Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Nội nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở để phòng, chống dịch hiệu quả

Thứ Sáu, 19/11/2021 19:07 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Dịch COVID-19 tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng số ca F0. Do đó, Hà Nội thí điểm cách ly F1 tại nhà và thực hiện điều trị F0 tại cơ sở từ 17/11. Vì vây, việc nâng cao, rà soát năng lực hệ thống y tế cơ sở là giải pháp thiết thực để phòng, chống dịch hiệu quả.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, mặc dù gặp nhiều khó khăn do di biến động dân cư lớn, song Hà Nội luôn chủ động, linh hoạt trong các biện pháp phòng, chống dịch để phù hợp với thực tiễn.

Hà Nội cũng là địa phương có nhiều mô hình phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, với sự tham gia của các tổ COVID-19 cộng đồng, đặc biệt, trong việc truy vết các F0, F1. Cùng với đó, chiến dịch tiêm phủ vắc xin quy mô và xét nghiệm diện rộng đã nhận được sự hưởng ứng của người dân.

Để giảm áp lực cho các cơ sở y tế cũng như trung tâm cách ly F1, thành phố Hà Nội quy định từ ngày 17/11, thí điểm cách ly F1 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế. Đây là bước tiến mạnh mẽ thể hiện thần "thích ứng an toàn" trong phòng, chống dịch của thành phố. Tuy nhiên, để chủ trương trên thành công, cần có sự quyết tâm của các trường hợp F1, gia đình, tổ phòng, chống COVID cộng đồng trong công tác giám sát, theo dõi người thuộc diện cách ly.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng nhận định, “thẻ xanh” COVID-19 là rất quan trọng trong thời gian tới, để khẳng định người dân là chủ thể an toàn, có thể giao lưu, đi lại. Điều này phù hợp với quốc tế trong việc đưa ra điều kiện với cá nhân an toàn.

 Khu sàng lọc bệnh nhân COVID-19 ở huyện ngoại thành Hà Nội. (Ảnh minh họa: TL)

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, chủ trương của Chính phủ là thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Vấn đề quan trọng nhất là nâng cao năng lực hệ thống y tế để có thể thích ứng được với điều kiện, hoàn cảnh. Khi chúng ta có người dân đi từ vùng có dịch về, người nhập cảnh vào Hà Nội, trong số đó, chắc chắn sẽ có ca F0. Thành phố sẽ đẩy mạnh nâng cao năng lực của hệ thống dự phòng, điều tra truy vết để giảm tải cho điều trị. Tuy nhiên, vẫn phải đi song song, cả năng lực của y tế dự phòng, điều trị đến hệ thống y tế cơ sở.

“Dự phòng là năng lực điều tra truy vết, khoanh vùng, dập dịch, cách ly, xét nghiệm tiêm chủng. Hệ thống y tế cơ sở là từ xa, ngay từ cơ sở và phải nâng cao các tuyến y tế cơ sở, trạm y tế xã, phường để có thể điều trị người bệnh F0 ngay tại trạm y tế xã, phường và có các trạm y tế lưu động. Về năng lực của hệ thống y tế điều trị, phải phân tầng, phân tuyến để điều trị theo mức độ bệnh”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.

Bố trí 1.150 giường bệnh thí điểm điều trị F0 tại 5 quận, huyện

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trước nguy cơ số lượng F0 sẽ gia tăng trên địa bàn, Hà Nội đã cho phép thí điểm cách ly F1 tại nhà. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp F1 sẽ phải được thực hiện thí điểm từng bước một và sau thời gian triển khai, đánh giá đạt hiệu quả đảm bảo thực sự an toàn đối với người được cách ly, gia đình được cách ly và đảm bảo an toàn với khu dân cư có F1 cách ly tại nhà lúc đó sẽ triển khai trên diện rộng.

Trước mắt các quận, huyện sẽ chọn địa điểm để thực hiện cách ly, quận nào cũng sẽ thí điểm để tự đánh giá theo đặc thù dân cư, cấu trúc nhà cửa của địa phương mình để làm sao đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19.

Về điều trị F0 tại cơ sở dựa trên nền tảng trạm y tế lưu động, các trạm y tế xã, phường hoặc khi số lượng F0 tăng thì dựa trên nền tảng các trạm y tế đa khoa khu vực. Từ việc này, việc điều trị F0 tại cơ sở sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí cũng như giúp người dân được đưa đến khu cách ly điều trị sớm nhất.

Trong những ngày gần đây, xu hướng các ca nhiễm tăng nhanh tại nhiều địa bàn với nhiều ổ dịch phức tạp; một số tổ chức, đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ và người dân có biểu hiện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh, không thực hiện nghiêm quy định 5K trong khi tỉ lệ tiêm vaccine chưa đạt độ bao phủ theo yêu cầu và người dưới 18 tuổi chưa được tiêm; nguy cơ, diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, khó lường.

Do đó, từ ngày 17/11/2021, thành phố Hà Nội điều chỉnh công tác thu dung, điều trị các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, cách ly các trường hợp tiếp xúc gần (F1) và tăng cường cách ly, xét nghiệm đối với người từ các tỉnh, thành phố khác đến/về Hà Nội.

Cụ thể, Thành phố chủ động xây dựng phương án thu dung, điều trị người bị nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn Thành phố với các kịch bản cao theo mô hình tháp 3 tầng.

Thí điểm thu dung, điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (F0) trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm “4 tại chỗ” do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế.

Thí điểm thực hiện tại Trung tâm Văn hóa, thể thao phường Thạch Bàn, quận Long Biên với quy mô 150 giường; Trường THCS Tiền Yên, huyện Hoài Đức - quy mô 300 giường (trường mới xây dựng, chưa bàn giao đón học sinh); Phòng khám đa khoa Minh Phú, huyện Sóc Sơn - quy mô 200 giường; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Thanh Trì - quy mô 300 giường; trường Mầm non Lê Thanh A, xã Lê Thanh huyện Mỹ Đức - quy mô 200 giường.

Mở rộng cơ sở thu dung, điều trị người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại cấp quận, huyện, thị xã sau thời gian thí điểm. Rà soát và mở rộng các cơ sở thu dung, điều trị tại các cơ sở thu dung của Thành phố, các Bệnh viện tuyến huyện và tuyến Thành phố.

Thành phố cũng huy động các Bệnh viện, cơ sở y tế của bộ, ngành Trung ương, các trường đại học, cao đẳng y dược và các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn để tham gia công tác thu dung điều trị người bệnh (F0).

Rà soát các cơ sở thu dung điều trị, huy động nhân lực y tế (bác sĩ, sinh viên, học sinh, y, bác sĩ đã nghỉ hưu) tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 khi có yêu cầu./.

Đỗ Thoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN