Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại

Thứ Năm, 01/12/2022 14:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hiện Việt Nam đã tham gia vào ký kết 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Năm 2021, Việt Nam lọt vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu gần 670 tỷ USD. Tuy nhiên, quy mô xuất khẩu càng lớn càng dễ trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương và Sở Công Thương Hà Nội thăm một số cơ sở kinh doanh (Ảnh: H.H) 

Cũng theo khảo sát của Bộ Công Thương, có gần 70% các doanh nghiệp đã nắm tương đối vững về các công cụ phòng vệ thương mại và sẵn sàng chủ động để ứng phó với có biện pháp PVTM của nước ngoài cũng như sử dụng công cụ PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết thêm, việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp để ứng phó với các biện pháp PVTM, cũng như thực hiện các biện pháp của doanh nghiệp tự bảo vệ mình trong quá trình kinh doanh, đàm phán, ký kết hợp đồng là quan trọng nhất. Vì các quy định về PVTM là vấn đề phức tạp, nhưng lại được sử dụng tương đối phổ biến, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Úc, EU…

Chính vì thế, ông Dũng cho rằng, các doanh nghiệp cần phải chủ động liên kết với nhau cùng các biện pháp, đặc biệt là các nỗ lực ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài chỉ có thể thành công nếu chúng ta có sự hợp sức của doanh nghiệp. Bộ Công Thương cũng đã tập trung vào việc hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng là các đầu mối tổng hợp thông tin, tổng hợp nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động cảnh báo sớm; tiếp cận với các doanh nghiệp trong những ngành có nguy cơ, hoặc bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được quy định, yêu cầu và quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra đối với ngành.

Ở khía cạnh luật pháp, luật sư Phạm Thành Tài - Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh (TP. Hà Nội) cho rằng, các doanh nghiệp phải liên tục cập nhật chính sách, thủ tục, quy định và thông lệ quốc tế liên quan tới PVTM. Trong trường hợp trở thành đối tượng của các vụ kiện, doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị hồ sơ, dữ liệu, hợp tác với cơ quan điều tra để chứng minh mình không bán phá giá, không nhận trợ cấp.

Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết: sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19, Chính phủ và TP. Hà Nội đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động chưa ổn định, chưa nắm vững kiến thức pháp luật, những hiệp định, rào cản trong giao dịch thương mại điện tử quốc tế. Vì vậy, TP. Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn nhằm trao đổi thông tin để doanh nghiệp nắm vững hơn các kỹ thuật đàm phán, giao dịch thương mại. Điều này có ý nghĩa rất lớn cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hàng năm, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về phòng vệ thương mại cho các đối tượng là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các hiệp hội ngành nghề, các trường đại học, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, Sở đã thường xuyên phối hợp các cơ quan thông tin báo chí để đưa bài, đăng tin về các nội dung liên quan cạnh tranh, phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội đã biên soạn và phát hành Sổ tay phòng vệ thương mại, gửi thông báo danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp do Bộ Công Thương cung cấp đến các sở, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội để thực hiện công tác quản lý nhà nước và doanh nghiệp chủ động trong sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Liên tục cập nhật lên trang web của Sở www.congthuong.hanoi.gov.vn các nội dung liên quan về phòng vệ thương mại để các đơn vị liên quan chủ động nắm bắt, thực hiện. Ngoài ra Sở đã tham mưu Thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại có liên quan đến sản phẩm, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Nhằm bảo vệ doanh nghiệp trước những tác động của hội nhập kinh tế quốc tế, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, phòng vệ thương mại không phải là việc của từng doanh nghiệp riêng lẻ mà là chiến lược hành động của cả một ngành sản xuất sản phẩm nội địa liên quan. Do đó, để sử dụng công cụ phòng vệ thương mại hiệu quả, doanh nghiệp phải tập hợp với nhau thành một lực lượng đủ sức đại diện cho một ngành sản xuất nội địa. Doanh nghiệp Việt Nam hơn lúc nào hết cần phải liên kết chặt chẽ trong sản xuất kinh doanh, trong vận động chính sách cho ngành...

A.N

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN