai toàn bộ hạng mục xây dựng, xem xét trách nhiệm của Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội trong việc triển khai các dự án.
Ở đây, khoan đề cập đến việc trách nhiệm thuộc về ai, mà theo khảo sát của cơ quan chức năng, hiện Dự án chỉ có thể đáp ứng thoát nước khi mưa dưới 100mm/2 giờ. Ông Lê Thanh Hải – Phó Tổng giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng quốc gia cũng cho biết, từ nay tới cuối năm, khu vực Hà Nội còn khoảng 4-5 đợt mưa lớn có thể gây ngập lụt cho các vùng trũng. Như vậy, với những trận mưa lớn vượt ngưỡng cho phép trên, thì tình trạng đường phố Hà Nội biến thành sông sẽ còn tái diễn.
Người dân phải trèo lên máy xúc mới đến được nơi làm việc.
Theo các chuyên gia, quy hoạch tổng thể Hà Nội chưa tốt, đang thiếu tầm nhìn, làm theo kiểu "rách đâu vá đấy". Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay thì quy hoạch hệ thống thoát nước không theo kịp, nhiều khu đô thị mới mở ra dẫn đến việc khớp nối thiếu đồng bộ giữa hệ thống thoát nước bên trong và bên ngoài các dự án sẽ tạo ra những khu vực úng ngập cục bộ phát sinh. Mặt khác, vỉa hè, lòng đường đều bị bê tông hóa, các hồ điều hòa bị thu hẹp; tình trạng đào đường liên tục, vứt rác thải xuống cống cũng là nguyên nhân dẫn đến thoát nước chậm, gây ngập lụt…
Đã có nhiều giải pháp được đề ra như vận hành các trạm bơm, các cửa đập đưa nước vào hồ điều hòa; thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy; triển khai lực lượng ứng trực, huy động phương tiện, thiết bị thường xuyên…; tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh lại, đây chỉ là những giải pháp trước mắt, về lâu dài các khu vực ngập úng cần được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước hoàn chỉnh với tầm nhìn quy hoạch cho tương lai.
Với số tiền đầu tư “khủng” cho Dự án Thoát nước giai đoạn II, liệu Hà Nội có thoát khỏi cảnh ngập lụt mỗi khi mưa lớn? Câu trả lời vẫn còn đang treo lơ lửng ở phía trước?!./.