Hà Giang: Phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với du lịch
(ĐCSVN) - Với nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, phù hợp phát triển các loại nông sản đặc trưng, Hà Giang có nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, trở thành điểm tựa vững chắc để phát triển du lịch.
Hà Giang là vùng đất biên cương, địa đầu Tổ quốc, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với nhiều giá trị đặc sắc về địa chất, địa hình. Với trên 80% lao động sinh sống ở khu vực nông thôn, ngành Nông nghiệp luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế, vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa tạo sinh kế bền vững cho nhân dân, phát triển kinh tế xã hội của Hà Giang.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang Hoàng Hải Lý cho biết: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhất là đối với Hà Giang, tỉnh địa đầu Tổ quốc có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của quốc gia.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Quy hoạch tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đều xác định ngành Nông nghiệp đóng vai trò trụ đỡ nền kinh tế. Trong đó, đột phá “Phát triển du lịch nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị” là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược được Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 17 xác định và thông qua để tập trung phát triển trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Cam Sành VietGAP của huyện Bắc Quang được nhiều du khách yêu thích tại các hội chợ, triển lãm. |
Cùng đó, trên cơ sở Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022, UBND tỉnh Hà Giang cũng đã ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 16/02/2023 về việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số có ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; phấn đấu 100% các điểm du lịch nông thôn được giới thiệu xúc tiến quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng phục vụ du lịch, bồi dưỡng nghề cho tối thiểu 80% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch tại địa phương và các chủ thể hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Nhằm xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc sắc, chuyên nghiệp, mang thương hiệu riêng của Hà Giang, “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030” đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cấp sản phẩm du lịch hiện có (du lịch cộng đồng, văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, mạo hiểm) và phát triển sản phẩm du lịch mới như: thương mại, biên giới; mạo hiểm (loại hình thể thao khinh khí cầu, cáp treo, dù lượn, đua thuyền, cưỡi ngựa)…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang Hoàng Hải Lý trả lời phỏng vấn phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. |
Đặc biệt, chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị; Khai thác văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc Hà Giang thành sản phẩm du lịch độc đáo gắn với du lịch cộng đồng.
Theo ông Hoàng Hải Lý, với nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, phù hợp phát triển nhiều loại nông sản đặc trưng, có thể phục vụ phát triển du lịch, tiêu biểu như cam sành, chè Shan tuyết, mật ong bạc hà, hồng không hạt, gạo Già Dui, hoa tam giác mạch, đào, lê, mận… Hiện nay, Hà Giang đang thực hiện khâu đột phá về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa theo chuỗi giá trị và Chương trình OCOP, tạo ra nhiều vùng sản xuất chuyên canh, nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng. Trong đó, tập trung vào 5 nhóm cây, gồm: Cây ăn quả ôn đới, chè Shan tuyết, dược liệu, lúa chất lượng cao, tam giác mạch; và 3 con: Bò vàng, lợn địa phương, ong bạc hà. Thương hiệu sản phẩm được chú trọng xây dựng với 253 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao được công nhận…
Với chủ trương phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, một số địa phương của Hà Giang có thể xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, trong đó có thể kể đến: vườn cam sành VietGAP tại huyện Bắc Quang; ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì; chè Shan tuyết tại Vị Xuyên; thảo nguyên Suôi Thầu tại Xí Mần; hoa tam giác mạch, cây ăn quả tại các huyện trên Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn...
Hoa tam giác mạch tại Hà Giang được các huyện trên Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn phát triển thành sản phẩm du lịch. |
Thực tế cho thấy, du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở khu vực nông thôn, hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản. Hiện nay, các huyện, thành phố đang chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường; nhân rộng các loại hình trang trại hữu cơ; hạn chế sử dụng hóa chất, khôi phục sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương để du khách có thể tham quan và trực tiếp trải nghiệm quy trình canh tác nông nghiệp, thưởng thức sản vật của địa phương.
Tuy nhiên, để phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với du lịch, ông Hoàng Hải Lý cho rằng các địa phương cần xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ, đầu tư hạ tầng, cơ sở dịch vụ tham quan, trải nghiệm, ăn, nghỉ. Tại các vùng trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh quan phải tạo được điểm nhấn cảnh quan, đảm bảo tính bền vững để du khách có thể vừa trải nghiệm cảnh quan sinh thái môi trường, vừa trải nghiệm văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc tại Hà Giang.
Cùng với đó, cần hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp chất lượng cao và nhân lực phục vụ du lịch. Chú trọng công tác quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn dựa trên tài nguyên nông nghiệp, giá trị cảnh quan, các giá trị văn hóa phi vật thể. Tăng cường kết nối với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành hình thành các tour, tuyến du lịch chất lượng, đa dạng và hấp dẫn. Đồng thời, thu hút, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch nông nghiệp có chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và du khách./.