Hà Nội: Nhiều biện pháp giải quyết tình trạng trục lợi quỹ BHYT
(ĐCSVN) - Để giải quyết tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) và phát huy hiệu quả chính sách BHYT, góp phần đẩy nhanh lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn số 4609/SYT-KHTC-NVY về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát phòng chống gian lận, trục lợi quỹ BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tích cực, chủ động kiểm tra, chấn chỉnh công tác lập hồ sơ bệnh án, kê đơn, cấp thuốc BHYT, không để xảy ra tình trạng lập hồ sơ bệnh án khống, kê đơn khống để chiếm dụng quỹ BHYT. Tăng cường quản lý, kiểm tra việc chỉ định sử dụng thuốc, xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật; kê đơn chỉ định dùng thuốc phải đảm bảo an toàn, hợp lý và phù hợp với chẩn đoán bệnh.
Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT phải kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội đồng thuốc; kiểm soát việc kê đơn, sử dụng thuốc, chỉ định xét nghiệm, chỉ định dịch vụ kỹ thuật; tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc người bệnh. Đối với những trường hợp bệnh lý thông thường, chưa đến mức độ phải nằm viện điều trị nội trú, thì chuyển điều trị ngoại trú hoặc bố trí giường bệnh ban ngày.
Các bệnh viện phải tự kiểm tra các bảng kê chi phí KCB của người bệnh đảm bảo chính xác và các bảng kê chi phí phải có chữ ký xác nhận của người bệnh; công khai bảng giá dịch vụ KCB đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để người bệnh dễ thấy, dễ hiểu và dễ thực hiện. Đặc biệt, cơ sở KCB không được thu thêm của người bệnh những khoản chi phí đã tính trong cơ cấu giá, chỉ được thu các chi phí vật tư, hóa chất chưa tính vào giá và phần đồng chi trả (tùy theo nhóm đối tượng tham gia BHYT hoặc phần chênh lệch giữa giá cơ quan BHXH thanh toán với giá KCB theo yêu cầu.
Các cơ sở KCB cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính; thực hiện chuyển dữ liệu lên Cổng tiếp nhận của Hệ thống thông tin giám định BHYT thường xuyên, liên tục, ngay trong ngày (ngay sau khi kết thúc KCB) theo đúng quy định; công khai, minh bạch các danh mục dịch vụ y tế và giá các dịch vụ y tế, nhằm kịp thời phát hiện sai sót, trùng lặp trong thanh toán chi phí KCB BHYT để chấn chỉnh, xử lý.
Đáng chú ý, Sở Y tế nhấn mạnh: Giám đốc bệnh viện, viện có giường bệnh, cơ sở KCB phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sai phạm trong đơn vị, trong lĩnh vực công tác được giao quản lý, phụ trách./.