Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Nội là nơi kiểm nghiệm rõ nét đường lối đổi mới 40 năm qua về xây dựng Đảng

Thứ Năm, 26/10/2023 19:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh: Thực tiễn phong phú, sinh động về hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội của Thủ đô không chỉ là chất liệu hình thành từ đường lối đổi mới của Đảng mà còn là nơi kiểm nghiệm rõ nét tính đúng đắn, hiệu quả của đường lối đổi mới.

Quang cảnh Hội nghị. 

Sáng 26/10, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Đoàn khảo sát (nhóm 5) Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong 40 năm qua và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị làm việc về các vấn đề liên quan.

Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo, Trưởng đoàn khảo sát; Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đồng chủ trì Hội nghị.

Hà Nội nêu rõ đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Phát biểu mở đầu, đồng chí Phan Đình Trạc cho biết, thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo tổng kết 40 năm đổi mới, Đoàn khảo sát của nhóm 5 tiến hành khảo sát tại Hà Nội nhằm làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng về hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn Hà Nội. Qua đó, góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận của Đảng về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phục vụ tổng kết 40 năm đổi mới và xây dựng văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Trưởng đoàn khảo sát nhấn mạnh, Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của cả nước; Đảng bộ Thành phố Hà Nội là đảng bộ lớn nhất cả nước với 50 đảng bộ trực thuộc và trên 475.000 đảng viên. Do đó, những thuận lợi và khó khăn của đất nước trong quá trình đổi mới nói chung, trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về hệ thống chính trị nói riêng cũng chính là thuận lợi, khó khăn đặt ra với Hà Nội.

 “Thực tiễn phong phú, sinh động về hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội của Thủ đô không chỉ là chất liệu hình thành từ đường lối đổi mới của Đảng mà còn là nơi kiểm nghiệm rõ nét tính đúng đắn, hiệu quả của đường lối đổi mới” - đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh.

Trưởng đoàn khảo sát đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận về 3 nhóm vấn đề lớn. Trong đó, đồng chí Phan Đình Trạc nhìn nhận, qua gần 40 năm đổi mới, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị của Hà Nội đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, có nhiều chủ trương, chính sách được Hà Nội đi đầu triển khai thực hiện ưu việt và nổi bật.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu định hướng tại hội nghị. 

Điển hình như triển khai hiệu quả thí điểm mô hình chính quyền đô thị; sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả; tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và các đoàn thể nhân dân; công tác cán bộ có nhiều đổi mới… Do vậy, cần trao đổi, thảo luận, đánh giá sâu sắc từ thực tiễn của Hà Nội về quan điểm, nhận thức của thành phố, tư duy sáng tạo, đột phá lý luận cơ bản của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng về hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Đồng chí Phan Đình Trạc đề nghị, từ thực tiễn, Hà Nội nêu rõ đề xuất, kiến nghị gì ở tầm quan điểm, chủ trương, chính sách lớn để góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng thời gian tới.

Hình ảnh, uy tín, sức ảnh hưởng của Thủ đô tiếp tục nâng cao

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trình bày báo cáo tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trải qua gần 40 năm kiên trì, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn. Thế và lực ngày càng vững mạnh và hình ảnh, uy tín, sức ảnh hưởng của Thủ đô tiếp tục nâng cao.

Đặc biệt, Đảng bộ Thành phố luôn coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, lãnh đạo hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, xây dựng Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại"; luôn coi trọng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước, do đó phải tiến hành “không ngừng”, “không nghỉ”; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.

Theo đó, trong nhiều năm, Thành ủy Hà Nội đã tập trung xây dựng và lãnh đạo, chỉ đạo bằng các chương trình công tác; khắc phục tình trạng ban hành quá nhiều nghị quyết, chỉ thị, tổ chức thực hiện không tập trung, ít hiệu quả. Nghị quyết Đại hội được cụ thể hoá thành 10 chương trình công tác lớn và 9 cụm công trình trọng điểm.

Đối với xây dựng Đảng về tư tưởng, tư duy lý luận của Đảng bộ Thành phố có bước phát triển, kiên định đường lối đổi mới và những nguyên tắc về xây dựng Đảng. Thành ủy đã tiến hành các cuộc tổng kết lớn (10 năm, 20 năm, 30 năm, 35 năm đổi mới); công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn được đặc biệt chú trọng, chỉ đạo triển khai đạt kết quả tích cực với nhiều công trình khoa học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Trong xây dựng tổ chức đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, Thành ủy Hà Nội thường xuyên coi trọng việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt quan tâm đến tính đoàn kết trong nội bộ Đảng, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng.

Việc sắp xếp, củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức của Đảng từ Thành phố đến chi bộ được thực hiện thận trọng, bài bản; đã sắp xếp, xây dựng nhiều mô hình tổ chức đảng phù hợp với quy mô, tính chất, thực tiễn của Thủ đô trong từng giai đoạn. Công tác phát triển đảng viên đã được quan tâm chỉ đạo, nâng cao chất lượng, kết quả kết nạp đảng viên hằng năm đều vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Những nhiệm kỳ gần đây, số lượng kết nạp đảng viên hằng năm của toàn Đảng bộ đều vượt kế hoạch (12.000 đảng viên/năm) Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố khóa XV, XVI đề ra.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến báo cáo tại hội nghị. 

Trong công tác cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ, qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hệ thống quy định, quy chế trong công tác cán bộ ngày càng đầy đủ, chặt chẽ, khoa học, sát thực tiễn hơn. Đặc biệt, năm 2018, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị và tiếp tục được sửa đổi, bổ sung cho đến nay.

Đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đạt được những kết quả rất tích cực và đóng góp quan trọng vào việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Thành phố. Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã có nhiều đổi mới về nội dung, đối tượng, phương thức thực hiện.

Tiếp đó, hội nghị đã tiến hành thảo luận, các thành viên Đoàn khảo sát nêu ý kiến đánh giá hồ sơ, báo cáo của Thành ủy xây dựng theo yêu cầu của Đoàn; yêu cầu làm rõ thêm một số nội dung quan trọng. Đại diện Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND, các ban Đảng Thành ủy... đã báo cáo làm rõ.

Phải tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tiếp thu toàn bộ ý kiến của Đoàn khảo sát để hoàn thiện các báo cáo theo yêu cầu.

Trao đổi thêm về các vấn đề Đoàn quan tâm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo vừa bảo đảm toàn diện, vừa sâu sát, cụ thể. Đây là nhân tố quyết định giúp thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị thường xuyên và đột xuất như tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; duy trì phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống đại dịch COVID-19...

Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Thành ủy tập trung lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm là những vấn đề cấp thiết, cấp bách đáp ứng yêu cầu của Nhân dân, giải quyết những vướng mắc, tồn đọng. Thành phố đồng thời tư duy tầm nhìn chiến lược tập trung triển khai các chủ trương lớn mà gần đây nhất là lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. 

Nhờ phát huy vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên gương mẫu, gần dân, sát dân, thành phố đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, nhờ đó giải quyết hiệu quả nhiều việc mới, việc khó như giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội chỉ trong vòng một năm đạt hơn 70%, đến nay đã đạt hơn 90%; di chuyển hàng nghìn ngôi mộ... mà không có đơn, thư khiếu kiện.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, còn tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Nên ngày 7/8/2023 vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố, nêu 25 biểu hiện cụ thể làm căn cứ đánh giá và xử lý kỷ luật.

Làm rõ thêm các đề xuất, kiến nghị của Hà Nội, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho rằng, phải tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế. Chẳng hạn, chống tham nhũng, tiêu cực thì hiệu quả rõ, nhưng phòng thì hiệu quả còn mờ, cho nên phải tập trung thể chế hóa các chủ trương về tiết kiệm, chống lãng phí. Thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đánh giá cán bộ cũng rất cần thiết, phải thể chế hóa thật rõ về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm thì mới tạo động lực cho cán bộ thực thi nhiệm vụ. Ngay như vướng mắc trong xử lý các dự án có sử dụng đất, nếu Chính phủ tổng hợp, đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyên đề tháo gỡ được để tổ chức đấu thầu, đấu giá thì sẽ giải phóng được nguồn lực rất to lớn để phát triển đất nước...

Thay mặt Đoàn khảo sát phát biểu kết thúc, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cảm ơn Thành ủy Hà Nội đã hợp tác nhiệt tình, trách nhiệm, hiệu quả, đặc biệt là chuẩn bị làm việc của Đoàn khảo sát, kể cả hệ thống tài liệu và các cuộc làm việc.

GS.TS. Tạ Ngọc Tấn đồng thời đề nghị Thành ủy Hà Nội làm rõ thêm đánh giá từ thực tiễn về niềm tin của Nhân dân Thủ đô đối với Đảng và chế độ; đề xuất rõ cơ chế, chính sách về tiền lương, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, qua đó giúp ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực hiệu quả.../.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN