Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hạ Long hướng tới xây dựng thương hiệu "Thành phố lễ hội"

Thứ Hai, 02/09/2024 03:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sở hữu nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử phong phú và độc đáo, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đang hướng tới xây dựng thương hiệu "Thành phố lễ hội".

Thành phố Hạ Long sở hữu nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử rất phong phú và độc đáo với 96 di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng; trong đó, nổi bật nhất là vịnh Hạ Long được UNESCO 3 ghi danh là di sản thiên nhiên thế giới. Theo thống kê, lễ hội trên địa bàn Thành phố Hạ Long hiện được chia thành 3 loại hình, bao gồm lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài. Trung bình mỗi năm, thành phố tổ chức khoảng 10-15 lễ hội, sự kiện tiêu biểu.

Trong nhiều năm trở lại đây, tài nguyên văn hóa đã góp phần thúc đẩy các hoạt động du lịch lễ hội, tâm linh của Hạ Long nói riêng, Quảng Ninh nói chung phát triển. Du lịch qua các lễ hội, sự kiện văn hóa cũng đang trở thành xu thế, là tiền đề để phát triển mạnh các ngành công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí tại các địa phương trong cả nước.

Carnaval Hạ Long đã tạo nên sức sống mới, diện mạo riêng và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho du khách. 

Tại Hạ Long, bên cạnh các lễ hội truyền thống, Carnaval Hạ Long là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc nhất, lễ hội đường phố ấn tượng nhất mỗi dịp hè về đã được Quảng Ninh duy trì, phát triển suốt nhiều năm qua. Mỗi năm một chủ đề với những màn biểu diễn nghệ thuật được dàn dựng đặc sắc, công phu, ấn tượng, Carnaval Hạ Long đã tạo nên sức sống mới, diện mạo riêng và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho du khách về vẻ đẹp vùng đất di sản. Qua đó, góp phần gắn kết văn hóa với du lịch, đưa các hoạt động lễ hội trở thành không gian văn hóa đặc sắc, hội tụ tinh hoa truyền thống và hiện đại.

Cùng với thành công của Carnaval Hạ Long, một số lễ hội, sự kiện mới, nâng cấp các lễ hội truyền thống cho thấy cách tiếp cận linh hoạt, mềm dẻo, đáp ứng được những thay đổi trong nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa mới của du khách và nhân dân, nhưng vẫn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống. Cả hai loại hình sinh hoạt văn hóa lễ hội truyền thống và lễ hội mới bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để có thể thỏa mãn các nhu cầu về văn hóa tinh thần, vật chất cho cộng đồng trong những điều kiện, hoàn cảnh mới.

Nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn qua việc tổ chức các lễ hội, sự kiện, gắn với mục tiêu xây dựng Hạ Long (Quảng Ninh) là Thành phố lễ hội, trung tâm du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế, mới đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long đã ban hành Quyết định số 7556/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Hạ Long - Thành phố lễ hội.”

Đề án thể hiện tầm nhìn, cách làm sáng tạo của địa phương trong thực hiện công tác bảo tồn, tôn vinh các lễ hội truyền thống, phát triển các lễ hội mới đáp ứng nhu cầu vui chơi, thụ hưởng văn hóa của người dân. Qua đó, từng bước hình thành thương hiệu cho các lễ hội văn hóa, du lịch riêng có của thành phố bên bờ di sản.

Để triển khai thực hiện Đề án “Hạ Long - thành phố lễ hội”, thành phố sẽ bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống mang bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc trưng riêng của TP Hạ Long. Đồng thời, nâng cấp một số lễ hội có giá trị, sự kiện tiêu biểu để tổ chức thường niên ở quy mô cấp thành phố và lựa chọn phục dựng lại một số lễ hội truyền thống có giá trị tiêu biểu; huy động có hiệu quả các nguồn lực (tài trợ, xã hội hoá...) để tổ chức lễ hội, sự kiện.

Đồng thời, duy trì tổ chức các lễ hội, sự kiện đang có; điều chỉnh lại thời gian tổ chức một số lễ hội, sự kiện để các tháng, các mùa trong năm đều có lễ hội, sự kiện, đặc biệt là các mùa thấp điểm của du lịch Hạ Long. Đồng thời, lựa chọn, tổ chức các lễ hội, sự kiện tiêu biểu, phù hợp với nhu cầu của người dân và nguồn lực của thành phố, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Từ đây, đưa hoạt động lễ hội, sự kiện trở thành hoạt động văn hóa, du lịch thường niên, quảng bá hình ảnh đất nước, mảnh đất, con người, văn hóa Hạ Long - Quảng Ninh.

Các sự kiện tại Hạ Long luôn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. 

Trong năm 2025, Thành phố Hạ Long sẽ phục dựng và tổ chức lại một số lễ hội truyền thống: Lễ mừng cơm mới của người Tày xã Dân Chủ; Lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu Thành phố Hạ Long; Lễ hội chùa Lôi Âm; Lễ hội đền Cái Lân; Lễ hội chùa Long Tiên. Cùng với đó, nâng cấp quy mô một số lễ hội truyền thống: Hội làng Bằng Cả, Lễ hội đền vua Lê Thái Tổ. Đặc biệt, tập trung xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia đối với Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (năm 2025), Lễ hội đền vua Lê Thái Tổ (năm 2027).

Ngoài ra, thành phố cũng tổ chức một số lễ hội, sự kiện văn hóa du lịch mới: Lễ hội đua thuyền buồm thể thao và thuyền rồng truyền thống Thành phố Hạ Long; Lễ hội hoa anh đào và tuần văn hóa Nhật Bản tại Hạ Long; Lễ hội dù bay có động cơ và dù lượn; Lễ hội trăng rằm và trình diễn ánh sáng nghệ thuật bên vịnh Di sản; Ngày di sản vịnh Hạ Long; Lễ hội hoa Xuân Hạ Long; Lễ hội hoa - Thiên đường hoa Quảng La; Lễ hội mùa ổi chín... Dự kiến có 16 lễ hội, sự kiện văn hóa cấp thành phố; 14 lễ hội du lịch cấp xã, phường.

Thành phố cũng đặt ra những yêu cầu cụ thể với từng đơn vị, địa phương trong triển khai Đề án. Đối với Carnaval Hạ Long, sẽ xây dựng kế hoạch, kịch bản tổ chức lễ hội, sự kiện, gửi lấy ý kiến của các đơn vị liên quan đảm bảo thời gian tối thiểu hoàn thành trước 6 tháng; đối với các sự kiện, lễ hội của thành phố sẽ hoàn thành trước 3 tháng, riêng Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn hoàn thành trước 4 tháng; còn lễ hội cấp xã, phường phải hoàn thành kế hoạch, kịch bản trước 2 tháng.

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, địa phương sẽ tạo điều kiện, thu hút các nhà đầu tư dàn dựng, tổ chức các chương trình sản xuất phim điện ảnh, âm nhạc, giải trí, biểu diễn thực cảnh gắn với văn hóa biển, đảo, văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hạ Long Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, với việc phê duyệt và ban hành các kế hoạch để triển khai Đề án “Hạ Long - Thành phố lễ hội” kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, đẳng cấp, thu hút khách du lịch. Từ đó, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế và là một trong những động lực để xây dựng Thành phố Hạ Long “Kiểu mẫu, hiện đại, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình”, “Thành phố của hoa và lễ hội”.

7 tháng năm 2024, Thành phố Hạ Long đón trên 7,6 triệu lượt khách (bằng 140% so cùng kỳ năm 2023), trong đó khách quốc tế gần 1,6 triệu lượt (bằng 235% so cùng kỳ năm 2023); tổng thu từ du lịch đạt 16.600 tỷ đồng (bằng 138% so cùng kỳ năm 2023). 

H.T

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN