Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Giang: 21 đợt thiên tai - Mất mát và sự sẻ chia

Thứ Hai, 07/10/2024 09:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trải qua 21 đợt lũ quét, sạt lở từ đầu năm đến nay, Hà Giang vẫn tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ sạt lở ở nhiều khu vực trong khi sức chống chịu của cơ sở hạ tầng còn yếu. Hà Giang mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay của các cấp, các ngành, địa phương và mỗi người dân để sẵn sàng chủ động ứng phó với các đợt thiên tai.

Những hình ảnh ấm lòng được ghi lại sau mỗi đợt thiên tai tại tỉnh Hà Giang. 

21 đợt thiên tai với mức ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam khi đang chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sạt lở đất ở Quốc lộ 2 (đoạn qua huyện Bắc Quang), đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Hà Giang xảy ra 21 đợt thiên tai với mức ảnh hưởng lớn, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, hoàn lưu của cơn bão số 3 với những đợt mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang vào cuối tháng 9 vừa qua.

“Chưa bao giờ Hà Giang phải đối mặt với số lượng thiên tai kỷ lục, gây thiệt hại nặng nề đến như vậy. So sánh với cùng kỳ các năm trước, mức độ thiệt hại tăng nhiều, chúng tôi đánh giá nguyên nhân là do biến đổi khí hậu với các loại hình thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường (mưa đá, dông lốc, sét đánh, mưa lớn); cộng thêm điều kiện cơ sở vật chất và nhà ở của người dân còn khó khăn, chủ yếu là nhà tạm, chưa đảm bảo an toàn trước các đợt thiên tai lớn” - đồng chí Nguyễn Văn Sơn cho biết.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, tính đến ngày 15/9 các đợt thiên tai đã khiến 30 người chết, 20 người bị thương, nguyên nhân chủ yếu là do sạt lở, đất đá lăn; gây thiệt hại cho 10.651 ngôi nhà, khoảng 7.840 ha cây trồng, 1.566 chuồng trại bị hư hỏng, 22.101 gia cầm, 601 con gia súc các loại bị chết. Ngoài ra, các đợt thiên tai gây hư hỏng cơ sở vật chất, hạ tầng của 55 điểm trường học, 70 công trình thủy lợi, 8 công trình cấp nước. Hàng trăm nghìn m3 đất đá sạt lở gây hư hỏng tại các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã, thôn;…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về phương án khắc phục hậu quả vụ sạt lở tại quốc lộ 2.  

 Tiếp đó, sau bão số 3 quét qua nhiều tỉnh, thành phía Bắc, hoàn lưu bão tiếp tục gây nhiều thiệt hại cho các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang, làm 02 người chết, 1 người bị thương; 1.407 ngôi nhà bị ảnh hưởng, gần 2.200ha hoa màu, thủy sản cùng hàng nghìn con gia cầm, gia súc các loại bị thiệt hại. Nhiều tuyến đường giao thông, công trình thủy lợi, giáo dục, điện lực và công trình phúc lợi bị sạt lở, vùi lấp.

Và chỉ mới cách đây ít ngày, đợt mưa lớn kéo dài từ đêm 29/9 đến trưa ngày 1/10, dẫn tới lũ quét, sạt lở đã khiến cho Hà Giang thêm một lần nữa “gồng mình” ứng phó với thiên tai, trong đó Bắc Quang là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Mặc dù đã dự báo nguy cơ sạt lở cũng như di dời người dân đến nơi trú ẩn an toàn và giảm thiểu thiệt hại, nhưng trận lũ quét kinh hoàng chưa từng có trong lịch sử vào sáng 29/9 đã tàn phá thôn Thượng Mỹ, xã Việt Vinh (Bắc Quang) khiến cả ngôi làng bình yên bỗng chốc bị lũ san phẳng, khiến 01 người chết, các hộ dân trong làng lâm vào cảnh trắng tay. Cách đó không xa, tại Km 50 + 500, Quốc lộ 2 đoạn qua thôn Buông, xã Việt Vinh tiếp tục xảy ra sạt lở đất từ phía taluy dương xuống đường, tràn sang khu vực đối diện, làm 4 người chết, 9 người bị thương, vùi lấp nhiều phương tiện giao thông và tài sản của người dân, làm gián đoạn tuyến đường giao thông huyết mạch về tỉnh Hà Giang trong 4 ngày.

Thống kê của UBND tỉnh Hà Giang cho thấy, tính đến ngày 15/9/2024 tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 1.424,3 tỷ đồng, chưa bao gồm mức thiệt hại khoảng 94,2 tỷ đồng do thiên tai gây ra trong các ngày từ 29/9 - 1/10 vừa qua.

 Nhiều máy móc, phương tiện được huy động khắc phục sự cố sạt lở nghiêm trọng tại Km49 đoạn qua thôn Nậm Buông, xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang.

Tính toán phương án nổ mìn tại điểm nguy cơ sạt lở

Ngay khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại về người. Cùng với việc triển khai đồng bộ hàng loạt các biện pháp, huy động mọi nguồn lực khắc phục hậu quả, các lực lượng chức năng đã khẩn trương sửa chữa ngay những nhà bị hư hỏng, tổ chức dựng nhà tạm cho các hộ dân có nhà sập hoàn toàn, tiếp tục huy động nhân công giúp các hộ làm nhà để ổn định lâu dài. Đối với diện tích cây nông nghiệp bị ảnh hưởng, các hộ dân cố gắng khôi phục, phần dập hỏng được tận dụng làm thức ăn cho vật nuôi. Diện tích lâm nghiệp bị thiệt hại cũng được cắt tỉa, tận thu, phát dọn để trồng xen vào khoảnh đất trống… Những thiệt hại về cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi như đường giao thông, bệnh viện, trường và điểm trường học, trụ sở thôn, trạm y tế..., đã được các đơn vị chủ quản chủ và UBND các huyện, xã (nơi có thiệt hại) chủ động bố trí kinh phí và khắc phục; với những vị trí sạt lở lớn có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của nhiều hộ dân và công trình quan trọng, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Quyết định Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn…

Chỉ tay về phía ngọn đồi ngay cạnh hiện trường vụ sạt lở tại Km49, Quốc lộ 2, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn thông tin thêm: “Hiện tại khu vực này xuất hiện vết nứt trên đồi với chiều ngang khoảng 4 - 5m, gây nguy cơ sạt lở lớn. Tỉnh đã sơ tán toàn bộ người dân, đặt biển cấm và cảnh báo khu vực nguy hiểm, đồng thời chỉ đạo khảo sát, khoan thăm dò, kiểm tra độ sâu của vết nứt so với mặt bằng đường trong thời gian tới”.

Cùng thời điểm này trên địa bàn tỉnh Hà Giang, thực hiện Công điện số 101/CĐ-TTg ngày 30/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 4368/CĐ-TM ngày 30/9/2024 của Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu về việc khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở tại Hà Giang và ứng phó với nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, Cục Cứu hộ - Cứu nạn đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện nhiệm vụ sử dụng phương tiện bay không người lái (flycam) bay quét các điểm xung yếu, khắc phục sự cố sạt lở và ứng phó với nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét.

 Lãnh đạo tỉnh yêu cầu Đài PT-TH tỉnh Hà Giang dùng flycam khảo sát kiểm tra hình ảnh thực tế phục vụ công tác tìm kiếm, đánh giá các điểm có nguy cơ sạt lở cao.

Đoàn công tác của Cục Cứu hộ - Cứu nạn đã sử dụng 4 flycam và 4 tổ bay, lúc 6h30 sáng 1/10 có mặt tại hiện trường (Km 51-52/QL2 xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) triển khai bay rà soát, kiểm tra theo kế hoạch và theo đề nghị của chính quyền địa phương (rà soát dọc tuyến Quốc lộ 2 trên địa bàn huyện Bắc Quang và mở rộng tại các tuyến đường tỉnh lộ 177, 178 thuộc huyện Xín Mần).

Thông qua flycam, bước đầu Hà Giang đã phát hiện thêm một số điểm sạt lở mới, tại đoạn Km49-50 QL 2 có vết nứt chiều rộng 3 - 5m, dài khoảng 150m; Km54, Quốc lộ 2 phát hiện vết nứt rộng khoảng 1,5 - 2m, dài khoảng 100 m. Ngay sau khi nhận được thông báo của tổ công tác, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các lực lượng chuyên ngành, phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức các đoàn khảo sát thực địa, kiểm tra, đánh giá mức độ nguy hại và chủ động lên phương án phòng tránh, phối hợp xử lý, ứng phó với tình huống sạt lở có thể xảy ra.

“Có thể tỉnh sẽ xem xét, tính toán phương án nổ mìn tại điểm xuất hiện vết nứt mới nhằm đảm bảo an toàn về lâu dài tại khu vực này” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cân nhắc.

Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hà Giang dùng flycam khảo sát và để lãnh đạo tỉnh kiểm tra hình ảnh thực tế phục vụ công tác tìm kiếm, đánh giá các điểm có nguy cơ sạt lở cao. Từ đó, giúp địa phương chủ động triển khai các phương án phòng chống thiên tai.

 Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng thăm hỏi, động viên thân nhân ông Vương Văn Sinh, xã Việt Vinh (Bắc Quang).

Phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên

Có mặt tại điểm lánh nạn tập trung ở nhà văn hóa thôn Tân Mỹ, xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, chúng tôi ghi nhận sự vào cuộc khẩn trương của các cấp chính quyền, đoàn thể và những tấm lòng hảo tâm. Những ngày qua, hàng nghìn suất cơm thiện nguyện cùng hàng tấn lương thực, nhu yếu phẩm được vận chuyển nhanh chóng, kịp thời giúp bà con vượt qua cơn hoạn nạn trước mắt, sớm ổn định tư tưởng,… Ngay khi thiên tai xảy ra, trong cơn hoạn nạn, rất nhiều hành động nhân ái được nhân lên. Đó là những bếp ăn thiện nguyện ngay lập tức được người dân, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện thành lập để kịp thời chia sẻ, đùm bọc những hộ dân gặp nạn. Đó là sự nỗ lực “chạy đua” với thời gian của các lực lượng ngày đêm tham gia cứu hộ cứu nạn, tìm kiếm từng nạn nhân mất tích. Đó là hình ảnh nối dài của những xe hàng cứu trợ trên dọc trục Quốc lộ 2; là không khí khẩn trương cấp phát lương thực tại điểm cấp phát gạo, nhanh chóng vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm đến các điểm di dân tập trung hay những cái nắm tay, cái ôm chia sẻ yêu thương trong cơn hoạn nạn… Đó là sự quyết liệt của các cấp chính quyền và sự thận trọng, cân nhắc trong mỗi quyết định khi chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả nhằm đảm bảo an toàn, sớm ổn định cuộc sống cho người dân. Tất cả những điều đó gộp lại thành niềm an ủi, động viên to lớn; thể hiện sự sát cánh, chung sức, chăm lo với những mất mát, đau thương trên mảnh đất này.

Sau 21 đợt thiên tai, Hà Giang đang phải đối mặt với khó khăn lớn trước mắt là còn rất nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở cao, gây mất an toàn; sức chống chịu của cơ sở hạ tầng còn yếu cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành địa phương để sẵn sàng chủ động ứng phó với các đợt thiên tai tới.

Hàng nghìn suất cơm thiện nguyện cùng hàng tấn lương thực, nhu yếu phẩm được các lực lượng vận chuyển nhanh chóng, kịp thời giúp bà con vượt qua cơn hoạn nạn trước mắt, sớm ổn định tư tưởng,…  

Với phương châm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân lên trên hết, tỉnh Hà Giang đã vận động, di dời khẩn cấp hàng trăm hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao. Trước nguy cơ sạt lở sau đợt mưa lớn từ ngày 28/9-02/10, huyện Bắc Quang đã di dời khẩn cấp 214 hộ/839 nhân khẩu; tại các xã Cốc Rế và Nàn Ma (Xín Mần) xuất hiện các vết nứt kéo dài và có nguy cơ sạt lở cao, huyện đã cho di dời 35 hộ dân tại các khu vực có nguy cơ. Trước đó, trong đợt mưa lớn vào đầu tháng 9, tại huyện Quang Bình cũng có gần 100 hộ dân phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, trong đó tại hai xã Yên Thành và Bằng Lang đã có 73 hộ bắt buộc phải di dời khẩn cấp. Vào tháng 8/2024, tại thôn Thiên Hương, thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún, nguy cơ xảy ra sạt lở cao do mưa lớn kéo dài, Huyện cũng đã tiến hành di dời khẩn cấp 14 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm;… Đồng thời, với đó, lãnh đạo tỉnh cũng tổ chức thăm hỏi, chia sẻ, động viên bà con nỗ lực vượt qua khó khăn; tập trung huy động nguồn lực, đảm bảo lương thực, thực phẩm đầy đủ; chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, tìm vị trí phù hợp, an toàn, tập trung nguồn lực xây dựng khu tái định cư để các hộ dân yên tâm sinh sống và lao động sản xuất.

Liên tiếp đối mặt với nhiều đợt thiên tai, tỉnh Hà Giang xác định công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nhiệm vụ này một lần nữa được đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng chỉ đạo là nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm tại phiên họp lần thứ 23 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vào các ngày 3-4/10 vừa qua.

Theo đó, phải tập trung công tác khắc phục hậu quả thiên tai; tiếp tục rà soát, di dời, sơ tán người dân khỏi các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét; đảm bảo an toàn tính mạng và đời sống của Nhân dân; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý, vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước; tập trung khắc phục hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là các dự án đường giao thông; có kế hoạch sản xuất linh hoạt, hiệu quả và các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục sản xuất, kinh doanh ngay sau thiên tai…

 Lực lượng chức năng tại huyện Quang Bình dựng nhà cho các hộ dân thuộc diện phải di dời do nguy cơ sạt lở. (Ảnh: Mộc Lan/Báo Hà Giang).

Các ngành, địa phương, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh vào cuộc, trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, không chủ quan, lơ là, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước. Theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật thông tin về mưa lũ, diễn biến tình hình thiên tai; chủ động kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình và bảo vệ sản xuất nông lâm nghiệp.

Ngoài ra, 100% lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn thường trực 24/24 để tiếp nhận và xử lý kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra; đồng thời chủ động khắc phục kịp thời sự cố, đảm bảo giao thông trên các trục chính và đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản khi xảy ra mưa lũ…

Tin tưởng rằng, với sự đoàn kết, chung tay, sẻ chia, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị và người dân sẽ là nguồn sức mạnh to lớn để những người chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai tại Hà Giang sớm vượt qua khó khăn, dần ổn định cuộc sống./.

Nhóm phóng viên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN