Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Giang đề nghị giao đủ kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương theo vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025

Thứ Tư, 06/11/2024 15:40 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN)- Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, tại phiên thảo luận ngày 5/11, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét giao đủ kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) theo kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo đúng Quyết định số 1535 của Thủ tướng Chính phủ.

Đại biểu Vương Thị Hương phát biểu thảo luận.

Đại biểu Vương Thị Hương cho biết nguồn vốn cân đối NSĐP giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hà Giang đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2021-2025 theo nguyên tắc tiêu chí là 4.406,9 tỷ đồng. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã giao hằng năm (2021-2024) là 3.200,2 tỷ đồng. Như vậy, Kế hoạch vốn cân đối NSĐP năm 2025 còn lại là 1.206,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại văn bản số 8222/BKHĐT-TH ngày 08/10/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc dự kiến kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2025 lại thông báo nguồn vốn cân đối NSĐP là 823,19 tỷ đồng, như vậy số nguồn vốn đã bị giảm 383,5 tỷ đồng.

Đại biểu Vương Thị Hương cho rằng, Hà Giang là một tỉnh miền núi, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bị cắt giảm như trên sẽ gây khó khăn cho tỉnh trong việc cân đối bố trí vốn cho các dự án đã quyết định đầu tư. Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét giao đủ kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương đủ kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo đúng Quyết định số 1535 của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu về dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang, đại biểu nêu rõ, Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào dự án trọng điểm quốc gia tại Quyết định số 1166/QĐ-TTg ngày 10/10/2023 và Dự án được thực hiện trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Hà Giang có chiều dài là 27,48 km và được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hà Giang là cơ quan chủ quản tại Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28/7/2022 về phân cấp thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội, thời gian áp dụng trong 2 năm 2022 và năm 2023

Thực hiện Văn bản số 587/TTg-KTTH ngày 05/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án sử dụng nguồn tăng thu NSTW năm 2023 cho tỉnh Hà Giang là 1.500 tỷ đồng thực hiện dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang. Mặt khác để hoàn thành dự án đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp lần thứ 14 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Tỉnh Hà Giang hiện nay đã hoàn thành thủ tục đầu tư dự án cao tốc mở rộng 4 làn xe giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hà Giang với tổng mức đầu tư là 4.850 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 2.654 tỷ đồng (1.154 tỷ thuộc Chương trình phục hồi và Pphát triển kinh tế - xã hội, tăng thu, tiết kiệm chi năm 2023 là 1.500 tỷ đồng); cân đối NSĐP 2.196 tỷ đồng.

Đại biểu đề nghị Quốc hội sớm giao vốn 1.500 tỷ đồng ngân sách trung ương để đầu tư sớm hoàn thành dự án theo kế hoạch. Hoàn thành đúng mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII về phát triển đường cao tốc.

Về xem xét bổ sung áp dụng một số cơ chế đặc thù đối với  dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang, đại biểu chỉ rõ, hiện nay nhu cầu về đất san lấp, vật liệu xây dựng trong các dự án, nhất là dự án cao tốc là rất lớn nhưng nguồn cung không thể đáp ứng do Luật Khoáng sản quy định tài nguyên đất hay đất đồi, đất san lấp là khoáng sản. Trong khi đó, trình tự, thủ tục liên quan đến việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định hiện hành còn rườm rà và tốn nhiều thời gian của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tổ chức, cá nhân đang sở hữu giấy phép. Các vướng mắc này dẫn đến thiếu hụt nguồn thu đất, gia lấp, ảnh hưởng đến biến độ thi công và giải ngân vốn các của các phương án không giải quy định.

Ngoài ra, việc các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa chỉ từ 1 mét vuông vẫn phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường là không cần thiết và gây tăng thêm thủ tục cho các dự án, nhất là đối với dự án giao thông nông thôn. Công tác chuyển đổi đất rừng, quy hoạch sử dụng đất để triển khai thực hiện các dự án cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định từng loại đất.

Vì vậy, đại biểu Vương Thị Hương kiến nghị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ cho phép địa phương được giao làm cơ quan chủ quản dự án thực hiện các nội dung thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc thiết kế kỹ thuật, dự toán./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN