Hà Giang: Làm tốt chính sách dành cho người có uy tín của đồng bào dân tộc thiểu số
(ĐCSVN) - Để phát huy vai trò của người có uy tín, thời gian tới, các cấp, các ngành của tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước đối với người có uy tín; tổ chức gặp mặt và biểu dương kịp thời người có uy tín trên địa bàn có nhiều đóng góp trong các phong trào thi đua ở địa phương...
Trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, luôn có sự đóng góp tích cực của người có uy tín bằng nhiều hình thức, nhiều phong trào và việc làm thiết thực, góp phần xây dựng làng bản, quê hương đất nước, giáo dục con cháu bảo tồn, phát huy giá trị đạo đức, phong tục tập quán, văn hoá truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc. Có thể khẳng định, người có uy tín (NCUT) là lực lượng nòng cốt hết sức quan trọng có ảnh hưởng rất lớn trong đồng bào dân tộc trên tất cả các lĩnh vực về đời sống, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho đồng bào, là cầu nối quan trọng gắn kết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân ...
Từ việc thực hiện có hiệu quả các nội dung của chính sách, trong những năm qua tỉnh đã xây dựng được đội ngũ NCUT trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, là hạt nhân nòng cốt đưa các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến thôn, bản, từng hộ gia đình, tích cực đi đầu trong các phong trào thi đua tại cơ sở, giúp cấp ủy, chính quyền giải quyết tốt các vướng mắc, bức xúc trong đồng bào thiểu số, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, góp phần ổn định an ninh trật tự tại địa phương.
Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Hà Giang tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục, phát triển kinh tế. Ảnh: Báo Hà Giang
|
Người có uy tín là những người được bầu chọn nhiều năm và đóng góp tích cực trong tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ gìn các phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn và gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, tham gia tích cực các hoạt động của thôn, tổ dân phố phát động. Đồng thời, nhiều người có uy tín có tiếng nói trong cộng đồng dân cư, có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân xoá bỏ mê tín dị đoan và các thủ tục lạc hậu, xoá bỏ tình trạng ma chay kéo dài ngày, hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, thách cưới... đồng thời giúp nhân dân giải toả về mặt tư tưởng, giảm gánh nặng về kinh tế, củng cố niềm tin về mặt tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân trong khuôn khổ pháp luật cho phép, hạn chế kẻ xấu lợi dụng để truyền đạo trái pháp luật. Đồng thời vận động nhân dân thực hiện tốt Quy ước, hương ước làng bản.
Ngoài ra, người có uy tín đã tích cực tham gia tuyên truyền vận động nhân dân và con cháu trong độ tuổi đến trường. Thường xuyên tuyên truyền vận động các hộ gia đình không để con em bỏ học, thất học. Người uy tín còn tham gia vào các phong trào xây dựng dòng họ hiếu học, thực hiện tốt phong trào khuyến học khuyến tài, tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa các gia đình, dòng họ về xây dựng quỹ khuyến học và đăng ký con cháu học giỏi. Đồng thời người có uy tín đã phối hợp với cấp đảng ủy, chính quyền vận động con em tham gia các lớp dạy và học tiếng dân tộc nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Để khẳng định và phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, các sở ngành liên quan đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt chính sách đối với NCUT và định kỳ tổ chức Hội nghị biểu dương người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và Miền núi, hàng năm đều lựa chọn NCUT tiêu biểu đi báo cáo thành tích với lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Đoàn đại biểu người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang chụp ảnh lưu niệm tại Lăng Bác. Ảnh Báo Công Thương |
Người có uy tín đóng vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện và nghe theo. Các cấp ủy Đảng của tỉnh Hà Giang rất quan tâm, động viên người có uy tín, ngoài các chính sách và hỗ trợ lễ, tết theo quy định, tỉnh đã vận động nguồn kinh phí xã hội hoá tặng quà cho 1983 người có uy tín trên địa bàn tỉnh... Đây là món quà hết sức ý nghĩa thể hiện sự quan tâm, động viên của cấp uỷ, chính quyền địa phương đối với người có uy tín trên địa bàn, nhằm khích lệ tinh thần để người có uy tín luôn tích cực nâng cao vai trò của mình trong công tác truyện truyền, vận động và kết nối, bảo tồn, truyền dạy các giá trị văn hoá truyền thống cho các thế hệ sau.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, đội ngũ người có uy tín của tỉnh Hà Giang đã và đang có nhiều đóng góp trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Hà Giang trung bình mỗi năm là 3,75%; toàn tỉnh có 47 xã đạt chuẩn Nông thôn mới./.