Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Nội: Người chăn nuôi điêu đứng vì giá lợn giảm mạnh

Thứ Năm, 04/05/2017 14:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hơn một tháng trở lại đây, việc giá lợn xuất chuồng liên tục giảm đã khiến cho không ít hộ chăn nuôi ở Hà Nội rơi vào cảnh điêu đứng. Giá lợn hơi giảm mạnh khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi thua lỗ nặng, nhiều hộ đứng trước nguy cơ mất khả năng trả nợ cho ngân hàng và các đại lý thức ăn chăn nuôi…

 Giá lợn thịt giảm liên tục đang khiến nhiều hộ chăn nuôi ở Hà Nội lâm vào cảnh điêu đứng
Ảnh: Quang Đạo

Xuất bán giá rẻ cũng khó!

Chấp nhận lỗ để xuất bán lợn thịt nhưng cũng không có người mua, đó là tình cảnh chung của nhiều hộ chăn nuôi lợn ở ngoại thành Hà Nội trong những ngày vừa qua. Cũng như những hộ nuôi lợn ở xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), anh Nguyễn Văn Hiếu ở thôn Thượng, xã Vân Từ đang “đứng ngồi không yên” bởi giá lợn hơi trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi trở lại. Hiện tại, anh Hiếu đang duy trì đàn lợn khoảng hơn 100 con bao gồm lợn sinh sản và lợn thịt. Riêng số lợn thịt đến thời gian xuất bán là trên 60 con nhưng thương lái chỉ đồng ý thu mua ở mức giá 20.000 - 23.000 đồng/kg. Anh Hiếu cho biết: “Tôi nuôi lợn thịt gần 20 năm nay nhưng chưa bao giờ thấy giá lợn xuất chuồng xuống thấp đến vậy. Tháng trước, tôi chấp nhận bán 30 con lợn với giá gần 30.000 đồng/kg, lỗ khoảng 20 triệu đồng. Nhưng giờ, giá lợn hơi tiếp tục giảm. Thực sự, càng nuôi càng lỗ”.

Cùng chung tâm trạng với anh Hiếu, chị Hoàng Thị Bé ở thôn Tri Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai chia sẻ: “Bây giờ nói thật là nhiều người trong thôn đã không còn mặn mà với chuyện chăn nuôi lợn thịt nữa. Bởi giá lợn hơi trên thị trường đang diễn biến khó lường, còn giá các loại vật tư đầu vào nhất là giá thức ăn chăn nuôi thì luôn duy trì ở mức cao. Nhưng đến thời điểm lợn xuất bán được thì lại bị thương lái tìm mọi cách ép giá. Nếu nuôi lợn sinh sản để bán con giống thì bây giờ cũng không có người mua. Đó là chưa nói đến rủi ro dịch bệnh… Kiểu gì thì nông dân chúng tôi vẫn là người chịu thiệt”.

Theo tính toán của người chăn nuôi, để nuôi một con lợn từ nhỏ đến khi xuất bán phải tốn ít nhất khoảng 4 bao thức ăn, mỗi bao trung bình khoảng 400.000 đồng, chưa kể là tiền mua con giống từ 1,3 - 1,6 triệu đồng/con, cũng như chi phí tiêm ngừa các loại bệnh. Nếu bán với mức giá 23.000 đồng/kg thì mỗi con lợn người nuôi phải chịu lỗ không dưới 1 triệu đồng. Vì vậy, hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi lợn tại các huyện ngoại thành Hà Nội đã buộc phải chọn giải pháp an toàn là “treo chuồng”, ngừng chăn nuôi lợn thịt.

Tăng trưởng “nóng” và giải pháp lâu dài

Tìm hiểu được biết, bên cạnh lý do thị trường Trung Quốc hạn chế nhập khẩu lợn của Việt Nam thì một trong những nguyên nhân chính khiến cho giá lợn hơi giảm liên tục trong thời gian vừa qua đó chính là do tình trạng tăng trưởng “nóng” trong chăn nuôi lợn. Cụ thể, tại Hà Nội, vì thấy lãi liên tiếp thu được từ việc chăn nuôi lợn trong 2 - 3 năm trở lại đây nên mặc dù đã có những khuyến cáo của ngành nông nghiệp nhưng nhiều chủ chăn nuôi vẫn dồn vốn đầu tư, chủ động tăng đàn, mở rộng chăn nuôi. Hệ quả tất yếu là “khủng hoảng thừa” lợn thịt; và người chăn nuôi lại trở thành người gánh chịu những thiệt hại lớn về kinh tế.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, hiện thành phố Hà Nội đang duy trì tổng đàn lợn là gần 1,9 triệu con với gần 120.000 hộ chăn nuôi; trong đó, đàn lợn nái là trên 230.000 con, đàn lợn thịt gần 1,65 triệu con, đàn lợn đực giống trên 2.800 con. Nhiều chuyên gia về chăn nuôi dự báo, nguồn cung vẫn đang tiếp tục được duy trì ở mức lớn do đàn lợn nái vẫn chưa thể giảm đàn. Bình quân sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng vượt cầu vào khoảng 200 đến 250 tấn/ngày. Do vậy, nếu không có những biện pháp can thiệp tích cực thì nhiều khả năng trong thời gian tới giá lợn thịt khó có thể phục hồi và sẽ có thêm nhiều người chăn nuôi rơi vào cảnh điêu đứng.

Có thể thấy rằng, gần 1 tháng qua, đã có khá nhiều lời kêu gọi và giải pháp “giải cứu người chăn nuôi lợn” được đưa ra. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã kêu gọi các doanh nghiệp và người tiêu dùng đồng hành cùng các hộ chăn nuôi lợn… Hưởng ứng lời kêu gọi đó, đến nay đã có nhiều doanh nghiệp chính thức bắt tay vào thu mua và cấp đông với số lượng khá lớn thịt lợn. Việc đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn cũng được thực hiện ở một số nơi. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng, yêu cầu căn cứ vào khả năng tài chính để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi. Đây thực sự là những động thái khá tích cực góp phần giảm thiểu những thiệt hại cho người chăn nuôi lợn nói chung và người chăn nuôi lợn ở Hà Nội nói riêng.

Song, thẳng thắn nhìn nhận thì những việc làm nói trên mới chỉ dừng lại ở tính chất của những biện pháp tình thế; chỉ giúp giải quyết “phần ngọn” của tình trạng sụt giảm giá lợn thịt do tăng trưởng “nóng” trong chăn nuôi lợn. Việc giá lợn thịt “giảm không phanh” trong những tháng qua thực sự sẽ là bài học cho cách phát triển chăn nuôi theo phong trào mà không quan tâm đến nhu cầu thực tế của thị trường. Do vậy, để chăn nuôi lợn trên địa bàn Hà Nội đi vào ổn định và tránh tái diễn tình trạng người chăn nuôi điêu đứng vì giá lợn sụt giảm, thiết nghĩ cần có những giải pháp lâu dài trên cơ sở sự vào cuộc đồng bộ, khẩn trương, tích cực từ trung ương đến thành phố.

Theo đó, Hà Nội cần sớm tổ chức rà soát lại quy mô sản xuất phù hợp với khả năng của thị trường, tương quan cơ cấu thịt, cân đối nhóm sản phẩm theo nhu cầu thị trường… Các ngành chức năng liên quan và các địa phương phải đẩy mạnh việc tổ chức người chăn nuôi theo hình thức hợp tác xã, theo nhóm hộ, nhóm trang trại liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để làm ăn theo chuỗi, gắn với chế biến. Có chính sách quan tâm, hỗ trợ chuyển một bộ phận hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sang nuôi đối tượng sản xuất khác như con đại gia súc, nuôi con đặc sản, sản phẩm hữu cơ. Đồng thời, cần sớm hoàn thiện quy hoạch từng vùng đối với hoạt động chăn nuôi lợn. Những hộ muốn chăn nuôi phải đăng ký, phải có mã số trang trại, đáp ứng đủ các tiêu chí về xử lý môi trường, đảm bảo yêu cầu về diện tích trang trại… Xây dựng quy hoạch vùng chăn nuôi lợn tập trung ngoài khu dân cư tại các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Ba Vì, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây...  Về lâu dài, cần xây dựng và triển khai chuỗi giá trị trong lĩnh vực chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn thịt nói riêng trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa người nông dân với người kinh doanh, buôn bán, chế biến…

Rút kinh nghiệm bài học từ việc giá lợn thịt liên tục sụt giảm trong những tháng gần đây, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp, hy vọng người chăn nuôi lợn ở Hà Nội sẽ sớm vượt qua được giai đoạn khó khăn và hoạt động chăn nuôi lợn thịt trên địa bàn thành phố sẽ sớm đi vào ổn định, mang lại thu nhập cho người nông dân trên cơ sở bám sát nhu cầu thực của thị trường tiêu thụ./.

Quang Đạo

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN