Hà Nam: Phát huy vai trò của công đoàn trong phát triển đội ngũ công nhân
(ĐCSVN) - Những nhiệm vụ của Công đoàn sẽ thúc đẩy đội ngũ công nhân tỉnh Hà Nam thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình: là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công - nông. Để đội ngũ công nhân tỉnh Hà Nam sớm vươn lên là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần đến thăm và gặp gỡ lãnh đạo cùng cán bộ, công nhân viên nhà máy Number 1 Hà Nam (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: tinmoitruong.vn) |
Qua 35 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam nói chung, đội ngũ công nhân trên địa bàn tỉnh Hà Nam nói riêng đã tăng về số lượng: Năm 2010 số lao động ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam chỉ có 33.777 người nhưng tính đến thời điểm quý II năm 2021 đã tăng lên 100.608 lao động như vậy chỉ hơn 10 năm số lao động ở các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam tăng trên 33%. Bên cạnh sự tăng lên về số lượng thì đội ngũ lao động ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn có sự trưởng thành về chất lượng: lao động có trình độ cao đẳng, công nhân kỹ thuật bậc cao và đại học trở lên chiếm 32,93%, còn lại là lao động được đào tạo có bằng cấp từ sơ cấp đến cao đẳng chiêm 67,07% đã khẳng định, phát huy vai trò, địa vị của mình trong phát triển kinh tế- xã hội. Những bước phát triển của đội ngũ công nhân trên địa bàn tỉnh Hà Nam đều gắn với những hoạt động của Liên đoàn lao động tỉnh Hà Nam: nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đồng thời góp phần quan trọng vào việc xây dựng mối quan hệ hài hoà, tiến bộ, ổn định giữa người lao động với chủ sử dụng lao động các doanh nghiệp, Liên đoàn lao động tỉnh là chỗ dựa cho đoàn viên, công nhân khi gặp khó khăn, trắc trở trong cuộc sống hằng ngày, là nơi tư vấn có trách nhiệm, hiệu quả cho chủ sử dụng lao động ở các doanh nghiệp.
Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh Hà Nam, các tổ chức công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động rất tích cực và hiệu quả trong việc phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức. Trong đó, Liên đoàn lao động cấp trên chủ động chỉ đạo các Công đoàn cấp dưới thành lập các công đoàn cơ sở mới, kết nạp thêm đoàn viên. Đến nay, số doanh nghiệp trên địa bàn các khu công nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở là 269/368 (DN đủ điều kiện thành lập CĐCS) với 56.060đoàn viên. Cùng với chủ trương của việc xây dựng một tỉnh năng động, đáng sống, việc tạo dựng một môi trường kinh doanh sản xuất hiện đại, công bằng được quan tâm hàng đầu. Thông qua phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài khu vực kinh tế Nhà nước đã tạo ra các kênh để phổ biến, tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Tỉnh Hà Nam. Do vậy, việc phát triển đoàn viên mới không dừng lại ở nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, mà còn là nhiệm vụ chính trị chung của Tỉnh. Thời gian qua dưới sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện của Ban Thường vụ Liên đoàn lao động tỉnh, Đảng ủy liên đoàn lao động tỉnh và sự chủ động phối hợp giữa Ban chấp hành công đoàn cơ sở với lãnh đạo doanh nghiệp, đến nay các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã ổn định đi vào hoạt động có hiệu quả, đóng góp lớn trong sự nghiệp phát triển của tỉnh, tạo việc làm cho người lao động; các chế độ chính sách được thực hiện tốt, nhiều doanh nghiệp đóng góp nguồn ngân sách lớn cho địa phương.
Đối với công tác tuyên truyền đáng quan tâm trong 2 năm vừa rồi do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên tình hình trong nước nói chung và tại các tỉnh, đặc biệt là tại các khu công nghiệp diễn biến rất phức tạp. Công nhân lao động tại những doanh nghiệp có đông người hoang mang lo lắng, một số doanh nghiệp không có đơn hàng, không có nguyên liệu để sản xuất; các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, tạm hoãn hợp đồng lao động cắt giảm lao động thậm chí phải chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn. Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm Công đoàn Khu công nghiệp đã tham mưu với Thường trực Liên đoàn lao động tỉnh quan tâm chỉ đạo, động viên hỗ trợ doanh nghiệp, công nhân yên tâm sản xuất, Công đoàn các khu công nghiệp thường xuyên nắm bắt tình hình công nhân tại các chi đoàn cơ sở, có những buổi làm việc vận động tuyên truyền công nhân yên tâm lao động sản xuất nhưng không quên nâng cao tinh thần phòng chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc tập trung đông người... hướng dẫn tới các Công đoàn cơ sở công tác phòng, chống dịch COVID -19, các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách của công nhân. Tiếp tục tuyên truyền về các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của tổ chức Công đoàn, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong 6 tháng đầu năm 2021 Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh đã tổ chức lớp tuyên truyền: Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật hôn nhân gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các doanh nghiệp với gần 3.000 đoàn viên, người lao động tham gia.
Các cấp công đoàn đã chủ động hướng dẫn, giúp đỡ chi đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Nhiều chi đoàn cơ sở đã phối hợp có hiệu quả với người sử dụng lao động thương lượng, thực hiện đúng quy định pháp luật về lao động. Chi đoàn cơ sở xây dựng nội dung thoả ước lao động tập thể, tích cực đàm phán với chủ sử dụng lao động để thương lượng tiến tới ký kết thoả ước lao động tập thể giữa công đoàn và chủ sử dụng lao động, đồng thời công đoàn cơ sở nắm vững thời hiệu của thoả ước lao động tập thể để sửa đổi bổ sung khi có sự thay đổi chế độ chính sách của Nhà nước việt Nam hoặc diễn biến thực tiễn không còn phù hợp hoặc thoả ước lao động tập thể đã hết hiệu lực. Kết quả Nắm 2021 tiếp tục Với chủ đề trọng tâm xuyên suốt trong hoạt động công đoàn từ năm 2017 là “Năm vì lợi ích đoàn viên”, vì mục tiêu người lao động có “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”, Ngoài tập trung vào chăm lo cho đoàn viên, người lao động thông qua đối thoại, thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể... góp phần đảm bảo việc làm, thu nhập, các chế độ chính sách, phúc lợi, cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca của đoàn viên, người lao động thì Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh cũng đã tập trung chỉ đạo triển khai chương trình phúc lợi cho đoàn viên để tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phúc lợi cho đoàn viên và người lao động.
Tiếp tục vận động các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ thiết yếu phục vụ nhu cầu sử dụng công nhân như giảm giá, ưu đãi cho người lao động khi mua, sử dụng sản phẩm của các nhà cung cấp. Công đoàn cơ sở thường xuyên quan tâm hỗ trợ người lao động ký giao kết hợp đồng lao động, tư vấn cho người lao động đọc kỹ các nội dung trong bản hợp đồng lao động, mạnh dạn hỏi người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền đại diện cho người lao động trước khi ký và chỉ ký sau khi đã nắm vững và hiểu hết những nội dung đã ghi trong Hợp đồng lao động. Công đoàn cơ sở tham gia với doanh nghiệp các biện pháp thực hiện, chiến lược sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho công nhân, lao động; tham gia giải quyết có hiệu quả nhiều vụ tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể và đình công tự phát, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.
Công đoàn cơ sở luôn chăm lo đến đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho người lao động: Tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao nội bộ, hoạt động dã ngoại cho công nhân, lao động trong doanh nghiệp, đã góp phần cải thiện đời sống tinh thần cho đoàn viên công đoàn; góp phần tăng cường hiểu biết, gắn bó giữa các đoàn viên công đoàn. Tổ chức thực hiện các phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” và cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh công nghiệp”, Chương trình Tết Sum vầy các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động; góp phần xây dựng cơ sở đảng ở khu vực này. Công đoàn cơ sở đã chăm lo đến công nhân, lao động và gia đình họ thông qua các hoạt động tặng quà và phần thưởng cho con, em công nhân, lao động có thành tích cao trong học tập; tổ chức thăm hỏi, trợ cấp khi ốm đau, gia đình gặp khó khăn đột xuất, có việc hiếu, hỷ; tổ chức cho công nhân, lao động đi thăm quan, nghỉ mát...
Những hoạt động thiết thực trên của Công đoàn đã thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ công nhân trên địa bàn tỉnh Hà Nam, tuy nhiên bên cạnh đó công đoàn còn nhiều bất cập như: không ít tổ chức công đoàn hoạt động còn mang tính hình thức, e dè, ngại né tránh, không dám làm trái những yêu cầu của người sử dụng lao động dẫn đến quyền lợi của công nhân bị xâm hại, các tranh chấp lao động, đình công vẫn còn xảy ra. Công tác phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở chưa tương xứng với tốc độ phát triển của doanh nghiệp, người lao động; chất lượng đoàn viên chưa cao, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở còn hạn chế. Mô hình tổ chức, phương thức tập hợp đoàn viên, người lao động có mặt chậm được đổi mới. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn còn bất cập; nhiều nơi thiếu cán bộ chuyên trách, một bộ phận cán bộ năng lực yếu. Hoạt động công đoàn ở một số ngành, địa phương chưa gắn với đặc điểm, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động và tình hình quan hệ lao động. Hiệu quả tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên, người lao động chưa cao. Vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của công nhân, người lao động có mặt còn hạn chế. Tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tuy giảm nhưng còn phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn về an ninh, trật tự. Tất cả những hạn chế trên đều ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng phát triển đội ngũ công nhân trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Với những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp công đoàn tỉnh Hà Nam tiếp tục phát huy vai trò, khẳng định vị thế tổ chức công đoàn trong xây dựng phát triển đội ngũ công nhân của tỉnh để thực hiện thắng lợi mục tiêu như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ ra: “Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Các cấp công đoàn tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chi đoàn cơ sở để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chi đoàn cơ sở cần tập trung xây dựng tiêu chuẩn cho các chức danh cán bộ chi đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp: chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, các ủy viên chi đoàn cơ sở. Cán bộ chi đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp phải là người có bản lĩnh, tâm huyết với hoạt động công đoàn, có năng lực về chính trị, pháp luật, chuyên môn, nghề nghiệp, có phương pháp vận động quần chúng và tổ chức hoạt động.
Công đoàn cấp trên cần tiến hành tổ chức biên soạn các tài liệu nghiệp vụ, giúp cán bộ chi đoàn cơ sở biết nội dung và cách thức hoạt động. Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ chủ tịch chi đoàn cơ sở trong các khu công nghiệp, trước mắt, tập trung vào các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có đông công nhân. Làm tốt công tác tư tưởng với chủ doanh nghiệp để họ ủng hộ chủ trương đưa cán bộ chuyên trách về trực tiếp nắm chi đoàn cơ sở ở các đơn vị trọng yếu. Chỉ đạo đổi mới nội dung và cách thức hoạt động của chi đoàn cơ sở, hướng về việc chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân như hướng dẫn ký kết hợp đồng lao động, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, xây dựng và giám sát thực hiện chế độ, chính sách, phối hợp tổ chức tốt Hội nghị người lao động, Hội nghị đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động, tổ chức giao ban với các doanh nghiệp, nắm bắt tư tưởng công nhân, kiến nghị giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Thứ hai: Các tổ chức công đoàn phối hợp với nhà nước, xã hội và từng người lao động đẩy mạnh công tác giáo dục - đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, nâng cao chất lượng lao động để nhanh chóng đưa đội ngũ công nhân ra khỏi điểm xuất phát thấp kém về tri thức và khả năng thích ứng với cơ chế thị trường, tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ hiện đại.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả chiến lược giáo dục - đào tạo, đặc biệt là chiến lược đào tạo công nhân, trong đó cần quan tâm đến xây dựng đội ngũ giáo viên, nội dung chương trình, cơ sở vật chất trang thiết bị, công tác tổ chức quản lý quá trình đào tạo.
Hàng năm, ưu tiên dành một khoản ngân sách thoả đáng cho đào tạo lại và dạy nghề cho công nhân, tổ chức các trường, các lớp dạy bổ túc văn hoá cho công nhân. Chú trọng chính sách đào tạo, sử dụng công nhân trong và sau khi đào tạo. Các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp phải dành ngân sách từ quỹ đầu tư phát triển cho công tác bổ túc văn hoá, đào tạo lại nghề cho công nhân đáp ứng yêu cầu đối với nghề tại ngành, địa phương và doanh nghiệp. Khuyến khích, tạo điều kiện cho công nhân lao động tự học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, ngoại ngữ, trình độ tiếp thị.
Để nâng cao trình độ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực trong doanh nghiệp, vai trò của người sử dụng lao động trong doanh nghiệp rất quan trọng. Trước mắt, người sử dụng lao động cần có những giải pháp sau để nâng cao trình độ và hiệu quả sử dụng nguồn lực: Có chính sách khuyến khích phát triển quỹ đào tạo doanh nghiệp để phục vụ cho công tác đào tạo theo định kỳ và đào tạo lại do đổi mới công nghệ, di chuyển chỗ làm việc của người lao động. Doanh nghiệp cần có những quy định khuyến khích người lao động không ngừng nâng cao trình độ như tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ kinh phí, đảm bảo đầy đủ tất cả các quyền lợi đối với người lao động trong thời gian đi học, đảm bảo việc làm, tiền lương phù hợp sau khi học xong. Doanh nghiệp cần thường xuyên có các chương trình thi tay nghề, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và sản xuất để không ngừng nâng cao trình độ công nhân, lao động. Chủ động có kế hoạch gửi người lao động đi đào tạo, thực tập tại các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài - những nước có công nghệ hiện đại, có kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất kinh doanh.
Thứ ba: Công đoàn cơ sở cần tập trung vào việc: tuyên truyền, phổ biến đến đoàn viên, công nhân, lao động về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chú trọng các chủ trương, chính sách có liên quan đến nghĩa vụ, quyền lợi của người lao động như chính sách lao động, tiền lương, tiền công, tiền thưởng; bảo hộ lao động; các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi; kỷ luật lao động; chế độ nghỉ hưu. Trong các doanh nghiệp có đông lao động nữ, cần chú trọng nâng cao các kiến thức về giới cho nữ công nhân để có nhận thức đúng đắn về chính sách dân số, sức khoẻ sinh sản, bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Cần đổi mới phương pháp tuyên truyền, không chỉ giảng lý thuyết đơn thuần mà tuyên truyền cần có hình ảnh, ví dụ minh họa; sử dụng các công cụ hỗ trợ hiện đại; thời gian ngắn gọn, nội dung vừa phải.
Có thể nói đội ngũ công nhân tỉnh Hà Nam hiện nay còn tồn tại một số hạn chế: là lao động giản đơn, chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng (trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế); còn thiếu các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cũng còn nhiều hạn chế…chưa đáp ứng được với quá trình CNH,HĐH gắn với kinh tế tri thức. Những hạn chế này đặt ra cho tỉnh Hà Nam những nhiệm cụ cấp bách quan trọng để xây dựng, phát triển đội ngũ công nhân của tỉnh để có thể đáp ứng được với sự phát triển kinh tế- xã hội trong đó tổ chức công đoàn có vai trò, trách nhiệm to lớn.
Công đoàn luôn đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp công nhân, viên chức, lao động; cũng như nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp cho công nhân, viên chức, lao động. Cùng với đó, công đoàn cơ sở chủ động tham gia xây dựng, hoàn thiện nội quy, quy chế cơ quan, doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách đối với công nhân, viên chức, lao động; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động. Những nhiệm vụ của Công đoàn sẽ thúc đẩy đội ngũ công nhân tỉnh Hà Nam thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình: là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công - nông. Để đội ngũ công nhân tỉnh Hà Nam sớm vươn lên là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; tiên phong trong sự nghiệp xây dựng CNXH, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng./.