Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

“Hạ nhiệt” thị trường vàng bằng giải pháp ngắn hạn?

Thứ Sáu, 19/04/2024 14:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Việc Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp về việc hoàn tất công tác chuẩn bị tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường đang được đông đảo dư luận quan tâm. Song sự kiện này cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia, nhà kinh tế. Thậm chí, có quan điểm cho rằng, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn để “hạ nhiệt” thị trường hàng hóa quan trọng này.

Ảnh minh hoạ: M.P

Kịp thời, phù hợp bối cảnh thực tế

Vốn được coi là “nơi trú ẩn” của dòng tiền mỗi khi các kênh đầu tư khác có vấn đề, từ đầu năm 2024 đến nay, vàng đã trở thành kênh đầu tư mang lại lợi nhuận rất cao. Minh chứng là chỉ trong gần bốn tháng, giá vàng thế giới đã tăng tới 16%, còn giá vàng nhẫn trong nước cũng đã tăng 25% so thời điểm cuối năm 2023. Phá mọi kỷ lục đã thiết lập trước đây, vàng miếng SJC có thời điểm chạm sát mốc 85 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn SJC đạt ngưỡng 79 triệu đồng/lượng. Tình trạng khan hàng, thậm chí “cháy hàng”, bán ra với số lượng hạn chế… tuy không thường xuyên những cũng đã xảy ra ở đây đó.

Nhận định về diễn biến giá vàng, trao đổi với phóng viên báo Điện tử Đảng Cộng sản, PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá vàng liên tục phá ngưỡng kỷ lục trước đây là do cầu mua gia tăng mạnh từ ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia. Những bất ổn địa chính trị, những cuộc chiến quy mô lớn đã diễn ra, kèm theo đó là kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất ngay trong năm nay càng khiến nhu cầu này tăng lên. Trên thực tế, không chỉ ngân hàng trung ương các quốc gia gia tăng mua vào, mà các quỹ đầu tư và cả nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng đang dốc hầu bao lao vào cuộc đua đầu tư vàng. Cầu tăng đột biến thúc đẩy giá vàng liên tục tăng. Hiện các ngoại tệ mạnh, kể cả USD dù cũng đang tăng giá, đều kém hấp dẫn so với vàng.

Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, thị trường chứng khoán trồi sụt, bất động sản chưa phục hồi, khi giá vàng tăng cao đã khiến nhà đầu tư có tâm lý sốt ruột, sợ lỡ nhịp đầu tư. Trong “cơn sốt” giá vàng, một dòng tiền không nhỏ đang dịch chuyển từ tiết kiệm sang kênh đầu tư hấp dẫn này càng thúc giao dịch vàng tăng mạnh những ngày gần đây, và việc nhiều người đầu tư vào vàng là dễ hiểu. Mặt khác, việc các cơ quan chức năng dồn dập kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng càng làm vàng trở nên “nóng” hơn.

Thực hiện yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra trong văn bản chỉ đạo mới nhất về quản lý thị trường vàng, chỉ trong một ngày 15/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát hành ba văn bản gửi đến các bộ, ngành liên quan đề nghị phối hợp và trong cùng ngày, cơ quan này cũng đã có công văn chỉ đạo các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện những nhiệm vụ cụ thể nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý thị trường vàng.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát đi thông điệp về việc hoàn tất công tác chuẩn bị đấu thầu vàng miếng trở lại để gia tăng nguồn cung cho thị trường. Đây là lần đầu tiên sau 11 năm, việc đấu thầu vàng sẽ được tổ chức lại. Theo kế hoạch của cơ quan này, loại vàng được mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC, thông báo đấu thầu vàng miếng sẽ được gửi đến các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp một ngày trước phiên đấu thầu và kết quả sẽ được thông báo sau phiên đấu thầu.

Mục tiêu đấu thầu vàng miếng là nhằm can thiêp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng vàng miến trong nước và vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường này hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước những động thái tích cực từ phía Ngân hàng Nhà nước khi đưa ra phương án “hạ nhiệt” thị trường vàng, theo nhận định của PGS TS Đinh Trọng Thịnh, ở góc độ quản lý nhà nước, việc cơ quan này triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó những diễn biến khó lường của thị trường vàng trong nước là kịp thời, phù hợp bối cảnh thực tế của thị trường vàng trong nước. Bởi thứ nhất, hiện chưa phải thời điểm ngay lập tức thực hiện thương mại hóa thị trường vàng như xu hướng một số quốc gia trên thế giới thực hiện. Việc “thả nổi” giá vàng theo biến động của thị trường sẽ kéo theo sự biến động của một số ngoại tệ quan trong như USD do mối gắn kết khá chặt chẽ của các loại hàng hóa đặc biệt này.

Thứ hai, với quan điểm duy trì sự thận trọng cần thiết, nên dù Ngân hàng Nhà nước (cơ quan chịu trách nhiệm chính) khá khẩn trương song cũng không dễ triển khai việc rà soát, xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động thị trường vàng trong một sớm, một chiều được. Bởi thực tế, Việt Nam dù có nhiều thành tựu phát triển kinh tế-xã hội đáng ghi nhận nhưng quy mô nền kinh tế cũng như việc phụ thuộc lớn vào các yếu tố xuất nhập khẩu, các tác động trực tiếp từ biến động địa chính trịnh, xung đột quan sự giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ trên thế giới. Hơn thế, để thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra, vẫn cần có sự can thiệp trực tiếp từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh – người từng tham gia xây dựng Nghị định số 24/2012/NĐ-CP (ngày 3/4/2012) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, thì cho rằng: nghị định này ra đời và hoàn thành sứ mệnh của nó. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, quan hệ cung - cầu chưa cân bằng, nên Thủ tướng mới có chỉ đạo cần lấy lại cân bằng giữa quan hệ cung - cầu về vàng và thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Vấn đề cần có một văn bản pháp luật thay thế văn ban này là phương án dài hạn, nếu bắt buộc đặt ra ở thời điểm này có vẻ quá gấp gáp, thiếu tính hợp lý và khoa học, cũng như sự cấp thiết trong bối cảnh thực tế hiện nay.

Khó chẩn trị “cơn sốt” bằng… giải pháp ngắn hạn

Trở lại với câu chuyện “đấu thầu vàng” - vấn đề được đông đảo dư luận quan tâm, song lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia, nhà kinh tế, dù đây không phải là vấn đề mới, mà đã được Ngân hàng Nhà nước triển khai từ hơn gần 11 năm trước. Chính xác là năm 2013, với 76 phiên đấu thầu vàng được tổ chức, cung ứng gần 70 tấn vàng ra thị trường. Hiện việc mà Ngân hàng Nhà nước đang rốt ráo thực hiện chỉ là cho vận hành hoạt động nghiệp vụ này trở lại để tăng tính công khai minh bạch, tăng nguồn cung vàng qua đó giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, nhất là thương hiệu SJC với giá vàng trên thế giới cũng như giá vàng SJC với các thương hiệu vàng khác mà thôi!

Nhưng vấn đề là tại sao Việt Nam không nhập khẩu vàng?

Theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thực tế, đâu đó vẫn phải nhập khẩu một lượng nhất định, vì cơ bản Việt Nam không có nhiều nguồn vàng ở trong nước. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần phải tính toán nhập về bao nhiêu vàng? ở thời điểm nào? để vừa đảm bảo quan hệ cung - cầu, vừa để kiểm soát dự trữ ngoại hối, đồng thời vẫn góp phần ổn định tỷ giá cũng như kinh tế vĩ mô. Quay lại câu chuyện của thời điểm năm 2013, thị trường vàng là vấn đề rất nóng trong kinh tế Việt Nam. Thời điểm đó, chúng ta giao dịch bằng vàng, cho vay, mượn bằng vàng, có nghĩa là các ngân hàng có thể cho vay vàng. Chính vì thế, thị trường vàng ở mức vàng hóa rất cao, gây nhiều biến động rất lớn.

Cũng nêu quan điểm về quản lý thị trường vàng và việc Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng trở lại, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - chuyên gia kinh tế phân tích, hiện đang có hai vấn đề lớn cần nhắc đến là chống vàng hóa nền kinh tế và giảm sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Đối với vấn đề chống vàng hóa, thời gian qua chúng ta đã làm rất tốt. Hiện vàng đã bị cấm không được trở thành sản phẩm gửi và cho vay trong các ngân hàng thương mại. Điều này đồng nghĩa với việc vàng hóa không còn nữa.

Bên cạnh đó, có một thực tế là thời gian qua giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã có sự chênh lệch rất lớn, có những lúc lên tới 30% - đây là điều phi lý. Đặc biệt, một vấn đề khác là dòng thương mại bị cắt đứt, lâu nay chúng ta không nhập khẩu vàng miếng, trong khi nhu cầu trong nước vẫn cao. Mỗi một năm Việt Nam sản xuất khoảng 600 kg vàng, trong khi nhu cầu có thể lên đến… 50 tấn (theo thông báo của Hội đồng Vàng thế giới). Do đó, để bù đắp nhu cầu này đã dẫn tới việc nhập lậu vàng hoặc tăng giá vàng trong nước là chuyện đương nhiên.

Cho nên muốn xóa bỏ chênh lệch về giá giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới thì đơn giản là dùng các biện pháp thương mại, chứ không cần dùng các biện pháp tiền tệ như là đấu giá vàng miếng.

Theo vị chuyên gia này, các cơ quan quản lý nên cho phép một số công ty kinh doanh vàng bạc đủ điều kiện, tự xuất nhập khẩu và kinh doanh vàng miếng và vàng trang sức. Còn cơ quan quản lý chỉ sử dụng công cụ mạnh nhất hiện nay là thuế để quản lý. Hải quan của Việt Nam bây giờ đã là Hải quan điện tử và đã có thể quản lý rất chặt chẽ, rất tốt việc xuất nhập khẩu vàng. Còn đối với vấn đề tiêu thụ trong nước thì chúng ta sử dụng hóa đơn điện tử để minh bạch việc kinh doanh vàng. Mặt khác, việc tổ chức đấu thầu vàng có thể tạo tác động tâm lý trong ngắn hạn, tuy nhiên, căn cơ nhất, dài hạn nhất và phù hợp thông lệ quốc tế là phải cho xuất nhập khẩu vàng tự do, sản xuất kinh doanh vàng tự do và đánh thuế.

Riêng về về vấn đề chênh lệch giữa giá vàng SJC và vàng thông thường. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thực ra chất lượng giữa hai loại vàng này không khác nhau, chênh lệch giá là do chênh lệch về thương hiệu. SJC cao vì nó là thương hiệu độc quyền của Ngân hàng Nhà nước, nên nhiều người nghĩ rằng mức độ tin cậy cao hơn, song sự chênh lệch về giá cao như hiện nay là điều phi lý. Nhà nước nên trả lại vàng SJC cho chính thương hiệu sản xuất ra nó, để họ kinh doanh bình thường như các thương hiệu vàng khác trong nước. Như vậy thì chúng ta sẽ có một thị trường vàng hoàn toàn ổn định. Thực tế minh chứng, hiện trên thế giới gần như chỉ mỗi chúng ta là còn giữ việc ngân hàng trung ương độc quyền về vàng, độc quyền sản xuất, xuất nhập khẩu vàng miếng.

Trước ý kiến lo ngại, nếu cho xuất nhập khẩu vàng bình thường thì lấy đâu ra ngoại tệ, kéo theo tỷ giá ngoại tệ tăng theo và ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu? TS Lê Xuân Nghĩa thẳn thắn cho rằng, cho dù là buôn lậu thì cũng phải lấy ngoại tệ từ Việt Nam. Bên cạnh đó, lượng ngoại tệ sử dụng để nhập khẩu vàng sẽ không nhiều. Tôi tính toán khoảng 3 tỷ USD, so hàng chục tỷ USD nhập khẩu các mặt hàng khác không là gì cả. Thế nên chúng ta cứ để cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bình thường. Hiện nay, trên thế giới, tác động mạnh nhất đối với giá vàng là các ngân hàng trung ương mua để dự trữ, tức là các nhà đầu cơ, trong đó có nhiều ngân hàng trung ương mua quá nhiều nên đã tác động mạnh đến thị trường. Lẽ ra, chúng ta nên nghiên cứu mua vàng để dự trữ, hơn là câu chuyện mang vàng dự trữ ra để đấu thầu, bình ổn thị trường. Theo tôi, cách làm này có thể là ngắn hạn, song không phải là cách làm căn bản!

Và đương nhiên, khi “hạ nhiệt” thị trường vàng - một thị trường hiện đang quá “nóng” bằng giải pháp ngắn hạn thì hiệu quả đem lại sẽ không nhiều!

Nghĩa là về lâu về dài, để phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch và bền vững thị trường vàng, Chính phủ cần có trong tay “phương thuốc đặc trị” để quản lý hữu hiệu thị trường này, và đặc biệt là xóa bỏ độc quyền trong nhập khẩu và kinh doanh mua, bán vàng miếng. Đồng thời, có giải pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời sự mất cân đối cung - cầu hay những “cơ sốt” giá bất thường. Trong đó, điều tiên quyết là phải xây dựng được một hành lang pháp lý đủ rộng, đủ công cụ và khả năng quản lý thị trường quan trọng này.

Minh Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN