(ĐCSVN) – Trong 6 tháng đầu năm 2021, trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hà Giang quyết tâm thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ sự quan tâm của Trung ương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, 6 tháng đầu năm, địa phương đã đạt được những kết quả nổi bật.
Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang về quá trình thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của Hà Giang 6 tháng đầu năm và những kết quả đạt được trong thời gian qua.
Cụ thể hóa các chính sách để nhân dân vượt qua khó khăn dịch bệnh
Phóng viên: Thưa đồng chí, dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp. Đồng chí đánh giá ra sao về tác động của dịch COVID-19? Để ngăn chặn và vượt qua dịch bệnh, Hà Giang cần có những giải pháp cụ thể gì?
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang |
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn: Như chúng ta đã biết, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường và tiếp tục lây lan với tốc độ cao, gây suy thoái kinh tế, làm đình trệ hoạt động sản xuất, thương mại toàn cầu. Đối với tỉnh Hà Giang nói riêng, từ năm 2020 cho đến nay, đại dịch COVID-19 đã có sự ảnh hưởng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chủ yếu trên các hoạt động như: Thu hút khách du lịch, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, vận tải, tín dụng, sản xuất, kinh doanh. Bước sang năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, kinh tế - xã hội tiếp tục bị ảnh hưởng.
Thời gian tới, theo dự báo, tình hình dịch COVID-19 sẽ có những diễn biến khó lường, lây lan với tốc độ nhanh, mạnh và khó kiểm soát hơn... Để ngăn chặn và vượt qua dịch bệnh, chúng tôi xác định, cần thực hiện hiệu quả chủ trương của Chính phủ trong 6 tháng cuối năm là: Tiếp tục kiên định "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động điều chỉnh linh hoạt về nhiệm vụ, giải pháp điều hành đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động quyết liệt, kịp thời các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội; tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước; thực hiện thắng lợi toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đề ra tại Nghị quyết số 46/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh và Quyết định 2355/QĐ UBND ngày 11/12/2020 của UBND tỉnh.
Đồng thời, kiên trì, quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm “chống dịch như chống giặc”, bảo đảm hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng chống dịch và sản xuất kinh doanh, “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”. Tăng cường đổi mới, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; không trông chờ, ỷ lại; biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể; coi khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu để vươn lên; có cách tiếp cận mới, tạo sức bật mới trong bối cảnh mới. Chú trọng tổng kết, phổ biến, nhân rộng, phát huy tối đa các bài học kinh nghiệm quý. Các cấp, các ngành chủ động huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh, có chính sách bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Phát triển kinh tế gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác đối ngoại; xây dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định.
Chú trọng khai thác thế mạnh, đẩy nhanh chuyển đổi số để phát triển hiệu quả
Phóng viên: Thưa đồng chí, Hà Giang vốn được biết tới là một địa phương có tiềm năng lớn về phát triển du lịch. Theo đồng chí, tỉnh cần phải làm gì để du lịch thực sự đóng góp vào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội của đồng bào các dân tộc trong tỉnh?
Hướng đến mục tiêu nói trên, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đàng viên và các tầng lớp nhân dẫn nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, đem lại hiệu quả nhiều mặt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại và an ninh, quốc phòng. Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng ứng xử văn minh, thân thiện, bảo vệ hình ảnh, môi trường, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Hà Giang. Đồng thời, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, có tính cạnh tranh cao. Tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu riêng có của du lịch Hà Giang dựa trên giá trị văn hóa truyền thống của 19 dân tộc, các di tích, danh thắng và giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Phát triển nhanh, bền vững du lịch khu vực 4 huyện Cao nguyên đá: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, các huyện còn lại là vệ tinh. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của thị trường khách, xây dựng cơ sở dữ liệu và phát triển mạnh thị trường khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế. Đa dạng hóa các loại hình du lịch, dựa trên tiềm năng lợi thế của ba không gian du lịch, tiếp tục khảo sát mở rộng thêm các sản phẩm du lịch hiện đại phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách.
Hợp tác phát triển du lịch Hà Giang thông qua chuyển đổi số và du lịch thông minh. |
Song song với đó, tỉnh cũng sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng du lịch. Đẩy mạnh liên kết ứng dụng công nghệ số trong quản lý và xúc tiến, quảng bá du lịch. Phát huy sức mạnh của truyền thông và tăng cường quảng bá trên mạng xã hội. Huy động nguồn lực xã hội kết hợp nguồn lực nhà nước trong xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường phối hợp và cung cấp thông tin, hình ảnh và sản phẩm du lịch của tỉnh Hà Giang cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại, quảng bá du lịch Hà Giang tới các địa phương nước ngoài. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch gắn với đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.
Phóng viên: Việc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, xu hướng chính phủ điện tử là tất yếu. Tỉnh Hà Giang đã có những chuẩn bị gì trước những thay đổi nhanh chóng của bối cảnh chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ như hiện nay?
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn: Trong xu thế chuyển đổi số hiện nay, Hà Giang xác định đây là bước đi tiếp theo quan trọng, cấp thiết và tất yếu, cần sớm nắm bắt, tiếp cận và vào cuộc một cách mạnh mẽ, đồng bộ của toàn hệ thống chính trị. Trước đây chúng ta đã làm rồi, đã quen rồi nhưng mới đang dừng ở mức làm quen, tiếp cận và còn rời rạc, bây giờ là lúc cần nâng cao hơn nữa, chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và đặc biệt là đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực. Cần xác định chuyển đổi số không phải là việc của riêng ai, không chờ đợi ai mà là của mọi người, mọi nơi, mọi lúc. Chuyển đổi số là xu thế toàn cầu nên không ai đứng ngoài cuộc được và những người càng tham gia sớm là những người càng có cơ hội đón nhận được những thành tựu mới, cơ hội mới và có thể tiếp tục phát triển; người nào càng tham gia muộn người đó sẽ càng gặp nhiều thách thức và có nguy cơ bị tụt hậu, bị đào thải.
Trong những năm qua, khi thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, Hà Giang đã sớm xác định được xu thế của công nghệ, do đó đã luôn quan tâm đầu tư, phát triển hạ tầng số, quyết liệt trong xây dựng chính quyền điện tử và là một tỉnh tiên phong trong một số nội dung như: Ứng dụng chữ ký số chuyên dùng, triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản, một cửa điện tử đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã và liên thông với quốc gia. Cùng với đó đã chú trọng và tích cực triển khai đưa vào vận hành các hệ thống cung cấp dịch vụ của các cơ quan trung ương để phục vụ người dân được tốt hơn. Quá trình đó đã làm cho cán bộ và người dân dần hình thành được thói quen làm việc trong môi trường số, nhận thức được giá trị của công nghệ số. Khẳng định việc xây dựng chính quyền điện tử đã đóng góp vai trò quan trọng trong cải cách hành chính và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và với nhận thức, quyết tâm chính trị hiện nay, Hà Giang đã hoàn toàn sẵn sàng và tự tin thực hiện chuyển đổi số một cách vững chắc.
Tin tưởng với sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của của người dân và doanh nghiệp, Hà Giang sẽ sớm hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số, tạo bước chuyển mình mạnh mẽ, thay đổi diện mạo mới.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!