Hà Nội: Ngạt thở ở các bến xe trước ngày nghỉ lễ
(ĐCSVN) – Mặc dù ngày mai (30/4) mới chính thức là ngày người lao động được nghỉ lễ dịp 30/4-1/5 nhưng từ ngày hôm nay (29/4), một bộ phận lớn người dân đã rục rịch về quê hoặc đi du lịch, khiến nhiều tuyến đường, bến xe của Hà Nội rơi vào cảnh ùn tắc.
Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, tính cả thời gian nghỉ bù thứ 7 và chủ nhật, người lao động được nghỉ 4 ngày liên tục từ 30/4 đến hết 3/5/2016, do đó lượng hành khách tại các bến xe đều tăng từ 2 đến 3 lần so với ngày thường. Mặc dù các bến xe khách đã tăng cường khoảng 700 lượt xe (bến xe Giáp Bát là 200 lượt xe/ngày, bến xe Mỹ Đình 400 lượt xe/ngày, bến xe Gia Lâm là 100 lượt xe/ngày) nhưng theo ghi nhận của phóng viên chiều 29/4, thì vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Từ 3 giờ chiều 29/4, các tuyến đường Phạm Hùng, Cầu Giấy, Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Giải Phóng, đã nườm nượp người với đồ đạc hành lý đổ về các bến xe. Càng về chiều, lượng người và phương tiện càng tăng nhanh. Giao thông khu vực quanh các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm đều rất đông, các lực lượng chức năng phải rất vất vả để duy trì đảm bảo lưu thông thông suốt.
Tại đường Giải Phóng, đường Phạm Hùng, khu vực gần bến xe, trước cửa bến xe, khu vực xe xuất bến...lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông phải liên tục đôn đốc các phương tiện di chuyển nhằm đảm bảo giao thông thông suốt. Đặc biệt, thanh tra giao thông cũng đã được bố trí trong bến xe để điều tiết giao thông.
Ghi nhận của phóng viên lúc 4h chiều tại khu vực bên trong bến xe Mỹ Đình và bến xe Giáp Bát, lượng khách chờ mua vé đã đông tới mức phải xếp hàng dài hàng chục mét. Có những người chờ cả 2 giờ đồng hồ vẫn chưa mua được vé. Những người ra muộn đều không mua được vé kịp về ngay chiều nay.
Bến xe Mỹ Đình nhộn nhịp người đón xe về quê nghĩ lễ.
Một nhân viên bến xe cho biết, đến chiều tối và đầu buổi sáng mai (30/4) lượng người đổ về bến xe sẽ còn đông hơn nữa, vì hôm nay nhiều người vẫn còn phải đi làm hết buổi chiều.
Tại khu vực xe khách chờ xuất bến, lượng người tập trung chờ xe luôn rất đông. Mỗi khi có xe nào vào khu vực tuyến mình, hàng chục người lại chen chân tìm cách lên xe, mặc dù còn khá lâu mới đến giờ xe chạy. Vì quá đông, một số người có vé nhưng vẫn phải chờ chuyến sau.
Theo quan sát của phóng viên, một số xe khách mặc dù đủ khách, nhưng khi ra khỏi bến vẫn cố “vợt” thêm khách. Với những hành khách không mua vé trong bến, đều bị các nhà xe thu tiền cước cao hơn quy định. Cụ thể như rất nhiều xe tuyến từ Mỹ Đình và Giáp Bát đi Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên nhà xe thu tiền cao hơn quy định từ 20.000- 50.000 đồng/lượt. Các lơ xe thường để xe ra khỏi nội thành mới thu tiền nên nếu hành khách không đồng ý, cũng rất khó bắt được xe khác.
Ngoài xe khách, những tuyến xe bus đường dài như Mỹ Đình- Sơn Tây, Long Biên- Bắc Ninh, Giáp Bát- Phủ Lý... cũng rơi vào tình trạng quá tải. Chị Phạm Thị Mai (quê ở phường Võ Cường, TP.Bắc Ninh), người chờ xe bus tại điểm tập kết trên đường Trần Quang Khải cho biết, chuyến xe bus trước chị không lên nổi vì quá đông, đợi chuyến sau chị sẽ phải nhanh chân lên trước, nếu vẫn không lên được, đành phải để sáng mai đi bằng xe gắn máy về quê.
Đến khoảng 5 giờ chiều, giao thông tại nhiều tuyến đường gần khu vực bến xe Mỹ Đình và bến xe Giáp Bát đã bị tắc dài do lượng người đổ về quê tăng nhanh cùng với lượng người tan sở. Cụ thể, đoạn đường Trường Chinh hướng ra đường Giải Phóng, khu vực ngã ba Kim Đồng - Giải Phóng, đường quốc lộ 1A cũ đoạn Hà Hồi (Thường Tín) các phương tiện di chuyển rất chậm.
Tại đường Phạm Hùng, từ hơn 4h chiều đã có rất nhiều xe khách và ô tô cá nhân di chuyển về các tỉnh cùng với “đội quân” taxi dừng đỗ thành hàng dài đón khách khiến giao thông nhiều lúc hỗn loạn. Cho đến chiều tối, nhiều đoạn trên tuyến đường này vẫn đông nghịt xe cộ. Đoạn từ chân cầu vượt Mai Dịch xuống ngã tư Tôn Thất Thuyết, các phương tiện chỉ nhích từng chút một, nhiều xe máy đã tràn cả lên vỉa hè.
Đường Phạm Văn Đồng, đoạn từ cổng trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đến ngã tư Hoàng Quốc Việt và khu vực gần ngã tư Cổ Nhuế cũng chật cứng phương tiện giao thông do hầu hết các tuyến xe khách phía Bắc và xe đi một số tỉnh Đông Bắc đều đi qua đây./.