(ĐCSVN) - Những kết quả đạt được năm 2021 là thành quả của sự đồng lòng, quyết tâm của toàn đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh, qua đó tô thắm thêm bức tranh Hà Giang sau 130 năm thành lập tỉnh; củng cố niềm tin, niềm tự hào và tạo động lực mạnh mẽ cho tỉnh Hà Giang tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Đó là những chia sẻ của đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trước thềm Xuân mới Nhâm Dần 2022.
Thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép"
PV: Thưa đồng chí, năm 2021 với những khó khăn, thử thách chưa từng có trong tiền lệ đã khép lại. Đồng chí có thể đánh giá khái quát về những kết quả đạt được trong năm vừa qua của tỉnh Hà Giang?
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và của tỉnh: năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử Đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026; kỷ niệm 130 thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh, 60 năm Bác Hồ lên thăm Hà Giang.
Năm vừa qua, với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của UBND tỉnh và những cố gắng, nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, bức tranh tổng quát về kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang đã có những điểm sáng với kết quả đạt được rất tích cực. Tỉnh đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội với 22/32 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Những kết quả đó là minh chứng rõ nét của sự đồng lòng, quyết tâm của toàn đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh, góp phần tô thắm thêm bức tranh Hà Giang sau 130 năm thành lập tỉnh; củng cố niềm tin, niềm tự hào và tạo động lực mạnh mẽ cho tỉnh Hà Giang tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh ngày 5/11/2021 (Ảnh: Kim Tiến) |
PV: Cũng như nhiều địa phương khác, năm 2021 tỉnh Hà Giang phải đối mặt với những khó khăn trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Là tỉnh có địa bàn rộng, người dân sống phân tán, nguồn lực hạn hẹp, Hà Giang đã kiểm soát và thích ứng linh hoạt với dịch bệnh COVID-19 như thế nào?
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục được kiểm soát tốt trên địa bàn tỉnh. Trong 10 tháng đầu năm 2021 toàn tỉnh không có ca lây nhiễm cộng đồng. Từ ngày 25/10/2021 xuất hiện ca nhiễm cộng đồng đầu tiên cùng với việc đón số lượng lớn người lao động trở về từ vùng dịch, Hà Giang đã kịp thời chỉ đạo và triển khai các biện pháp cấp bách chống dịch. Với sự quyết tâm, quyết liệt, xác định bảo vệ an toàn cho người dân là nhiệm vụ hàng đầu, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; chủ động phát huy nội lực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát, kiểm tra; thực hiện nghiêm phương châm “bốn tại chỗ”, “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”.
Đến nay, do quyết liệt triển khai tiêm vắc xin, mạnh dạn thí điểm có kiểm soát cách ly, điều trị F0 tại nhà, cùng với tinh thần cảnh giác, chủ động, thích ứng, dịch bệnh đã được kiểm soát, hệ thống y tế không bị quá tải, tỷ lệ bệnh nặng ở mức thấp, đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục, tổ chức lại theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Từ ngày 23/11/2021 tỉnh Hà Giang cũng đã chính thức mở cửa đón du khách trở lại thăm quan trong tình hình mới.
Ngay khi dịch bùng phát, Hà Giang đã kịp thời chỉ đạo và triển khai các biện pháp cấp bách chống dịch |
Những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội
PV: Đồng chí có thể chỉ rõ những điểm sáng tích cực trong bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh Hà Giang?
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Trong điều kiện thuận lợi song cũng nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng sâu, rộng của dịch bệnh COVID-19, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, vượt khó đi lên, chung sức, đồng lòng vì Hà Giang phát triển. Minh chứng rõ nét nhất là những kết quả nổi bật đạt được trong năm 2021, cụ thể là:
Hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì, phát triển, thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Tăng trưởng kinh tế cả năm đạt mức khá 5,06%, sản xuất nông nghiệp diễn ra thuận lợi, tổng sản lượng lương thực tăng 6.888,3 tấn so với năm 2020. Giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha đất canh tác đạt 53,05 triệu đồng, vượt kế hoạch đề ra. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ấn tượng, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) ước đạt 7.288 tỷ đồng, tăng 17,18% so với năm 2020. Năm 2021, thu hút được 20 dự án đầu tư với số vốn đăng ký 3.409,9 tỷ đồng. Trong đó đã khởi công dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái núi Mỏ Neo; khánh thành Nhà máy Dược phẩm Bông Sen Vàng và Nhà máy gạch Tuynel Tân Bắc.
Nguồn lực đầu tư cho phát triển được huy động hiệu quả. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 12.010 tỷ đồng, tăng 3,9%; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 25.863 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm 2020; công tác thu - chi ngân sách được điều hành linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo nhiệm vụ chi trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Kết cấu hạ tầng cho phát triển từng bước được hoàn thiện, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông. Tỉnh đã và đang tích cực làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để xúc tiến đầu tư tuyến đường nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và tuyến kết nối cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang với Hà Giang; đầu tư cải tạo, sửa chữa và nâng cấp các tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ, đường ra cửa khẩu, đường huyện, các tuyến đường đến trung tâm xã, đảm bảo giao thông thông suốt.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn thăm, tặng quà một số đơn vị, hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, người cao tuổi trên địa bàn nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần |
Công tác an sinh, xã hội được đảm bảo. Hà Giang đã hoàn thành xây dựng 5.131 nhà ở cho cựu chiến binh nghèo, gia đình chính sách, hộ nghèo khó khăn về nhà ở, vượt mục tiêu đề ra 131 căn nhà. Đời sống người dân được chăm lo, đặc biệt là gia đình chính sách, người nghèo, công nhân đi lao động từ các tỉnh khác gặp khó khăn do dịch COVID-19 trở về địa phương.
Chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, đã có 2.616 hộ tham gia với tổng diện tích cải tạo 290 ha, vượt kế hoạch đề ra.
Chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số được quan tâm, triển khai với những giải pháp căn cơ, chiến lược, lâu dài. Đã thành lập trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT tại huyện Bắc Mê, Đồng Văn, Xín Mần và Hoàng Su Phì. Việc thành lập Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tỉnh Hà Giang đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho chủ trương. Quỹ Khuyến học - Khuyến tài tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả.
Chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, hỗ trợ tích cực cho các lĩnh vực, đặc biệt là công tác tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh, quảng bá du lịch, chuyển đổi số cho doanh nghiệp…, từng bước trở thành giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững, lâu dài.
Cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính được triển khai tích cực; các chỉ số PAPI, ParIndex, ICT Index, SIPAS tăng đáng kể so với năm trước. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được thực hiện tốt, đã giải quyết dứt điểm được nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài.
Quốc phòng, an ninh được đảm bảo, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại có nhiều đổi mới. Hình ảnh của tỉnh Hà Giang được xây dựng, quảng bá tích cực, ngày càng gần gũi, năng động, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân cả nước và trên thế giới, thông qua các hoạt động, sự kiện nổi bật, ý nghĩa: tổ chức 03 đoàn cán bộ y tế chi viện cho miền Nam chống dịch COVID-19; chủ động đón và hỗ trợ ổn định cuộc sống người lao động trở về quê hương từ vùng dịch; công chiếu các sự kiện của tỉnh trên nền tảng số (lễ hội Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, lễ hội Hoa Tam giác mạch…); tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh, 60 năm Bác Hồ lên thăm Hà Giang; thực hiện thành công Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh; chủ trì tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 08 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh…
Với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của UBND tỉnh và sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, bức tranh tổng quát về kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh Hà Giang đã có những gam màu sáng (Ảnh: Huy Toán - Lê Lâm) |
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh
PV: Mục tiêu tổng quát của tỉnh trong năm 2022 là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 7,5%. Xin đồng chí cho biết những giải pháp trọng tâm nào sẽ được UBND tỉnh chỉ đạo, thực hiện để đạt mục tiêu đó?
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Năm 2022, Hà Giang đặt mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, đồng thời tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Trước mắt, tỉnh tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 với nỗ lực cao nhất để kiểm soát, không để dịch lây lan diện rộng; đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng là trẻ em và người lao động trong các lĩnh vực kinh tế; tiếp tục phát huy vai trò của mạng lưới y tế cơ sở, các tổ hỗ trợ điều trị COVID-19, tổ COVID-19 cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh...
Trong phát triển kinh tế - xã hội, tập trung phát triển mạnh các lĩnh vực công nghiệp, nông - lâm nghiệp dựa trên thế mạnh sẵn có, như: phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị gắn với phát triển du lịch và tiêu thụ trên nền tảng số; phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với xây dựng vùng nguyên liệu; phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; tích cực phục hồi hoạt động du lịch thông qua các chương trình kích cầu du lịch, xúc tiến, quảng bá du lịch; nâng cao trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động du lịch, ứng dụng công nghệ số vào quản lý du lịch.
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Quản lý và triển khai hiệu quả các Quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược có sức lan tỏa, nhất là về giao thông, năng lượng, hạ tầng số. Tập trung triển khai hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh; chủ động tiếp cận xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, thương hiệu lớn đầu tư vào tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư lớn triển khai thành công các dự án;...
Công chiếu các sự kiện quan trọng của tỉnh Hà Giang trên nền tảng số năm 2021 |
Một nhiệm vụ quan trọng khác không chỉ trong năm 2022 mà trong cả nhiệm kỳ là triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 trên cả 3 trụ cột là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Tỉnh chủ trương đưa nội dung ứng dụng chuyển đổi số vào công tác phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai thương mại điện tử, đặc biệt quan tâm xây dựng kế hoạch và triển khai ngay từ đầu năm kế hoạch tiệu thụ sản phẩm cam sành trên các sàn thương mại điện tử; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ; phát huy vai trò của đội ngũ thanh niên, trí thức trẻ trong việc tiên phong chuyển đổi số;...
Cùng với đó, tập trung phát triển khoa học công nghệ, quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tăng cường phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và các vấn đề xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh biên giới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.
PV: Những năm gần đây, Hà Giang trở thành vùng đất giàu tiềm năng du lịch, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Năm vừa qua, du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Đồng chí có thể chia sẻ đôi điều về sự đổi mới và thích ứng linh hoạt của ngành du lịch Hà Giang trong tình hình mới?
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Theo quan điểm chỉ đạo của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang tại Nghị quyết số 11-NQ/TU, phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Tỉnh cũng chủ trương phát triển du lịch là khâu đột phá trong phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường...
Mặc dù là tỉnh miền núi, còn gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở, nhưng vài năm trở lại đây, Hà Giang đã bước đầu xây dựng được nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách. Thống kê cho thấy, những năm gần đây, du lịch Hà Giang đã và đang khẳng định vị trí của mình trong lòng du khách với lượng tăng trưởng khách du lịch bình quân trên 15%/năm.
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, khách du lịch đến với Hà Giang đạt hơn 908 nghìn lượt khách, đạt 53,3% chỉ tiêu kế hoạch, trong đó khách quốc tế có hơn 4 nghìn lượt, khách nội địa có hơn 863 nghìn lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 1.633 tỷ đồng. Nhìn lại năm vừa qua, khắc phục những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, Hà Giang đã có sự linh hoạt, đổi mới trong các hoạt động xúc tiến, tăng cường chuyển đổi số để tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả quảng bá, truyền thông trên các nền tảng số như: Tổ chức truyền thông giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, văn hóa trà và sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hà Giang, Lễ hội Hoa Tam giác mạch trên các nền tảng số...
Gần đây nhất, tỉnh cũng tổ chức đón đoàn khách lữ hành Vietravel với gần 200 người đến Hà Giang khảo sát các tour, sản phẩm du lịch; tổ chức Hội thảo Phát triển sản phẩm du lịch với sự tham gia của các chuyên gia, các doanh nghiệp lữ hành; tổ chức các cuộc khảo sát sản phẩm du lịch tại các địa phương... Những hoạt động đó đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người, bản sắc văn hóa truyền thống và sức cuốn hút của du lịch Hà Giang đến nhiều du khách trong và ngoài nước.
Từ ngày 23/11/2021, sau khi chính thức mở cửa đón du khách trở lại thăm quan trong giai đoạn bình thường mới, tỉnh đã có kế hoạch phát triển nhiều loại hình du lịch và sản phẩm du lịch mới, trong đó nâng cấp các lễ hội của bà con đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển một số loại hình du lịch mạo hiểm như: Đi bộ trên vách đá trắng, đi thuyền trên sông Nho Quế, dù lượn trên mùa vàng, chạy marathon, lễ hội khinh khí cầu... Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang còn hướng tới sản phẩm du lịch thương mại biên giới, phát triển một số trung tâm mua sắm, giới thiệu nông sản địa phương. Với những sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, nhiều du khách đã chọn Hà Giang là điểm đến đầu tiên để khám phá thiên nhiên, hiểu rõ hơn về Hà Giang, đặc biệt là bản sắc văn hóa của 19 dân tộc sinh sống nơi địa đầu cực bắc của Tổ quốc.
Nhiều du khách đã chọn Hà Giang là điểm đến đầu tiên để khám phá thiên nhiên, con người, đặc biệt là bản sắc văn hóa của 19 dân tộc sinh sống nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc (Ảnh: Chu Việt Bắc) |
PV: Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022, đồng chí có thông điệp gì gửi gắm cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh?
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Một mùa Xuân mới đang về, mang theo quyết tâm mới, khí thế mới trên khắp mọi miền Tổ quốc. Với những kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, khả năng thích ứng an toàn và linh hoạt với dịch bệnh được nâng cao; Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt; Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai... Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang tiếp tục đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường, chung tay vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt tốt thời cơ, lợi thế để phát triển; thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; quyết tâm giành nhiều thắng lợi mới, to lớn hơn, xây dựng quê hương Hà Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh - vững vàng nơi tuyến đầu Tổ quốc.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn!
.