Hà Nội: Đảm bảo tiếp cận nước hợp vệ sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số
(ĐCSVN) - Đến nay, vùng dân tộc thiểu số miền núi của Thành phố Hà Nội đã có 100% dân số được dùng nước sạch và nước hợp vệ sinh. 13/13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới. Việc được sử dụng nước sạch sinh hoạt đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân tộc thiểu số của Thủ đô.
Năm 2021, chị Bùi Thị Sen, dân tộc Mường ở thôn Bài, xã Yên Bài quyết định vay vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội 20 triệu đồng để khoan giếng. Nước từ giếng khoan được gia đình tự xử lý lọc sạch rồi mới dùng cho sinh hoạt. Tuy chưa hoàn toàn đạt các tiêu chuẩn như hệ thống nước sạch sinh hoạt do nhà máy nước cung cấp, nhưng so với nước từ giếng khơi trước đây thì vẫn tốt hơn rất nhiều.
Trước đây gia đình chị Sen dùng giếng khơi. Theo thời gian, giếng xuống cấp, chất lượng nước suy giảm nên chị quyết định chuyển sang dùng giếng khoan. Mặt khác, sau nhiều năm chăm chỉ làm ăn, có tiền tích luỹ, gia đình chị quyết định xây nhà kiên cố khép kín. Do đó, nhu cầusử dụng nước hợp vệ sinh phục vụ ăn uống hàng ngày và cho các công trình phụ trợ trong ngôi nhà như: bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh... cũng cao hơn.
Từ khi khoan giếng ngầm, nước giếng khơi chỉ còn được chị Sen sử dụng vào mục đích tưới cho cây trồng, làm nước uống và rửa chuồng trại cho gia súc.
Được tiếp cận với nước sạch tại nhà giúp những người phụ nữ dân tộc thiểu số như chị Bùi Thị Sen được giải phóng sức lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống |
Chị Nguyễn Thị Mỹ Bính, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Bài nói, từ khi các gia đình trong xã, nhất là các hộ người Mường chuyển sang dùng giếng khoan ngầm đã giải phóng cho người phụ nữ nơi đây cả về thời gian và công sức.
Xã Yên Bài có khoảng 40% dân số là người dân tộc Mường. Do khá gần với trung tâm Thủ đô nên ngoài thời gian làm nông nghiệp, hầu hết đàn ông đi làm cho các công ty, xí nghiệp để tạo thu nhập thêm. Việc nhà do phụ nữ đảm nhiệm. Trước khi có giếng khoan, phụ nữ phải đi xa lấy nước về nhà, rất vất vả và mất nhiều thời gian, hoặc phải ra sông, suối tắm giặt vừa thiếu an toàn, vừa gây ô nhiễm nguồn nước.
Bằng nhiều giải pháp, nay thì 100% người dân xã Yên Bài đã được tiếp cận với nước sạch và nước hợp vệ sinh, đáp ứng tiêu chí về nước sạch và vệ sinh môi trường, góp phần đưa xã Yên Bài về đích đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020, sớm hơn một năm so với kế hoạch đề ra.
Kết quả ở xã Yên Bài là minh chứng cho những nỗ lực của Thành phố Hà Nội trong việc đảm bảo quyền tiếp cận nước sạch và nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số.
Hà Nội hiện có 13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc 4 huyện (huyện Ba Vì có 7 xã, huyện Thạch Thất có 3 xã, huyện Quốc Oai có 03 xã, huyện Mỹ Đức có 01 xã), với trên 108 nghìn người dân tộc thiểu số, thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống ở 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm khoảng 1,3% dân số toàn Thành phố.
15 năm qua, thực hiện các Quyết định số 1592/QĐ-TTg và Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi tập trung triển khai thực hiện; căn cứ nhu cầu và tình hình thực tế của địa phương để tự cân đối thực hiện chính sách về đất sản xuất, đất ở đảm bảo các hộ nghèo có đất sản xuất, đất ở so với bình quân chung của địa phương. Kết quả là đã có tổng số 1.286 hộ được thụ hưởng, tổng kinh phí Thành phố thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt là 43.387 triệu đồng.
Đối với nước sinh hoạt, Thành phố Hà Nội đã lồng ghép vào các Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đầu tư xây dựng 3 công trình nước tập trung (2 công trình tại xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì; 1 công trình tại xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai), với tổng kinh phí 5,2 tỷ đồng. Đến nay, vùng dân tộc thiểu số miền núi của Thành phố đã có 100% dân số được dùng nước sạch và nước hợp vệ sinh. 13/13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được Thành phố ưu tiên nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước, tạo ra phong trào quần chúng tham gia giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp./.