Hà Nội: Nhiều ý kiến băn khoăn về mức độ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh khu vực phố đi bộ
(ĐCSVN) - Việc thí điểm không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận không chỉ mang lại cho khu vực trung tâm Thủ đô diện mạo mới mà còn mang đến cho người dân, du khách một điểm du lịch hấp dẫn, một không gian yên bình. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn về mức độ ảnh hưởng đến khả năng kinh doanh khu vực phố đi bộ.
Một cửa hàng buôn bán túi xách trên phố Lò Sũ đã băn khoăn về mức độ
ảnh hưởng đến khả năng kinh doanh - Ảnh: PC
Có thể nói, rất nhiều người dân, du khách ủng hộ chủ trương thí điểm không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, là điều kiện thuận lợi để khám phá di tích cấp quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm cũng như những giá trị di sản, công trình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô nghìn năm văn hiến… Nhưng sau hơn một tuần triển khai, có những ý kiến của người dân sinh sống, kinh doanh và buôn bán tại các tuyến phố đi bộ như phố Hàng Buồm, Hàng Khay, Tạ Hiện, Đào Duy Từ, Mã Mây, Lò Sũ, Hàng Dầu đều mong muốn chỉ áp dụng phố đi bộ vào buổi tối cuối tuần.
Theo khảo sát của phóng viên đối với phần lớn người dân khi được hỏi đều băn khoăn về mức độ ít nhiều ảnh hưởng đến công việc mưu sinh của họ. Một số người dân cho rằng, ngay tuần đầu triển khai các tuyến phố đi bộ, doanh thu của cửa hàng ở đây có sự sụt giảm so với các ngày nghỉ cuối tuần trước đó.
Chị Trần Kim Dung, chủ cửa hàng kinh doanh rượu bia, bánh kẹo, số 115 Hàng Buồm cho biết, từ khi triển khai các tuyến phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, vào các buổi sáng ngày nghỉ, cửa hàng của chị hầu như không bán được mặt hàng nào, đến chiều muộn mới có một vài người đến hỏi mua. “Tổ chức không gian đi bộ, trong đó có việc cấm xe máy đi vào các tuyến phố nên không thuận tiện để khách hàng có thể mua sắm vì phải đi bộ một quãng đường dài và không có phương tiện chuyên chở hàng hóa”, chị Dung băn khoăn.
Chị Dung cho biết, nhà có 2 cửa hàng, có một cửa hàng trên phố Tông Đản, doanh thu bán hàng không thay đổi nhiều, nhưng ở cửa hàng này thì doanh thu sụt giảm hẳn.
Chị Nguyễn Hồng Điệp, chủ cửa hàng kinh túi xách, trên phố Lò Sũ cũng chia sẻ, thông thường vào các ngày cuối tuần cửa hàng nhà chị đông khách nhưng từ khi thành phố triển khai không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, doanh thu của cửa hàng giảm đi rất nhiều. “Trước kia, vào các ngày cuối tuần, khoảng 9-10h sáng cửa hàng tôi đã có rất đông khách hàng đến xem và mua va li, túi xách nhưng trong mấy ngày vừa rồi, cửa hàng ít khách hẳn. Thực ra, khách đi chơi cũng vào hỏi mua rất nhiều, nhưng do kích cỡ va li, túi xách khá to mà phải đi bộ nên họ ngại mua vì phải mang theo sẽ hơi bất tiện”.
Chị Điệp cho rằng, thành phố nên điều chỉnh không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm tương tự với thời gian tổ chức chợ đêm Hàng Ngang, Hàng Đào vào các buổi tối cuối tuần để thuận lợi cho việc kinh doanh của người dân ở đây. “Tổ chức đi bộ vào 3 buổi tối, còn ban ngày vẫn để cho các phương tiện giao thông đi lại, người dân mới kinh doanh được, như của hàng tôi thì chỉ có khách đi xe máy, ô tô họ mới mua”, chị Điệp nói.
Đánh giá về những bất cập xung quanh việc thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, anh Trần Đức, chủ cửa hàng cà phê Tam Lộc, số 9 Lương Ngọc Quyến cho rằng: “Thực sự để đánh giá mặt được hay chưa được về việc Hà Nội thí điểm không gia đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thì theo tôi thời điểm này chưa thích hợp, bởi mới thực hiện nên chưa biết kết quả thế nào, ít nhất phải để sau 1, 2 tháng nhìn lại sẽ chuẩn xác hơn. Nhưng theo ý kiến của cá nhân tôi thì nên thực hiện vào buổi tổi, bởi ban ngày rất ít người đi dạo ở lòng đường. Nhất là lúc thời tiết nắng nóng, mọi người đều lựa chọn đường ven hồ, dưới tán cây để đi bộ ngắm cảnh Hồ Gươm...”
Nhiều hộ kinh doanh mong muốn chính quyền TP Hà Nội chỉ nên thực hiện không gian đi bộ quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm vào buổi tối cuối tuần - Ảnh: PC
Cùng với ý kiến trên, anh Lê Đức Việt, chủ cửa hàng buôn bán, sửa chữa máy ảnh trên phố Bảo Khánh cho biết, nếu duy trì phố đi bộ, mỗi tháng cửa hàng sẽ mất đi 8 ngày cuối tuần, mà lại toàn rơi vào những ngày thuận lợi cho việc kinh doanh. “Tôi thì rất ủng hộ việc thực hiện khu vực Hoàn Kiếm thành phố đi bộ phục vụ nhu cầu người dân và khách du lịch, nhưng việc cấm đường chỉ nên thực hiện vào 3 buổi tối cuối tuần là hợp lý nhất, ban ngày để người dân còn đi lại, kinh doanh buôn bán".
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm cho biết, khi phố đi bộ mở rộng ra đến 16 tuyến phố, chắc chắn việc kinh doanh của người dân vùng mở rộng sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó thành phố và các đơn vị liên quan phải cân nhắc thật kỹ lưỡng. Cần xem xét và sớm công khai hình thức chuyển đổi kinh doanh để không làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân...”.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong cho biết, thời gian tới, UBND quận sẽ tiếp tục khắc phục những tồn tại, vướng mắc, chủ động phối hợp với các sở, ngành, thành phố vừa triển khai, vừa điều chỉnh, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận sẽ là không gian văn hóa đa sắc, hội tụ và tỏa sáng những nét đẹp vừa cổ kính, vừa hiện đại của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến…/.